Tôi đến thủ đô nước Nga, sau những ngày không ngờ. Đến vùng đât, một thời vang bóng quyền uy. Tôi muốn đi tìm những viên ngọc lạ. Máy bay từ Bruxelles hạ cánh xuống phi trường Mátcơva. Nhìn qua cửa sổ, tôi biết mình đang xuống một vùng đất rất xa lạ, không quen biết một ai. Tôi biết mình đang đi tìm những chuyện rất có thể không ngờ xảy ra…
Điện Cẩm Linh, Mátcơva rất đẹp. Toàn thể khu trung tâm quyền lực vang bóng một thời là các đền thờ. Những đền thờ Chính Thống Giáo cao vút trên bầu trời xanh lơ. Tôi không ngờ có nhiều thánh giá như thế. Những thánh giá nạm vàng vô cùng rực rỡ. Phá hết những thánh giá này, không còn điện Cẩm Linh nữa. Ai đến trung tâm nước Nga bây giờ cũng là đến để chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật ấy. Giữa những thánh giá vàng xây cất từ thời các Nga Hoàng, giữa các đền thờ bằng mosaic tỷ mỉ vô vàn công trình nghệ thuật kia, tôi gặp một thánh giá rất thầm lặng. Trong những chuyện không ngờ, có một chuyện, tôi không ngờ nó lại đến độ không ngờ như thế…
Anh dẫn tôi thăm các cộng đoàn người Việt đi lao động Liên Xô. Rất nhiều người Việt không giấy tờ, không dám đi đường. Họ phải lẩn trốn. Người Việt tại Mátcơva lên đến hàng trăm ngàn người. Công an lảng vảng chung quanh các chung cư Người Việt để khám giấy, ăn tiền hối lộ. Những người dẫn đường đưa tôi đi kín đáo, dè dặt. Tôi cẩm thấy một bầu khí buồn nản, nặng nề. Vẫn còn u ám một thời ngộp thở. Trong ngôi nhà thờ duy nhất được mở cửa trong thời Sô Viết cũ. Anh nói với tôi:
- Đây là ngôi nhà thờ của ngoại giao đoàn Pháp.
Hôm nay, ngôi nhà thờ đã được tân trang lại rất nhiều. Không lớn. Khoảng vài trăm người là đầy chỗ. Anh nhìn chung quanh. Trong nhà thờ hơi tối. Chỉ có tôi và anh:
- Thỉnh thoảng con vẫn đến đây. Nhất là những lúc con nhớ về bố con.
Anh tâm sự với tôi như vậy. Tôi không biết anh bao nhiêu tuổi. Chắc vào lớp tuổi ngoài bốn mươi chăng ? Anh nói tiếp:
- Bố con có đạo, Cha ạ.
Tôi chỉ gặp anh trên đất Nga này. Anh là người lo sắp xếp cho tôi đến ban bí tích cho đồng bào Công Giáo đã lâu không có dịp xưng tội. Tôi xin tiếp câu chuyện anh đang tâm sự.
- Ngày xưa con được gởi qua học ở Liên Sô. Lúc ấy con là một thanh niên. Một sinh viên trẻ. Kể tới đó. Tôi hình dung mấy mươi năm về trước. Một nước Nga còn là một Liên Sô vĩ đại cầm đầu cả khối Cộng Sản quốc tế. Tôi hình dung một siêu cường quốc với những rừng cờ búa liềm, những đoàn xe tăng, những tên lửa cực kỳ thông minh bắn rơi không biết bao nhiêu máy bay Mỹ. Và, người thanh niên đang đứng trước mặt tôi là ai mà được sang đây du học. Tôi vừa khâm phục, vừa thắc mắc. Anh ta là ai? Ai đề cử anh sang đây?
- Lúc ấy ông cụ thân sinh con giữ một vai trò lớn trong nhà nước. Ông gởi con qua đây du học. Kể tới đó, tôi thoáng nhìn anh, nhận xét về một con người. Một người Cộng Sản? Con của một đảng viên? Dáng anh bình dị, ăn nói nhẹ nhàng. Anh là một người hiền từ.
