Tranh chấp và giải quyết tranh chấp hợp đồng chovay tiêudùng

Một phần của tài liệu Hợp đồng cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 39 - 43)

Trong giao dịch vay tiêu dùng, tranh chấp thường xảy ra khi cá nhân không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn hoặc không thanh toán khoản vay và tiền lãi cho CTTC. Việc giải quyết tranh chấp HĐCVTD được tiến hành thông qua các hoạt động đàm phán, thương lượng để đi đến sự đồng thuận trong việc giải quyết tranh chấp, hoặc bằng con đường tố tụng.

- Về biện pháp đàm phán, thương lượng: Khi phát sinh tranh chấp, các bên cần có thiện chí hợp tác, tìm kiếm sự đồng thuận để giải quyết. Đối với các khoản nợ, các bên có thể đàm phán, thỏa thuận phương án trả nợ hoặc giảm bớt áp lực phát sinh lãi suất do chuyển nợ quá hạn. Trường hợp không tự giải quyết được thì các bên có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Phán quyết của tòa án có hiệu lực sẽ được bảo đảm thi hành theo nguyên tắc tự nguyện hoặc thông qua cơ quan thi hành án dân sự.

- Về biện pháp giái quyết tranh chấp thông qua việc khởi kiện tại toà án: Thông thường có thể thoả thuận thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc về Toà án tại nơi ký kết hợp đồng (nơi có chi nhánh, văn phòng đại diện của CTTC), hoặc nơi cư trú bên đi vay là cá nhân. Chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, tranh chấp HĐCVTD có nguyên đơn là TCTD chiếm tỷ trọng lớn trong số vụ án tín dụng được thụ lý giải quyết41, song cơ chế xét xử, giải

40 Khoản 7 Điều 4 Thông tư số 18/2019/TT-NHNN

quyết tranh chấp bằng thủ tục tố tụng với những đặc thù riêng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xét xử. Thứ nhất, vì quan hệ CVTD được xem là quan hệ dân sự, nên chưa được nhìn nhận cho phép áp dụng thủ tục rút gọn, rút ngắn thời hạn, thủ tục giải quyết tranh chấp; thời hạn giải quyết vụ án trên thực tế thường kéo dài dù pháp luật tố tụng dân sự quy định khoảng thời hạn này tối đa chỉ 6 tháng42. Thứ hai, việc thi hành án trên thực tế gần như là không thể thực hiện được. Nhiều trường hợp bản án có hiệu lực nhưng không thể thi hành vì không thể tìm ra bị đơn – bên đi vay. Địa chỉ bên đi vay cung cấp tại thời điểm ký hợp đồng và thời điểm Toà án giải quyết tranh chấp không thể xác minh được. Vì vậy, các khoản nợ không thể thu hồi sẽ được các CTTC chuyển thành nợ xấu.

Mặc dù đã có các quy định điều chỉnh đối với HĐCVTD nhưng vẫn chưa toàn diện, còn tồn tại một số bất cập và chính những bất cập này có thể dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Vì vậy, để bảo vệ tốt quyền lợi của các bên cũng như để khung pháp lý về HĐCVTD được hoàn chỉnh hơn việc điều chỉnh, bổ sung một số quy định pháp luật là cần thiết.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Từ việc trình bày, phân tích bản chất, đặc trưng của hợp đồng cho vay tiêu dùng, luận văn đã làm rõ được khái niệm hợp đồng cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính là hợp đồng cho vay có sự thoả thuận bằng văn bản giữa một bên là công ty tài chính (bên cho vay) với một bên là cá nhân (bên đi vay), theo hình thức tín chấp, nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ cho vay vì mục đích tiêu dùng cá nhân trong một thời hạn nhất định với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

Hợp đồng cho vay tiêu dùng có bản chất là hợp đồng cho vay tài sản nhưng đồng thời cũng mang những đặc trưng riêng biệt, vì khách thể của loại hợp đồng này là quan hệ cho vay tiêu dùng giữa một bên chủ thể là công ty tài chính và một bên là cá nhân đi vay. Đối tượng của hợp đồng cho vay tiêu dùng là vốn tiền tệ được cho vay không dùng tài sản bảo đảm và vốn vay phải được sử dụng đúng mục đích tiêu dùng. Hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được ký kết dưới hình thức văn bản và thường là các hợp đồng theo mẫu – điều khoản thương mại chung do công ty tài chính soạn sẵn. Hiệu lực của hợp đồng phát sinh kể từ thời điểm hai bên tiến hành ký kết hợp đồng. Lãi suất cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính thường cao hơn so với các ngân hàng thương mại nhưng hiện nay pháp luật vẫn chưa can thiệp điều chỉnh đối với mức lãi suất này.

Việc giải ngân vốn vay theo hợp đồng cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính có thể thông qua hình thức giải ngân qua tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt hoặc giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt. Nếu là giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt thì bên đi vay phải là cá nhân có lịch sử tín dụng tốt, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng khác. Đối với hình thức giải ngân trực tiếp thông qua các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định cụ thể điều kiện để bên đi vay được giải ngân, mà cho phép các bên được thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng bên cho vay phải đảm bảo kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay theo quy định của pháp luật.

Việc kiểm tra, giám sát vốn vay sau theo hợp đồng cho vay tiêu dùng về cơ bản sẽ dựa trên các tài liệu, chứng cứ do bên đi vay cung cấp để chứng minh việc sử dụng vốn vay đúng mục đích nhưng riêng đối với những khách hàng được giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt thì công ty tài chính phải có biện pháp kiểm tra, giám sát cụ thể.

Công ty tài chính được áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo quy định pháp luật trừ biện pháp xử lý tài sản bảo đảm. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên có thể giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng hoặc thông qua khởi kiện tại Toà án.

Hiện nay, đã có các quy định điều chỉnh đối với hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng vẫn chưa toàn diện và vẫn còn tồn tại một số bất cập. Do đó, để bảo vệ tốt quyền lợi của các bên trong hợp đồng cho vay tiêu dùng cũng như để hoàn thiện hơn khung pháp lý về hợp đồng cho vay tiêu dùng, việc điều chỉnh, bổ sung một số quy định pháp luật là cần thiết.

Những nội dung nghiên cứu ở Chương 1 sẽ là cơ sở, tiền đề để tác giả tiếp tục nghiên cứu, phân tích, triển khai các nội dung cụ thể về thực trạng áp dụng pháp luật của hợp đồng cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính và định hướng hoàn thiện tại Chương 2 của Luận văn.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI CÔNG TY TÀI CHÍNH VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN

Một phần của tài liệu Hợp đồng cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)