3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.3. Tổng hợp tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định
- Dịch cúm gia cầm xảy ra tại Bình Định từ năm 2004 và đã xuất hiện tại hầu hết các huyện, thành phố, thị xã với tổng số gia cầm tiêu hủy là 294.934 con và 117.747 quả trứng các loại.
- Đầu năm 2005, Bình Định có xử lý tiêu hủy những đàn gia cầm dương tính kháng thể virus cúm subtype H5N1 theo chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ, với số lượng gia cầm là 31.915 con và 46.207 quả trứng vịt.
- Từ năm 2006 đến năm 2010 không có ổ dịch cúm gia cầm nào xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Định.
- Đầu năm 2011, 2013 và 2014 Bình Định xử lý tiêu hủy số lượng gia cầm lần lượt là 4.153 con, 4.300 con và 17.046 con ở những đàn dương tính kháng thể virus cúm subtype H5N1. Năm 2012 và 2015 không xảy ra ổ dịch cúm gia cầm nào trên địa bàn của tỉnh. Mặc dù vậy, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn cao vì khả năng tiếp xúc với mầm bệnh ngoài môi trường (từ các loài chim hoang dã) rất lớn của gia cầm từ phương thức chăn nuôi vịt chạy đồng cũng như chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học của người chăn nuôi.
Dịch thường tái phát tại các ổ dịch cũ, sau đó lan rộng, tập trung chủ yếu tại các huyện: Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, .... Dịch xảy ra chủ yếu vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 trong năm.
Để đánh giá tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định trong 5 năm gần đây, chúng tôi tiến hành điều tra hồi cứu số liệu dịch cúm gia cầm từ năm 2011 đến 2015 nhằm đánh giá thiệt hại do dịch cúm gia cầm gây ra, xác định số lượng các huyện, xã, thôn và số hộ có dịch cúm gia cầm, đồng thời xác định được mức độ ảnh hưởng của bệnh cúm gia cầm đối với các loài gia cầm khác nhau (gà và vịt).
Kết quả tổng hợp tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2011 - 2015 được thể hiện ở Bảng 3.3.
Bảng 3.3. Tình hình dịch cúm gia cầm tại tỉnh Bình Định giai đoạn 2011- 2015
Năm Số địa phương và hộ có dịch Tổng số mắc bệnh Gà (con) Vịt (con) Huyện Xã Thôn Hộ mắc Số Tỷ lệ (%) Số mắc Tỷ lệ (%) 2011 1 2 3 4 4.153 0 0 4153 100 2012 0 0 0 0 0 0 0 0 0 2013 1 1 1 2 4.300 0 0 4300 100 2014 6 12 12 13 16.597 9.347 56,3 7.250 43,7 2015 0 0 0 0 0 0 0 0 0 Tổng 25.050 9.347 37,3% 15.703 62,7%
Theo kết quả điều tra dịch tể học từ năm 2011 đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Định cho thấy:
- Năm 2011: dịch cúm đã xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi vịt vào tháng 3 tại huyện Tuy Phước, làm tiêu hủy tất cả 4153 con vịt trên tổng số 5.065 con.
- Năm 2013: cúm gia cầm lại xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi vịt vào tháng 3 tại thành phố Qui Nhơn, làm tiêu hủy 4.300 con vịt trên tổng số 6.000 con.
- Năm 2014: vào khoảng cuối tháng 2 và đầu tháng 3 dịch cúm bùng phát mạnh hơn, có đến 13 hộ chăn nuôi gia cầm trên 5 huyện và thị xã với tổng số 9.347 gà và 7250 vịt dương tính với cúm gia cầm. Cụ thể: Phù Mỹ có 2 hộ chăn nuôi vịt với tổng số 1.300 con, Tây Sơn có 2 hộ chăn nuôi gà với tổng số 2.300 con và 1 hộ chăn nuôi 400 vịt, Phù Cát có 2 hộ chăn nuôi vịt với tổng số 2.150 con và 1 hộ nuôi 2.000 gà,
Hoài Nhơn có 2 hộ nuôi vịt với tổng số 3.400 con, Tuy Phước có một hộ nuôi 400 gà và An Nhơn có 2 hộ nuôi tổng cộng 4.647 con gà.
- Năm 2012 và 2015 không có xảy ra ổ dịch cúm gia cầm nào trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Hình 3.3. Tổng hợp tình hình dịch cúm gia cầm ở gà và vịt giai đoạn 2011 - 2015
Kết quả ở Bảng 3.3 và Hình 3.3 cho thấy:
- Từ năm 2011 đến 2015 dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra trên đàn vịt là chủ yếu. Tỷ lệ vịt mắc bệnh chiếm 62,7%,còn trên đàn gà là 37,3%.
- Năm 2011 và 2013 không có gà mắc bệnh, tổng số vịt mắc bệnh là 8.453 con chiếm 100%.
- Năm 2014 có tổng số gà mắc bệnh là 9.347 con chiếm 56,3%, tổng số vịt mắc bệnh là 7.250 con chiếm 43,7%.
- Năm 2012 và 2015 không có dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Kết quả phân tích cho thấy dịch cúm gia cầm tại tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2015 chủ yếu xảy ra trên vịt chạy đồng, rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, trên phương thức chăn nuôi nông hộ.
Do dịch xảy ra ở quy mô hộ gia đình khiến cho công tác phòng, chống dịch càng trở nên khó khăn hơn vì khó phát hiện do việc nhiễm bệnh thường âm thầm và người dân ít quan tâm, báo dịch chậm.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh Bình Định không xảy ra dịch cúm gia cầm.