3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.3.4. Sự truyền lây
Khi gia cầm nhiễm cúm, virus cúm được nhân lên trong đường hô hấp và đường tiêu hoá. Sự truyền lây bệnh được thực hiện theo 2 phương thức là trực tiếp và chủ yếu là gián tiếp.
- Lây trực tiếp do vật mẫn cảm tiếp xúc với vật mắc bệnh thông qua các hạt khí dung được bài tiết từ đường hô hấp hoặc qua phân, thức ăn và nước uống bị nhiễm.
- Lây gián tiếp qua các hạt khí dung trong không khí với khoảng cách gần hoặc những dụng cụ chứa virus do gia cầm mắc bệnh bài thải qua phân hoặc lây qua chim, thú, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, xe vận chuyển, côn trùng.
Như vậy, virus cúm dễ dàng truyền tới những vùng khác do con người, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi.... Đối với các virus gây bệnh cúm truyền nhiễm cao ở gia cầm thì sự lây chủ yếu qua phân, đường miệng (Garcia A. và cộng sự, 1998); Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2005b).
Đối với gia cầm nuôi, nguồn dịch đầu tiên thường thấy là: từ các loài gia cầm nuôi trong cùng trang trại hoặc trang trại liền kề; lây truyền qua trứng; từ gia cầm nhập khẩu; từ chim di trú đặc biệt là các loài chim nước; từ người và các động vật có vú khác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2005c).
Sự truyền lây theo chiều ngang của virus cúm gia cầm thường xảy ra nhưng hiện nay thiếu bằng chứng về truyền lây theo chiều dọc. Tuy nhiên, trên gà mái bị nhiễm virus cúm gia cầm, người ta có thể phân lập được virus trên vỏ trứng và các thành phần bên trong trứng. Đường gây bệnh thành công trong thí nghiệm bao gồm:
khí dung, trong mũi, trong xoang, trong khí quản, miệng, kết mạc, trong cơ, trong xoang bụng, túi khí, mạch máu, lỗ huyệt.
Theo các tổ chức WHO và FAO thì con người có nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm cao nhất là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh trong quá trình bắt và giết mổ.