ĐOẢN KHÚC 84: CHỌN MỘT CON ĐƯỜNG

Một phần của tài liệu duong di mot minh_ ntthuong pot (Trang 28 - 31)

Không ai đi theo tôi ngày tôi chết. Họ đến huyệt chôn tôi rồi về. Đời của mỗi người là một con đường. Đã có những đêm hát nhạc Trịnh Công Sơn. Đêm cho một người hát rong trong cõi đời. Bây giờ thì Trịnh Công Sơn đi rồi, ông bảo ông có cõi riêng để đi về. Ông đã về. Ông bảo đời như cánh vạc bay. Cánh vạc bay ngang buổi chiều, có thể lẻ bóng, lặng lẽ, nó nhẹ nhàng vào đêm. Người nào nhìn bóng nó bay, chỉ thấy nó như nói với chính mình rằng. Cõi riêng một lối đi về.

Tôi cũng có một lối riêng để đi. Hay quá nhỉ, bạn thử nghĩ. Vợ chồng thương yêu như cánh vạc bay chung. Mà họ cũng không chết thay được cho nhau. Rồi, mỗi ai, cũng có riêng một cõi đi thôi.

Nhạc Trịnh Công Sơn hát rong trong cõi đời là: - Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.

Chọn lấy niềm vui mà sống. Đấy, chọn một lối riêng để đi. Là linh mục, tôi nghe có những tâm hồn than thở là đời không có niềm vui. Họ không có niềm vui không phải vì không có, nhưng họ không muốn chọn niềm vui. Hoặc chưa thấy đấy thôi.

Đấy, họ chọn cho mình một lối đi. Cánh vạc họ bay trong đời không như tiếng đàn êm nhẹ trong chiều thong thả. Đời họ dằn lên tiếng đập cánh oằn oại đau thương. Nếu cuối chiều hoàng hôn, trước cõi bóng ngả về thế giới bên kia mà cứ oằn lên đau đớn như thế thì đời thương tâm quá nhỉ.

Không tha thứ thì trời vẫn xanh, gió vẫn cao, mây cứ bay, và cánh hạc họ ẫn trôi về cuối trời của riêng họ. Vì, đời mỗi người là một chuyến đi riêng cơ mà. Không tha thứ thì ở ngoài kia hoa vẫn nở, ong vẫn làm mật, và đời vẫn ngọt. Nó chỉ đắng trong hồn mình thôi. Hay quá nhỉ, bạn thử nghĩ, mỗi ngày tôi có thể chọn một lối đến, chọn một đường đi.

Chuyện Phúc Âm kể có năm cô trinh nữ khôn ngoan đem dầu theo với đèn. Năm cô khờ dại đem đèn mà không đem theo dầu. Nửa đêm chàng rể đến. Các cô khờ dại không có dầu thắp đèn, mượn dầu, nhưng năm cô kia không cho. Thế là một đêm tối, rất tối đã đến trong cuộc đời. Đúng rồi, không ai cho nhau vay mượn nhân đức được. Tôi không thể mượn nhân đức yêu thương của người khác làm áo mặc cho lòng ganh ghét của mình. Tôi không thể đến trước mặt Thượng Đế bằng trái tim cao thượng của người khác. Trong cõi đi về, tôi không bay bằng cánh vạc của người khác được, nhưng, chỉ là của riêng tôi.

Mỗi ngày, tôi chọn niềm vui cho riêng tôi. Tôi không chọn dùm ai được và cũng chẳng ai chọn dùm cho tôi. Ngọn đèn của tôi trong lương tâm chỉ có dầu nhân đức của riêng tôi mới thắp sáng được mà thôi. Đấy cũng là sự công bằng của Thượng Đế, nếu không vậy, kẻ giàu sang sẽ mua hết nhân đức, kẻ có quyền sẽ chiếm hết hạnh phúc trên cõi đời.

