ĐOẢN KHÚC 9 6: NIỀM TIN CỦA THẦY SADHU

Một phần của tài liệu duong di mot minh_ ntthuong pot (Trang 72 - 76)

Ấn Độ có nhiều thầy tu khổ hạnh. Nói đến Ấn Độ, nhiều người nghĩ ngay đến những con đường tâm linh, đến những nhà thiền tu trên rặng Hy Mã Lạp Sơn, hay bên dòng Sông Hằng yên lặng.

Sundar Singh là một thanh niên Ấn trẻ, sau những ngày đi tìm con đường tu niệm, ông viết về niềm tin Kitô Giáo của đời ông. Ông kể về cảnh con chim mẹ bón mồi cho con trong tổ.

Lũ chim con bé tí, chưa mở mắt. Chúng nằm im che gió trong cái tổ tối âm thầm. Chú chim non bé bỏng quá. Sự sống của nó như sợi tơ mong manh. Làn da bụng quá mỏng đến độ ta có thể nhìn thấy tất cả mạch máu đỏ li ti. Dường như chỉ búng nhẹ một cái là nó tắt thở. Nó nằm thoi thóp như sắp chết. Sự sống khi mới bắt đầu sao giống như cuối đời sắp chết quá.

Nó chỉ biết chờ đợi, không có một năng lực tự vệ nào cả. Nó hoàn toàn lệ thuộc vào bên ngoài. Tự nó chẳng có gì. Con chim mẹ tìm mồi cho nó.

Nhà đạo sĩ Sadhu nhìn lũ chim con trong tổ. Cái bé bỏng ấy đưa ông vào con đường mà rất có thể ông đã tầm tu bao ngày chưa tìm ra. Người thanh niên trẻ này cứ nhìn cảnh con chim con bé tí chỉ biết nằm chờ mẹ bón mồi. Nó hoàn toàn yếu đuối. Nếu mẹ nó không bón mồi, nó sẽ chết. Rồi, câu chuyện đường vào tâm linh của ông mờ mờ thành đường bay.

Trong đời, có nhiều người đã bao lần nhìn cảnh chin mẹ tìm mồi bón cho con. Bao lần ta nhìn cái mỏng manh của thân phận con người. Nhưng trong ta không có ý thiền niệm bao la, vi vu trong trời rộng như nhà đạo sĩ Sadhu này.

Ông kể lại đời ông, ngày xưa còn trẻ, ông đốt Kinh Thánh. Ông dị ứng với niềm tin Kitô Giáo. Nhưng rồi, một ngày…

Con chim nhỏ nghe tiếng động là biết mẹ về. Chúng ta thấy, lũ chim con sẽ kêo líp chíp cho dù không nhìn thấy mẹ. Chúng đang im ả, mà nghe cánh chim mẹ bay về là tất cả chúng ngẩng đầu thi nhau kêu. Miệng há to, tranh nhau kêu. Trời chung quanh chúng nó vẫn tối đen. Thế giới chung quanh chúng nó vẫn mù mịt không ánh sáng, không mầu sắc.

Nhà tu khổ hạnh cứ ngày ngày nhìn con chim nhỏ há miệng đón mồi. Rồi một giờ linh thiêng nọ, ông bừng tỉnh hỏi lòng:

- Lạ quá, tại sao con chim nhỏ chưa mở mắt, chưa nhìn thấy gì, sao dám ăn? Bạn thân mến.

Nếu con chim nhỏ không chịu ăn, nếu nó lý luận rằng nó chỉ ăn khi nó chứng minh được miếng mồi này có hợp với nó hay không thì đời nó ra sao?

Nó cứ nhắm mắt mà vẫn ăn.

Nó cũng không đòi chứng minh miếng mồi có thuốc độc hay không.

Nó không đợi cho đến khi mở mắt, biết nhìn, biết lý luận, biết phân biệt rồi mới ăn. Hôm nay, có những cha mẹ không kiếm mồi cho con. Họ lý luận để con lớn, mở mắt, biết nhìn rồi tự do lựa chọn của ăn thiêng liêng là con đường tôn giáo cho chính nó.

Giữa trời và đất. Giữa sông và biển. Loài chim vẫn cất tiếng trong trẻo giữa cuộc đời. Chúng đang nói với ta về một bài ca vô cùng siêu bạo. Bài ca nói về niềm tin.

Cái nhỏ bé của nó đang nói với chúng ta về một trường ca hùng vĩ. Nhưng trái tim chúng ta không trong sáng đủ để thấy chiều sâu về bài ca đó. Không phải bất giác một phút vô minh mà nhà tu Sadhu kia nghe thấy trong hình ảnh nhỏ bé tầm thường ấy chiều sâu cao cả của niềm tin. Ông đã trầm tư bao ngày đi tìm. Ông dành trái tim cho một tiếng gọi trên cao. Chính trong chiều cao ấy, trái tim ông thành trong sáng, và hồn ông bắt gặp ánh sáng ông đang khát khao.

