Quyền và nghĩa vụ pháp lý là các hành vi mà pháp luật cho phép các chủ thể hợp đồng được tiến hành hoặc bắt buộc thực hiện, được phát sinh do luật định hoặc do các bên tự thỏa thuận. Các quyền lợi của chủ thể này luôn gắn liền với nghĩa vụ của chủ thể còn lại của hợp đồng. Với bản chất là giao dịch dân sự, thỏa thuận của các bên phải được đánh giá dựa trên nguyên tắc không trái quy định pháp luật.
-Về quyền và nghĩa vụ của bên cho vay – CTTC:
+ Quyền yêu cầu bên đi vay cung cấp thông tin: Thông tin do bên đi vay cung cấp có phạm vi rộng, đảm bảo tính trung thực, đúng đắn của các tài liệu, chứng từ mà bên đi vay cung cấp cho bên cho vay, ngay từ giai đoạn xét duyệt cho vay. Quyền yêu cầu cung cấp thông tin tín dụng là quyền tín dụng cơ bản, được luật hóa. Trên cơ sở các thông tin tài liệu này, bên cho vay sẽ biết được năng lực bên đi vay để làm căn cứ quyết định cho vay. Thông tin tín dụng chỉ được cung cấp để phục vụ cho các mục đích của hợp đồng vay. Do đó, nếu các yêu cầu cung cấp thông tin do
24 Hà Anh, Rủi Ro Nợ Xấu từ Cho vay têu dùng, https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/rui-ro-no-xau-tu-cho- vay-tieu-dung-315841.html, truy cập lúc ngày 22/12/2020
bên cho vay đưa ra không liên quan đến hợp đồng, bên đi vay có quyền từ chối, không thực hiện.
+ Quyền yêu cầu bên đi vay hoàn trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn: CTTC có quyền yêu cầu bên đi vay hoàn trả hết nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng thời hạn. Việc ấn định thời hạn trả nợ nhằm giúp CTTC có thể “xoay vòng” vốn vay. Đây cũng là căn cứ xác định thời điểm hoàn thành hoặc vi phạm HĐCVTD. Quyền này chỉ được thực hiện khi bên cho vay đã thực hiện giải ngân, được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các quy định cho phép CTTC được quyền chấm dứt cho vay, quyền chuyển nợ quá hạn nếu bên đi vay vi phạm.
+ Quyền gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ: Đây là quyền do bên cho vay chủ động thực hiện, tuỳ thuộc vào tình hình tài chính của bên cho vay và khả năng trả nợ của bên đi vay sau khi được gia hạn.
+ Quyền chấm dứt cho vay và thu hồi vốn vay trong trường hợp bên vay vi phạm các nghĩa vụ hợp đồng: CTTC được quyền tạm dừng cho vay, nếu bên đi vay vi phạm các nội dung trong hợp đồng. Quyền này chỉ được phát sinh sau khi CTTC thực hiện giải ngân. Việc tạm dừng cho vay thông thường sẽ kèm theo các biện pháp mà CTTC đề ra nhằm yêu cầu bên đi vay khắc phục trong thời hạn nhất định. Đối với hành vi chậm trả lãi, CTTC đương nhiên được áp dụng mức phạt vi phạm nếu có thỏa thuận, phù hợp quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp nếu bên đi vay tiếp tục vi phạm thì CTTC được quyền đơn phương chấm dứt cho vay25.
+ Nghĩa vụ cho vay đúng đối tượng vay: Việc cho vay đúng đối tượng nhằm bảo đảm hiệu quả của hợp đồng, giảm thiểu rủi ro. Theo đó, đối tượng vay phải là những cá nhân có năng lực pháp luật, năng lực hành vi, không vi phạm vào những trường hợp bị cấm, bị hạn chế cho vay; có nhu cầu sử dụng vốn vay hợp pháp cụ thể là nhu cầu vay vốn vì mục đích tiêu dùng; có khả năng hoàn trả nợ gốc và lãi.
+ Nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của bên đi vay: Hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện xuyên suốt quá trình cho vay nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động CVTD. Khi cho vay, một mặt CTTC phải chú trọng áp dụng các biện pháp bảo đảm theo quy định pháp luật dân sự, mặt khác phải thiết lập cơ chế giám sát ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn cho đến khi
thu hồi hết nợ thông qua hoạt động thẩm định các điều kiện giải ngân và mục đích sử dụng vốn vay.
+ Nghĩa vụ chấp hành quy định về giải ngân: CTTC không được tự ý chấm dứt cho vay trong trường hợp bên đi vay không có sai phạm. Bởi lẽ, CTTC là TCTD có chức năng “đi vay để cho vay”, nên phải chuẩn bị nguồn tiền vay, dự phòng tín dụng hợp lý để duy trì hoạt động của mình. CTTC không thể từ chối giải ngân với lý do không có tiền. Vi phạm nghĩa vụ giải ngân sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, CTTC đương nhiên phải bồi thường thiệt hại26 cho dù các bên có thỏa thuận biện pháp chế tài trong hợp đồng hay không.
+ Nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của bên đi vay: Bên đi vay có quyền yêu cầu bên cho vay cung cấp thông tin về khoản vay, chính sách lãi suất của CTTC27. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của CTTC có ý nghĩa quan trọng giúp cho bên đi vay xác định kế hoạch trả nợ, kịp thời phát hiện những sai phạm để thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện. Thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ này chính là củng cố cho sự minh bạch tín dụng, hạn chế tình trạng thu phí tràn lan, tính lãi suất không đúng quy định, nâng cao niềm tin khách hàng.
-Về quyền và nghĩa vụ của bên đi vay – cá nhân:
Căn cứ vào cơ sở phát sinh, theo tác giả, quyền và nghĩa vụ của bên đi vay có thể chia thành hai nhóm: Nhóm quyền và nghĩa vụ phát sinh từ pháp luật và nhóm quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.
Nhóm thứ nhất: Các quyền và nghĩa vụ của bên đi vay theo pháp luật.
+ Quyền được tiếp cận vốn tín dụng: Quyền được tiếp cận vốn tín dụng là khái niệm dùng để chỉ quyền được phép tiếp cận vốn từ các TCTD một cách ưu đãi, minh bạch, công bằng của cá nhân. Đây là quyền dân sự, kinh tế cơ bản, phạm vi rộng hẹp của quyền năng này khác nhau tùy thuộc vào năng lực tổ chức, thực hiện của từng quốc gia, từng CTTC. Trong HĐCTVD tại CTTC biểu hiện của các quyền này được thực hiện thông qua: quyền tiếp cận công bằng chính sách lãi suất cho vay của nhà nước, của các CTTC; quyền vay vốn của người nghèo, những cá nhân có thu nhập thấp, tài chính eo hẹp...
26 Khoản 2 Điều 419 Bộ luật dân sự 2015
+ Quyền được khiếu nại, khởi kiện khi bên cho vay vi phạm HĐCVTD: Bên đi vay được quyền khiếu nại CTTC về các tranh chấp phát sinh liên quan đến giao dịch vay tiêu dùng. Trường hợp khiếu nại không được giải quyết theo quy định hoặc được giải quyết nhưng không đảm bảo quyền lợi của bên đi vay thì bên đi vay yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước giải quyết hoặc khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền. Các khiếu nại này thông thường là: khiếu nại hành vi từ chối cho vay không có căn cứ; yêu cầu giải ngân theo hợp đồng; khiếu nại về cách tính lãi suất, phí tín dụng không đúng. Khi có khiếu nại hoặc khởi kiện, các CTTC, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường hợp cá nhân khởi kiện CTTC vì vi phạm các hoạt động kể trên là rất hiếm.28
+ Nghĩa vụ sử dụng tiền vay hiệu quả và đúng mục đích: Quy định này được luật hóa tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN nhằm đảm bảo việc sử dụng tiền vay hiệu quả, đúng mục đích và tăng khả năng hoàn trả nợ của bên đi vay. Nhưng trên thực tế, các CTTC hầu như rất khó kiểm soát việc sử dụng vốn vay của cá nhân như đã cam kết. Vì vay tiêu dùng xuất phát từ nhu cầu cá nhân, bên đi vay không cần có kế hoạch sử dụng vốn vay để gửi cho CTTC. Mặc dù pháp luật quy định việc sử dụng tiền vay đúng mục đích và hiệu quả là một nghĩa vụ và nếu vi phạm thì CTTC được quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để chấm dứt cho vay, thu hồi tiền vay để cho vay vào các mục đích khác hiệu quả hơn nhưng rất khó để CTTC có thể kiểm soát được việc sử dụng vốn vay trong trường hợp này.
Nhóm thứ hai: Quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng
+ Quyền được giải ngân theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng: Bên đi vay tham gia ký kết HĐCVTD để nhận tiền vay sử dụng vào mục đích tiêu dùng. CTTC sau khi xem xét, thẩm định dựa trên các tài liệu do bên đi vay cung cấp để ra quyết định cho vay đúng theo thoả thuận, thời hạn vay, số tiền vay.
+ Nghĩa vụ hoàn trả nợ gốc và lãi đúng hạn: Bên đi vay với tư cách là chủ sở hữu tiền vay tạm thời, phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện khi sử dụng tiền vay. Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả nợ, pháp luật đặt ra các biện pháp bảo đảm hoàn trả tiền vay, các chế tài đối với hành vi vi phạm cam kết hợp đồng, cho phép bên cho vay thực hiện các biện pháp chủ động để công tác thu hồi đầy đủ các khoản
28 Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2018, 2019, 2020), Báo cáo sơ kết việc giải quyết các vụ án dân sự
nợ được thực thi trên thực tế. Tuy nhiên, đối với CVTD, hình thức vay này không cần tài sản bảo đảm nên yếu tố duy nhất để các CTTC ra quyết định giải ngân vốn vay là dựa trên yếu tố tín nhiệm. Yếu tố tín nhiệm này được các CTTC cân nhắc chủ yếu thông qua các tài liệu từ chính bên đi vay cung cấp.