Ông ta đã chọn cho riêng ông một đường đi. Tôi gặp ông một mùa đông chưa tan hết giá lạnh. Ông hỏi:

- Trước khi dâng thánh lễ chiều nay con có thể nói đôi lời với gia đình con được không? Tôi chưa trả lời. Như sợ tôi từ chối. Ông nói thêm:

- Trước mỗi thánh lễ, người ta đọc: “Tôi cáo mình cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em”. Con cáo mình cùng Thiên Chúa nhiều lần rồi. Nhưng chưa bao giờ cáo mình với gia đình. Nếu được cáo mình với gia đình thì thánh lễ con dâng chiều nay sẽ trọn vẹn hơn.

Tôi chưa gặp ai có ý lạ như thế.

Người ta chỉ cáo mình cùng Thiên Chúa chứ mấy khi cáo mình cùng anh chị em. Câu chuyện xảy ra vào năm 2002. Sau ba ngày linh thao, chúng tôi kết thúc bằng thánh lễ Chúa Nhật trước khi chia tay. Trời mùa đông còn lạnh. Sương mù trắng xoá. Cây khô cành còn đang chịu đựng màu xám của trời. Trong căn nhà nguyện nhỏ, ông đã chọn một đường đi. Trước thánh lễ tôi nói với mọi người:

- Anh chị em thân mến, chúng ta chỉ cáo mình cùng Thiên Chúa, chứ có khi nào cáo mình cùng anh chị em như lời kinh vẫn đọc? Lúc này, trước thánh lễ có người hỏi tôi họ có thể nói đôi ba lời với gia đình được không, để thánh lễ bế mạc chiều nay của họ trọn vẹn như lời kinh.

Lời nói đầu lễ này như một thông báo. Gần ba mươi người đang ngồi chung quanh bàn thờ. Ai? Ai là người sẽ nói với ai? Nói gì? Im lặng chờ đợi. Không ngờ có người đứng dậy. Vợ ông không ngờ, chẳng có ai ngờ. Đối với ông, giây phút ấy không phải là không ngờ. Nhưng không phải vì tế mà nhẹ nhàng, dễ dàng. Rời chỗ ngồi, ông đến đứng trước gia đình. Cái gì sắp xảy ra? Người ta sợ những cái không ngờ. Trước mặt vợ, ông đứng đó không nói nên lời. Im lặng. Người chịu đựng sức nặng của giây phút này có lẽ lại là vợ ông.

“Tôi cáo mình cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em”. Nó như quả chuông rất nặng. Tiếng chuông chưa đổ thành lời. Người ta đổ mồ hôi. Trong lòng mọi người, lời kinh cáo

mình hôm nay không như lời kinh của người mê ngủ lật dờ trong mọi sáng Chúa Nhật. Lời kinh như lưỡi gươm sẽ làm chảy máu người đâm hay bị đâm?

Thời gian chờ đợi nào mà không nặng nề. Nhưng cái nặng ở đây nó mới khó khăn. Nó phải có để chuẩn bị cho người ta đón nhận sức đẩy của quả chuông kia. Người không có thời gian chuẩn bị sức đẩy chính là vợ ông. Có thể vợ ông cũng đến thánh lễ Chúa Nhật hôm nay như mọi ngày khác trong đời. Không ngờ hôm nay bà ở đấu trường.

Khi ông đến trước mặt gia đình, đứng đó. “Tôi cáo mình cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em”. Thời gian chờ đợi này là lúc ông lấy hết sức đẩy quả chuông kia. Nó quá nặng. Chờ đợi tiếng chuông cũng nặng nề khủng khiếp. Ông có thời gian lấy sức, ông đã chuẩn bị, nhưng bà, như người bất chợt ra đấu trường không có gì chắn đỡ. Nên khi ông cúi xuống ôm người bạn đời:

- Anh xin lỗi em. Thì vợ ông oà khóc.

Trong đời sống dường như người ta cũng nặng nề chờ đợi những câu nói như thế, lâu lắm rồi.

Ở những nỗi xúc động người ta một là câm nín kìm hãm, hai là oà vỡ. Tâm hồn không dửng dưng được.