Giả sử con chim kia cứ đòi chứng minh miếng mồi có hợp với sức khỏe của mình hay không mới ăn thì đời nó ra sao?

Giả sử con chim bé bỏng kia cứ đợi đến khi chứng minh được tình thương của mẹ, mới tin đúng là mẹ nó thì đời nó ra sao?

Nhà đạo six Sadhu nhìn con chim mù loà mà cứ tin là mẹ nó. Ông tự hỏi lòng, tại sao không nhìn thấy mà nó vẫn tin.

Bạn thân mến,

Con chim nhỏ không nhìn thấy mẹ mình mà vẫn tin. Không biết đây có là mẹ mình không, không biết miếng mồi này có hợp không mà nó vẫn ăn.

Hôm nay, trong chiều kích tục hoá đời sống tâm linh, con người có khuynh hướng buông thả mình trong những lý luận rất ngây ngô.

Họ muốn nhìn thấy Thượng Đế rồi mới tin.

Phải chăng loài chim luôn luôn có tiếng hót thanh cao vì niềm tin của chúng là niềm tin đến bằng tình yêu và trái tim trong sáng. Con chim nhỏ chỉ biết kêu xin không lý luận. Và con chim mẹ biết con mình mỏng manh như thế, nó chở che con nó bằng tình thương kiếm mồi. Trên đôi cánh vất vả, nó hạnh phúc đưa con nó vào đời, tiếp nối bài ca.

Tiếng hót nào của loài chim cũng thanh thoát vì nó biết thân phận mỏng manh của nó là phải ăn rồi mới mở mắt nhìn vũ trụ được. Con người hôm nay ngược lại, đòi nhìn thấy Thượng Đế rồi mới ăn. Bởi đó, tiếng hát của con người thường là niềm đau thân phận.

Chớ gì Thiên Chúa hãy cho chúng con biết lãnh nhận để ăn, rồi chúng con mới mở mắt để lý luận. Lý luận là điều cần thiết, nhưng xin đừng để chúng con lý luận trước, vì không ăn, không mở mắt làm sao lý luận.

Sundar Singh tầm thầy học đạo từ lúc mười sáu tuổi. Ông sinh năm 1889 và chết năm 1929. Ông là một trong những khuôn mặt Sadhu nổi tiếng của Ấn Độ. Friedrich Heiler viết về ông như sau: “Nơi tâm hồn Sundar Singh, Kitô Giáo và Ấn Giáo gặp nhau. Kitô Giáo như bông hoa rộ nở mà cái cành của nó là Ấn Giáo”. Robert Ellsberg, tác giả cuốn tự điển về các thánh, All Saints, viết về nhà Sadhu này: “Sundar Singh là một trong những nhà tu đức có sức thu hút các tâm hồn của thế kỷ này. Nền tu đức Kitô Giáo của ông đâm chồi từ Ấn Giáo và thách thức người phương Tây vượt qua ý tưởng thần học mà nếm thử chính Phúc Âm”.

Nhà Sadhu này kể tiếp, một ngày kia ông lang thang trong núi. Ngồi bên bờ đá, thấy lũ chim con kêu như khóc vì đói. Càng cảm thấy con chim mẹ đến, chúng càng kêu to.

Bạn thân mến,

Lũ chim con không nhìn thấy mẹ, chưa mở mắt sao biết là mẹ mình? Trong cuộc sống, chúng ta có nhìn thấy Thiên Chúa không?

Thánh Phaolô nói, Ngài thấy Thiên Chúa lờ mờ như trong tấm gương. Khi chết rồi mới mặt giáp mặt (1 Cor. 13:12).

Chính cái lờ mờ như trong tấm gương mà thánh Phaolô đã tự thú đó đang nói với chúng ta về Ngài. Cái lờ mờ đó là khao khát miếng ăn của con chim mẹ tìm mồi cho con. Cho dù lũ chim con không nhìn thấy miếng mồi. Cái lờ mờ đó là lũ chim con biết mình chết nếu không ăn mà chỉ chờ cho đến khi nhìn thấy mẹ mới ăn. Cái lờ mờ đó là sự yếu đuối của chính chúng nó.

Điều mà nhà đạo sĩ Sadhu nhìn thấy ở đây là trong mắt còn nhắm nghiền kia của lũ chim con. Nó chỉ thấy bóng tối trong cái nhìn con mắt. Nhưng biết là mẹ mình qua cái linh cảm, cái đập cánh, cái săn sóc, cái hơi của con chim mẹ, cái lờ mờ.

Hôm nay, nếu cũng ngồi bên gềnh đá thinh lặng, ta sẽ cảm thấy cái hơi kia, cái đập cánh kia của Thiên Chúa trong lương tâm của mình. Trong tình yêu, trong băn khoăn về thân phận con người, trong đau khổ và hạnh phúc. Trong nghèo đói của tha nhân. Trong khắc khoải của tội lỗi. Trong thanh thoát của tâm hồn.

