3.3.2.1. Nhóm giải pháp về kinh tế
a) Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho các hộ dân
làng nghề chè
Nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu chè búp tươi, tăng năng suất chất lượng sản phẩm chè; Nâng cao trình độ cho các chủ hộ nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất chè sạch; Ứng dụng khoa học công nghệ cho sản xuất và chế biến sản phẩm nghề; Nâng cao nhận thức về bảo tồn các giá trị truyền thống nghề; Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề và nâng cao nhận thức về vai trò của liên kết trong sản xuất kinh doanh, và ý thức trong việc bảo vệ môi trường làng nghề.
b) Phát triển hoạt động du lịch làng nghề
Du lịch làng nghề còn khá mởi mẻ ở huyện Đồng Hỷ, hoạt động du lịch chưa thực sự mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các hộ dân làng nghề, song trong tương lai, nếu hoạt động du lịch làng nghề phát triển thì đây chính là một trong những kênh tiêu thụ sản phẩm nghề chè hiệu quả cho các làng nghề chè của huyện Đồng Hỷ. Để phát triển du lịch làng nghề, vai trò của các sở ngành, của các tổ chức trong việc giới thiệu, quảng bá du lịch là vô cùng quan trọng, cần phải thực hiện một số giải pháp đồng bộ đối với hoạt động du lịch như sau:
- Tạo dựng các làng nghề chè thành các điểm đến du lịch, khai thác triệt để dịch vụ làng nghề với mô hình du lịch sinh thái.
- Xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề và tại các khách sạn lớn để khách du lịch tham quan các sản phẩm trưng bày và xây dựng các đồi chè mẫu nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, để du khách tham quan có thể tự tay mình làm ra sản phẩm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân nghề.
- Chú trọng đến việc giới thiệu cho du khách về yếu tố lịch sử và văn hóa làng nghề, cũng như những nét độc đáo của sản phẩm nghề.
- Phát triển du lịch làng nghề trên cơ sở kế thừa và bảo tồn không gian làng nghề truyền thống. Các hộ gia đình trong làng nghề cần bảo tồn những phong tục, tập quán, nếp sống truyền thống.
- Quán triệt các hộ dân trong làng nghề về công tác vệ sinh môi trường nông thôn: đường làng ngõ xóm, vệ sinh tại chính các hộ dân làng nghề, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường làng nghề trong lành là những yếu tố thu hút du khách đến tham quan làng nghề.
- Bên cạnh đó, vai trò của nhà nước và của huyện trong việc liên kết xây dựng mối quan hệ giữa các công ty du lịch của các tỉnh, địa phương khác để xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề cho huyện, thường xuyên cập nhật thông tin và có nguồn khách ổn định. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tổ
chức tốt các tuyến du lịch làng nghề để thông qua du khách quảng bá sản phẩm. Đồng thời, cần bổ sung thêm chính sách phù hợp, mang tính thống nhất giữa các công ty khai thác tài nguyên du lịch với làng nghề để tăng cường liên kết, hợp tác cho phát triển du lịch làng nghề.
c) Đẩy mạnh công tác quy hoạch làng nghề gắn với vùng nguyên liệu
Đặc trưng của làng nghề chè là gắn liền với vùng nguyên liệu, do vậy để phát triển làng nghề chè, huyện cần chú trọng đến phát triển vùng nguyên liệu chè. Hiện nay, UBND huyện Đồng Hỷ đã có quy hoạch xây dựng tổng thể và chi tiết vùng nguyên liệu chè cho từng huyện, xã. Tuy nhiên quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu chè cho phát triển làng nghề còn đang thiếu. Do vậy, để hoàn thiện quy hoạch làng nghề chè gắn với vùng nguyên liệu, cần tập trung vào các nội dung sau:
- Rà soát cụ thể quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè gắn với các làng nghề chè của huyện Đồng Hỷ.