Như ta thấy quả chuông đồng. Tự nó không đổ thành tiếng. Càng nặng càng khó đổ. Nó phải có một sức lay khủng khiếp. Nhưng khi nó đổ thành tiếng, người ta phải thức giấc.

Không ai còn để ý cái lạnh của trời. Người ta đi tìm hứng cái ấm của lòng. Nước mắt vợ chồng họ dường như rơi nhiều hơn. Tiếng sè sè của cái lò sưởi cũ, chả còn ai để ý.

Vợ ông vẫn khóc, ông vòng qua trước người con gái lớn. Khi tiếng chuông đã vang lên được rồi thì những quả chuông khác dễ đổ theo hơn.

- Bản chất con là thành thật, vì công việc làm ăn, ba bắt con gian dối. Ba biết con không vui. Ba xin lỗi con.

Ông cúi xuống ôm đứa con trong vòng tay. Bàn tay mềm mại của người con gái xoa trên vai ông. Họ lại khóc. Tiếng sè sè của chiếc máy sưởi cũ làm nhoè bớt nỗi xúc động của ai đó cũng không cầm được nước mắt của lòng mình.

Ở ngoài kia lá đập vào vuông kính cửa sổ. Mưa buông cánh lạnh theo hơi nước mùa đông. Trong cõi đời lạ thật. Có những chặng đường rất vất vả mà người ta vẫn bình an. Có những chặng đường chẳng vất vả, rất giầu sang, nhan sắc như Salômôn mà chẳng an bình, lương tâm cứ nổi sóng.

Ông có một cơ sở làm ăn, nó là một motel. Không thông thạo ngoại ngữ như con cái lớn lên ở xứ người được. Ông là “master mind” đứng đàng sau, bày cho con cách làm ăn bằng những đường vòng quanh co giấy tờ về tiền bạc. Mỗi lần như thế, đứa con không vui. Biết không là đường thẳng lương tâm. Biết con không vui mà mình vẫn làm. Đứa con không vui nhưng đây là bố của tôi. Trong đời có những cơn gió bay cát bụi ngược chiều, rối rắm. Trong thánh lễ chiều nay. Ông chọn một đường đi. Ông cáo mình với gia đình. Ông muốn đổ rác trong gia đình.

Không ai đi dùm đường mình được. Đường chỉ đi một mình. Nhưng con đường này rất lạ. Khi mình đi trong niềm vui thì chung quanh đều có tiếng ca. Người chung quanh nghe được tiếng ca, dù tiếng ca không là của họ. Và trong tiếng ca họ nghe được, họ có sức mạnh để lên đường, con đường của riêng họ. Và họ cũng sẽ có những tiếng ca.

- Hình ảnh của anh ấy cũng là hình ảnh người chồng, người cha mà con muốn mang theo cho chính mình mai sau.

Mấy năm sau, tôi lại trở lại vùng đất này. Mùa đông lạnh hơn. Trời mù sương hơn. Vợ chồng anh chị đã lấy motel của họ làm nơi tĩnh tâm cho người Việt ở rải rác trong vùng. Nhiều nước mắt rơi hơn. Có những tiếng chuông khác đổ thành lời.

Dòng ca của người hát rong Trịnh Công Sơn để lại trong đời, sau khi ông tìm cõi riêng để đi về, tôi vẫn nghe thoang thoảng là: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.

Trên đường tôi đi, tôi cũng vẫn bắt gặp nhiều người, họ cũng chọn một con đường riêng cho họ đi.

Trong tiếng ca hạnh phúc, dù là tiếng ca một mình, nó lan vào vũ trụ. Tiếng ca chỉ riêng mình đi mà nó làm cho nhiều bước chân lên đường. Ông đã chọn một đường đi. Lạ quá, chỉ một cánh bướm mà sao cả khóm hoa xôn xao. Chỉ một lời xin lỗi mà có khi nôn nao cả một đời người. Mỗi ngày tôi cũng có thể chọn một niềm vui. Một con đường.

Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.

Một phần của tài liệu duong di mot minh_ ntthuong pot (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(90 trang)
w