3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.8.2. Phòng bệnh bằng vaccine
Để bảo vệ người và động vật đối với một bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật nói chung và do virus nói riêng, việc cần thiết là phải nghiên cứu vaccine phòng chống (Breytenbach J.H., 2004).
Với bệnh cúm gia cầm, virus có đặc tính kháng nguyên dễ biến đổi và tái tổ hợp nên vaccine đối với virus cúm gia cầm là một vấn đề không đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay do tiến bộ của khoa học và công nghệ một số loại vaccine đã được nghiên cứu và thể nghiệm. Trong các vaccine hiện có vaccine vô hoạt, vaccine thế hệ mới (Pastoret P. P., 1997).
* Vaccine vô hoạt: virus nhân lên trên phôi gà 9 – 10 ngày tuổi, thu lấy nước trứng, vô hoạt virus bằng β-propiolacton hoặc formaldehyt và cho bổ trợ bằng dầu khoáng hoặc dầu thực vật (International Association for Biologicals, 2005).
- Vaccine vô hoạt đồng chủng: những loại vaccine này ban đầu được sản xuất như các vaccine tự phát sinh, có nghĩa là vaccine cùng chứa những virus cúm gà giống như chủng gây bệnh trên thực địa. Hiệu lực của những vaccine này trong việc ngăn ngừa bệnh và giảm lượng virus thải ra môi trường đã được chứng minh thông qua các nghiên cứu trên thực địa và các thử nghiệm (Naeem K. và cộng sự, 1999). Nhược điểm của loại vaccine này là không thể phân biệt gia cầm được tiêm chủng với gia cầm tiếp xúc với mầm bệnh trên thực địa trừ khi có những con chưa được tiêm chủng được nhốt ở trong chuồng.
- Vaccine vô hoạt dị chủng: được sản xuất tương tự như vaccine vô hoạt đồng chủng. Điểm khác biệt là các chủng virus sử dụng trong vaccine có kháng nguyên H giống chủng virus trên thực địa, nhưng có neuraminidase (kháng nguyên N) dị chủng. Sau khi tiếp xúc với virus trên thực địa, bảo hộ lâm sàng và giảm thải trừ virus ra ngoài môi trường được đảm bảo bằng phản ứng miễn dịch sản sinh bởi kháng nguyên nhóm H đồng chủng, trong khi kháng thể chống Neuraminidase sản sinh bởi virus thực địa có thể sử dụng như chất đánh dấu sự lây nhiễm trên thực địa (Naeem K. và cộng sự, 1999).
Đối với 2 loại vaccine đồng chủng và dị chủng, mức độ bảo hộ lâm sàng và việc giảm thải trừ virus ra môi trường bên ngoài được cải thiện do khối lượng kháng nguyên trong vaccine cao hơn. Đối với vaccine dị chủng, mức độ bảo hộ không tỷ lệ chặt chẽ với mức độ đồng chủng giữa gen ngưng kết tố hồng cầu trong vaccine và chủng trên thực địa. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh rằng vaccine vô hoạt đơn giá hoặc đa giá có chất hỗ trợ đã tạo ra kháng thể cho gia cầm, có tác dụng phòng vệ và làm giảm số nhiễm, số chết, không giảm đẻ trứng. Tuy vậy, gia cầm được tiêm vaccine này trở nên mắc bệnh mà không có triệu chứng lâm sàng nhưng vẫn bài thải virus mà vẫn tiềm tàng khả năng lây lan, gây bệnh nghiêm trọng.
* Vaccine thế hệ mới: được sản xuất có sử dụng kỹ thuật gen đang được triển khai. + Vaccine dưới nhóm chứa protein kháng nguyên HA, NA tái tổ hợp và tách chiết làm vaccine.
+ Vaccine tái tổ hợp có véc tơ dẫn truyền sử dụng virus đậu gà làm véc tơ tái tổ hợp song gen H5 và N1 phòng chống virus type H5N1 và H7N1.
+ Vaccine nhược độc virus cúm nhân tạo: sử dụng virus cúm được làm nhược độc bằng kỹ thuật xóa bỏ gen độc.
+ Vaccine ADN: sử dụng ADN tái tổ hợp làm vaccine, vaccine chứa gen HA, NA, NP đơn lẻ hoặc đa gen.
- Yêu cầu cần đạt được đối với vaccine phòng bệnh cúm gia cầm
+ An toàn: trong chế tạo vaccine, an toàn là chỉ tiêu quan trọng hàng đầu cần được quan tâm. An toàn vaccine là khi dùng cho vật chủ không gây bệnh và bệnh tích cho các cơ quan trong cơ thể gia cầm. Tuy nhiên những biểu hiện phản ứng cục bộ hoặc toàn thân nhẹ trong một thời gian ngắn (triệu chứng không đặc trưng) có thể được chấp nhận ở một số loại vaccine nếu sau đó con vật trở lại khỏe mạnh và có miễn dịch. Tính an toàn của một vaccine còn phụ thuộc vào thời điểm đưa vaccine vào cơ thể con vật.
+ Hiệu lực: hiệu lực của vaccine phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tính kháng nguyên của virus vaccine và tính đặc hiệu giữa kháng thể sinh ra và kháng nguyên là quan trọng nhất. Những virus có tính kháng nguyên cao và giữ được tính kháng nguyên cao sau khi được chế làm vaccine thì khả năng kích thích miễn dịch càng cao.
Tỷ lệ hiệu giá kháng thể đạt mức bảo hộ trong đàn ≥ 70% thì mới được coi là đàn đạt bảo hộ.