- Xây dựng chi tiết quy hoạch vùng chè nguyên liệu cho các làng nghề theo hướng mở rộng quy mô sản xuất hộ nghề tại các làng nghề chè. Phát triển các giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với từ vùng miền, từng làng nghề.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các làng nghề chè huyện Đồng Hỷ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc mở rộng vùng chè nguyên liệu phù hợp với điều kiện của mỗi làng nghề.
d) Phát triển thương hiệu sản phẩm
Để đăng ký thương hiệu sản phẩm chè cho các làng nghề thì làng nghề phải có pháp nhân thông qua việc thành lập các HTX nghề. Đây cũng là giải pháp giúp cho làng nghề có pháp nhân, các hộ nghề có thể liên kết trong sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm thị trường, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Để phát triển thương hiệu, cần nâng cao nhận thức của người dân làng nghề về vai trò của thương hiệu trong việc đảm bảo uy tín chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chè Đồng Hỷ. Có chính sách hỗ trợ các cá nhân, tố chức tham gia đăng ký thương hiệu, vận động các hộ dân làng nghề thành lập hoặc tham gia vào các tổ chức có tư cách pháp nhân để dễ dàng cho việc đăng ký thương hiệu và quản lý thương hiệu.
Đặc biệt, chính quyền địa phương cần quan tâm đến công tác quản lý và phát triển thương hiệu. Các tổ chức cá nhân vi phạm quy định quản lý thương hiệu sẽ bị phạt và tịch thu giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm chè. UBND huyện Đồng Hỷ cần xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh nhằm hạn chế tối đa việc làm giả, làm nhái thương hiệu.
e) Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề
- Tiến hành điều tra nghiên cứu phân tích thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm chè, đặc biệt là sản phẩm chè xanh đặc sản của các làng nghề chè. Tìm kiếm thị trường có tiềm năng cho phát triển sản phẩm chè trong nước như: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh… Thị trường ở ngoài nước như các nước Trung Đông, Tây Âu, Mỹ… một số nước Châu Á: Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cần phân tích xem các thị trường nào là thị trường chiến lược, các thị trường nào là thị trường triển vọng. Từ đó, dự báo nhu cầu thị trường cho sản phẩm nghề về sản lượng xuất khẩu, chất lượng và bao gói theo thị hiếu của người mua. Đặc biệt là những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn đối với các sản phẩm làng nghề chè. Qua đó, định hướng sản xuất và chế biến sản phẩm chè theo yêu cầu thị trường.
- Thông tin thị trường: Đẩy mạnh thương mại điện tử, hỗ trợ các làng nghề chè xây dựng hệ thống thông tin nhằm quảng bá sản phẩm nghề chè. Tổ chức trung tâm thông tin nhằm cung cấp các thông tin về thị trường, thông tin về khoa học công nghệ, phổ biến các chính sách xã hội cho người dân tại các làng nghề. Hiệp hội làng nghề là trung tâm tiếp nhận và cung cấp thông tin.
- Tìm hiểu các thông tin về các nhà xuất khẩu cũng như những nhà nhập khẩu, thiết lập mối quan hệ giữa các đơn vị này với các làng nghề thông qua tổ chức Hiệp hội làng nghề của tỉnh. Cần nâng cao vai trò của chính phủ trong việc hỗ trợ xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, UBND huyện và các hiệp hội, các công ty tư vấn, công ty môi giới... có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm khách hàng, giới thiệu sản phẩm nghề chè cho các làng nghề chè.
- Đối với thị trường trong nước: Quảng bá sản phẩm nghề chè thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các website, các băng rôn, áp phích... Chú trọng đến việc hỗ trợ các làng nghề chè tham gia các cuộc hội chợ hàng công nghiệp tiêu biểu, hội chợ làng nghề... Đầu tư các kiốt, cửa hàng, trung tâm xúc tiến thương mại ở các làng nghề, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng...