Nhà đạo sĩ nghe tiếng lũ chim con nói với ông:

- Thưa ngài, chúng tôi không lý luận rằng chúng tôi sẽ không cởi mở đôi mỏ cho đến khi nhìn thấy rõ ràng rằng đấy là mẹ chúng tôi, và phải biết rõ bà đang cho chúng tôi loại thức ăn nào, có thích hợp không. Chúng tôi không lý luận rằng, biết đâu thức ăn không hợp với chúng tôi, biết đâu đấy không phải mẹ chúng tôi.

Nhà đạo sĩ nghe tiếng lòng bày chim nhỏ nói như thế với ông. Nhà đạo sĩ tâm sự: - Nếu chúng lý luận, nếu chúng chờ khi nhìn rõ mẹ mình, biết là thức ăn nào mới ăn, chúng sẽ không bao giờ thấy sự thật. Chúng chết.

Bạn thân mến.

Người ta nghĩ cần lý luận để tìm sự thật. Nhưng có bao giờ họ lý luận rằng có những sự hiểu biết nằm ngoài lý luận không? Bởi, nếu họ biết lý luận thì cũng phải lý luận như thế.

Sau khi nghe tiếng trong tâm hồn qua bày chim con, nhà Sadhu khổ hạnh bước ra khỏi cánh rừng. Ông thấy bày chim con sẽ chết đói nếu cứ lý luận như thế không chịu ăn. Chắc chắn, ông đang nói với chính ông về con đường tâm linh ông đang tìm. Lũ chim không nghi ngờ về sự hiện hữu của mẹ nó. Chúng ăn, rồi ít ngày sau, chúng mở mắt. Một niềm vui oà ngập. Bấy giờ chúng mới nhìn thấy mẹ. Rồi chúng tung cánh bay vào trời, vào cuộc đời. Chúng thấy vũ trụ quá đẹp, quá xinh. Và thế giới có những bài ca.

Đấy là một ngày tâm linh của nhà đạo sĩ. Ông tự hỏi lòng:

- Loài người nghĩ rằng họ vĩ đại trên trái đất này, sao họ không bằng lũ chim nhỏ trong tổ rơm kia. Tại sao con người cứ đặt câu hỏi về hiện hữu của Thượng Đế và tình thương của Ngài. Chính Ngài đã thẳng nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin” đó sao.

Trong ngày dó, nhà đạo sĩ viết cho chính ông như sau: “Bất cứ khi nào tôi mở tâm hồn cho Thượng Đế, tôi nhận những miếng mồi thiêng liêng, tôi ăn mỗi ngày một chút, tôi lớn dần, tôi giống Ngài hơn, cho đến một ngày tôi đạt được sự trưởng thành thiêng liêng. Và khi đôi mắt tâm hồn nhìn thấy sự hiện hữu của Thượng Đế, bấy giờ tôi sẽ bắt gặp một hạnh phúc vô tận và cũng không thể diễn tả được”.

Bạn thân mến,

Tâm tình của nhà đạo sĩ cũng giống như lời tôi vừa trích trong thư Thánh Phaolô. Rồi đến một ngày, tôi sẽ thấy Thiên Chúa.

Chung quanh ta, ngay trong mùa đông lạnh, cây khô cành, ta vẫn nghe tiếng hót của loài chim kia. Bài ca chúng thật đẹp, tiếng hót trong mùa đông mà cứ trong vắt. Chúng hạnh phúc vì nhìn thấy trời bao la.

Chớ gì chúng ta cảm thấy Thiên Chúa như bày chim biết mình sống không phải là nhìn thấy mẹ, nhưng là qua hơi ấm, qua sự sống mẹ ban cho mình.

Nếu bạn lên rừng, bạn sẽ thấy ngay cả trong đêm vắng vẫn có cánh chim bay. Nếu bạn lên rừng, bạn sẽ thấy vẫn có lời ca ngay cả trong đêm dài rất đen.

Bài ca của chúng thật đẹp, bởi chúng ăn rồi mới mở mắt nhìn thấy vẻ đẹp của cuộc đời. Chớ gì bạn tìm cho mình một khoảng trống thinh lặng lắng nghe bài ca của loài chim nhỏ. Và biết đâu, trong những đêm dài rất đen của cuộc đời, bạn vẫn nghe thấy văng vẳng bài ca thật đẹp.

Chúng ăn, rồi chúng mở mắt nhìn vũ trụ và vào đời cất tiếng ca. Nhà đạo sĩ đã nghe được bài ca trong khoảng trống thinh lặng của hồn ông.

Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.

Một phần của tài liệu duong di mot minh_ ntthuong pot (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(90 trang)
w