Một là, giúp các cơ quan quản lý phát hiện sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật về thu, đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Trong quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng cũng như quản lý hành chính nhà nước nói chung, những cơ chế, chính sách, pháp luật được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành để điều hành hoạt động và điều chỉnh, kiểm soát các quan hệ xã hội. Những cơ chế, chính sách, pháp luật này khi áp dụng trong thực tiễn không tránh khỏi bộc lộ những sơ hở và thiếu sót mà trong nhiều trường hợp chỉ có thể được phát hiện và chấn chỉnh thông qua hoạt động thanh tra. Bằng chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, các chủ thể tiến hành hoạt động thanh tra phát hiện, đề xuất, kiến nghị tới các chủ thể có thẩm quyền để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Hai là, góp phần hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN bao gồm: đối tượng đóng, mức đóng và phương thức đóng.
Trước khi áp dụng vào thực tiễn, cơ quan quản lý nhà nước về lao động - thương binh và xã hội cùng cơ quan BHXH các cấp đều phải tổ chức tập huấn, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT,BHTN. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện, các doanh nghiệp không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc cần được sự hỗ trợ, hướng dẫn của những chủ thể có thẩm quyền, trong đó có lực lượng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý, kiến nghị xử lý các sai phạm của doanh nghiệp, đoàn thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng thường xuyên hướng dẫn các nội dung của pháp luật về đóng BHXH đối với doanh nghiệp như đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng,… thông qua đó góp phần giúp đối tượng thanh tra khắc phục hạn chế, lúng túng trong nhận thức, thực hiện pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Ba là, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN của doanh nghiệp.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN do chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như lợi nhuận, quy luật cạnh tranh... doanh nghiệp sử dụng lao động có thể tìm cách để gian lận, lách luật thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật, chịu xử phạt hành chính để giải quyết bài toán về lợi ích kinh tế của doanh nghiệp mình. Quá trình thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với doanh nghiệp chắc chắn sẽ phát hiện nhiều doanh nghiệp gian lận trong việc kê khai đối tượng đóng, gian lận về loại hình HĐLĐ, trốn đóng BHXH,… bởi những vi phạm này đều sẽ để lại những dấu vết, những căn cứ, bằng chứng trong hoạt động quản lý và điều hành doanh nghiệp của mình.
Thông qua hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đoàn thanh tra sẽ phát hiện được những dấu hiệu sai phạm kèm theo các bằng
chứng xác thực để đoàn thanh tra kết luận về hành vi vi phạm và mức độ vi phạm pháp luật về đóng BHXH để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác thu; giảm nợ đọng BHXH, BHYt, BHTN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đây được coi là vai trò trọng tâm của thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với doanh nghiệp. Xuất phát từ thực tế hiện nay, tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN có xu hướng tăng dần qua mỗi năm, gây ảnh hưởng đến quỹ BHXH, BHYT, BHTN cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người lao động, kéo theo nhiều hệ lụy đối với chính sách an sinh xã hội vốn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
Là đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý quỹ BHXH, BHYT, BHTN chủ thể nắm đầy đủ các thông tin, cơ sở dữ liệu về hoạt động đóng của doanh nghiệp, rõ ràng BHXH là cơ quan có nhiều ưu thế nhất, có thể bảo đảm tốt nhất việc truy thu và giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Những ưu thế này cũng là tiền đề hết sức quan trọng cho hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng do cơ quan BHXH thực hiện một cách hiệu quả nhất, góp phần thực hiện mục tiêu hoạt động của ngành là thu đúng, đủ quỹ BHXH, BHYT, BHTN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.