- Đối với thị trường ngoài nước như: Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Úc…: Xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm chè, cần dựa vào các đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Mời các chuyên gia, các nghệ nhân chè nước ngoài giới thiệu sản phẩm.Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức thâm nhập thị trường nước ngoài thông qua sự hỗ trợ một phần từ nhà nước.Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài cần đề xuất có ít nhất một cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm nghề, trong đó có sản phẩm chè của các làng nghề.Đây cũng chính là cầu nối giữa thị trường trong nước với thị trường xuất khẩu, giúp cho sản phẩm làng nghề chè thâm nhập được các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có truyền thống uống chè.Tại các làng nghề chè cần đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, đây cũng chính là hình thức mở rộng thị trường xuất khẩu tại chỗ.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
1. Kết luận
Hiện nay huyện Đồng Hỷ có 36 làng nghề chè, tập trung tại các xã Văn Hán: 17 làng nghề chè, chiếm 47,2% tổng số làng nghề chè toàn huyện; các xã Hòa Bình, Minh Lập và thị trấn Sông Cầu mỗi đơn vị có 4 làng nghề chè; các xã Hóa Thượng, Khe Mo mỗi xã có 2 làng nghề chè; các xã Văn Lăng, Cây Thị và Nam Hòa mỗi xã có 1 làng nghề chè. Tổng diện tích chè ở tất cả 36 làng nghề là 2.407 ha chè, chiếm 66,9% tổng diện tích chè toàn huyện, với 2.548 hộ trong làng nghề chè, chiếm 10,7% tổng số hộ gia đình toàn huyện.
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 5 doanh nghiệp chè và 16 HTX chè, được phân bố tập trung tại các vùng nguyên liệu chè của huyện. Diện tích chè của tất cả 16 HTX chè trên địa bàn huyện Đồng Hỷ là 1.109 ha trong tổng số 2.407 ha chè của tất cả 36 làng nghề chè, chiếm 46,1% tổng diện tích chè trong làng nghề chè. Với cấu trúc tổ chức sản xuất đặc thù, doanh nghiệp chè kém phát triển, vai trò của HTX ngày càng được khẳng định, nên thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, xuất khẩu thấp. Hiện nay, chè ở tất cả 36 làng nghề trên địa bàn huyện Đồng Hỷ chủ yếu được 16 HTX và 2.548 hộ gia đình cung cấp ra thị trường (chiếm tới 90% sản lượng sản phẩm). Chỉ có tới khoảng 10% số lượng sản phẩm chè do các công ty, doanh nghiệp phân phối, kiểm soát.
Trong sản xuất chè hiện nay, các làng nghề chè đã chú ý đến khoa học công nghệ và quy trình kỹ thuật sản xuất nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tổng số 1.109 ha chè của tất cả 16 HTX chè thì có tới 1.089 ha chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGap, chiếm 98,2% tổng diện tích chè của các HTX chè toàn huyện Đồng Hỷ.
Với tổng số 2.548 hộ làm nghề chè ở tất cả 36 làng nghề chè trên địa bàn huyện, mỗi hộ bình quân có 4,9 nhân khẩu với 2,5 lao động để có thể đảm đương sản xuất, chế biến cho diện tích chè bình quân mỗi hộ 0,974 ha, được đánh giá là đủ lớn về diện tích, quy mô sản xuất và áp dụng khoa học công nghệ. Mỗi hộ có tổng số vốn sản xuất đạt 92,6 triệu đồng. Thiếu vốn sản xuất được đánh giá là rào cản, là điểm nghẽn quan trọng trong sản xuất kinh doanh chè của hộ làm nghề chè trong các làng nghề chè hiện nay trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.
Nếu như năm 2017, bình quân mỗi hộ làm nghề chè trong làng nghề chè có doanh thu 148,0 triệu đồng/hộ/năm, trong đó nhóm hộ tham gia HTX có doanh thu cao hơn, đạt bình quân 148,9 triệu đồng/hộ/năm, bằng 100,6% so với nhóm hộ không tham gia HTX; Đến năm 2018, mỗi hộ làm nghề chè có doanh thu từ chè đạt bình quân 154,9 triệu đồng/hộ/năm, cao hơn 6,5 triệu đồng/hộ so với năm 2017. Trong đó nhóm hộ gia đình không tham gia HTX có doanh thu đạt bình quân 153,5 triệu đồng/năm, cao hơn 5,5 triệu đồng so với năm 2017, tức bằng 103,7% so với năm 2017; Nhóm hộ tham gia HTX có doanh thu 156,4 triệu đồng/năm, bằng 101,9% so với nhóm hộ không tham gia HTX và cao hơn 7,5 triệu đồng so với năm trước đó là năm 2017, tức là bằng 105% so với năm 2017. Mặt khác, doanh thu chè của nhóm hộ tham gia HTX đều cao hơn nhóm hộ gia đình chưa tham gia HTX, chứng tỏ rằng HTX đã góp phần nâng cao doanh thu và thu nhập cho các thành viên, chủ yếu là do hành động tập thể trong việc đầu tư đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Trong sản xuất kinh doanh chè của làng nghề chè huyện Đồng Hỷ hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế yếu kém cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy cần có định hướng phát triển làng nghề chè huyện Đồng Hỷ đúng đắn cả về phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường bằng các nhóm giải pháp đồng bộ cả về kinh tế, xã hội và môi trường để có thể phát triển làng nghề chè huyện Đồng Hỷ.
2. Khuyến nghị
- Trên cơ sở phân cấp quản lý, Trung ương (Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành Trung ương) cần ban hành bổ sung các quy định về phát triển các hình thức tổ chức kinh tế trong làng nghề chè, khuyến khích phát triển và hỗ trợ các hình thức kinh tế trong làng nghề chè nhằm tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.
- Cần có các quy định cụ thể nhằm quản lý nguồn cung cấp các yếu tố đầu vào cho sản xuất tại các làng nghề chè: Quản lý chặt chẽ thị trường phân bón, thuốc trừ sâu, tránh hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; Ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật rút gọn sử dụng trên cây chè để có cơ sở hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Bộ Nông nghiệp và PTNT (2006). Thông tư số 116/2006/TT- BNN của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn thực hiện một số nội
dung của Nghịđịnh số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về
phát triển ngành nghề nông thôn.
2. Bộ Nông nghiệp và PTNT (2017). Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày
09 tháng 01 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc
ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn
mới giai đoạn 2016-2020.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017). Thông tư số 31/2017/TT-BTNMT
ngày 27/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban
hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường.
4. Lê Thị Thế Bửu, Bùi Thanh Đạo, Hứa Thành Thân, Phạm Thị Kim Dung, Lâm Triệu Ngọc, Phạm Thị Thu Thủy (2015). "Thực trạng phát triển làng nghề truyền thống tỉnh Bình Định". Tạp chí Khoa học Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế. Đại học Đà Nẵng, số 3(04), tr 66-77.
5. Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ (2018). Kết quả hoạt động của
làng nghề chè tỉnh Phú Thọ.
6. Chính phủ (2006). Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 07 năm
2006 của Thủ tướng Chính phủ về quy định về ngành nghề nông thôn. Đổi
mới trong phát triển làng nghề. http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/phu-tho-
doi-moi-trong-phat-trien-lang nghe/20191227032941148
7. Lực đẩy làng nghề truyền thống phát triển bền vững. http://hoinongdan tuyenquang.org.vn/DetailView/6062/5/Luc-day-lang-nghe-truyen-thong- phat-trien-ben-vung.html
8. Nguyễn Thị Phương Hảo (2014). Ảnh hưởng của biến động tăng giá đầu
vào đến hiệu quả kinh tế sản xuất chè của các hộ nông dân trên địa bàn