- Lúc ấy con còn trẻ. Hoạ huần bố con qua Mátcơva họp. Bố con nhờ con chở bố tới ngôi nhà thờ này. Lúc ấy cả Mátcơva có ngôi nhà thờ này mở cửa mà thôi. Nhà thờ của bộ ngoại giao Pháp. Con đã không chở.
Nói tới đó, anh như nhớ về một thời rất xa. Và quả thế, nó đã xa xôi lắm rồi. Đã mấy mươi năm. Lúc Nga Sô còn đóng kín, bao trùm khắp đất nước những bước chân thầm lặng. Những con người đến đây là những bộ óc, lý tưởng cách mạng chất ngất. Những cuộc họp tối mật. Những chỉ thị của cấp lãnh đạo. Anh là con của một trong những người ấy sao?
- Con là thanh niên, một du học sinh trẻ. Con đã không chở bố con đến đây.
Tôi hơi suốt ruột. Cũng tò mò. Một đảng viên cao cấp có đạo sao? Tôi không chờ anh tiếp câu chuyện, tôi hỏi:
- Thế ông cụ có đến không? - Có Cha ạ. Bố vẫn đến. Con biết.
Bây giờ đến lượt tôi. Câu trả lời nhẹ nhàng của ah đưa tôi về hình ảnh cũng đã rất xa xưa đó. Ông cụ không còn nữa. Kể đến thân phận ông cụ. Giọng anh nghẹn ngào, mang nỗi buồn nhẹ và xót xa. Cái xót xa đến từ một ước mơ không còn của kẻ thân sinh ra mình. Đến lượt tôi tìm trong trí tưởng tượng ngày xưa ấy với dáng một người đàn ông kín đáo đến đây.
Năm vừa qua anh về Việt Nam bốc mộ ông cụ. Anh đưa tôi xem tấm hình bốc mộ ấy. Anh kể: - Bố con chết mà trên tay cầm cây thánh giá.
Theo tôi hiểu, ngày bố chết anh vẫn đang du học bên Liên Sô này. An chỉ biết cây thánh giá trên ngực ông cụ khi đào mộ, rỡ quan tài ra. Xác chết lâu ngày, không còn thịt, bộ xương sườn, xương lồng ngực không còn gì chống đỡ nên xẹp xuống. Cây thánh giá cầm trên tay, trên lồng ngực cũng xẹp xuống theo, chân cây thánh như rơi đâm xiên qua những cành xương ngực cắm xuống khoảng trống của con tim. Ngày về đào mộ anh mới nhìn thấy cây thánh giá âm thầm dưới lòng đất bằng ấy năm trời. Nếu không rỡ quan tài ra, chắc chẳng bao giờ anh biết bố mình chết như thế. Lúc đầu câu chuyện anh có nói, những ngày tháng đó anh là một du học sinh trẻ, một người được gởi đến một trong những trung tâm văn hoá và quyền lực thế giới do địa vị của bố mình. Anh không cần biết tôn giáo. Anh lớn lên trong bầu không khí như thế. “Con đã không chở bố con tới đây”. Tôi hiểu phần nào tâm trạng anh lúc này. Lúc tuổi đời đã có chút băn khoăn về những cuộc ra đi không trở lại. Ngày ấy, bố anh là một đảng viên cao cấp. Chỉ khi được đề cử đi họp ở đây mới có cơ hội tham quan ghé vào chốn này. Một khoảnh thời gian rất hiếm hoi.
Qua câu chuyện của anh, tôi hiểu, vì chức vụ, ngày ở quê hương ông cụ không đến nhà thờ. Bây giờ thương bố. Anh im lặng nhìn chung quanh giáo đường. Anh nói:
- Có những lúc buồn, con đến ngồi đây một mình. Nhớ về ngày xưa còn bố. Con thấy như bố con vẫn còn quanh quất đâu đây. Một người đàn ông gầy gò, mặc bộ đồ xám đậm, cứ tìm cách náu vào những cột, những tượng thánh trong nhà thờ này.
Anh cũng là người tiễn tôi ra phi trường ngày tôi trở về Mỹ. Máy bay lấy hết sức cất mình lên. Tôi lên cao. Tất cả ở dưới kia nhỏ dần. Anh cũng nhỏ dần, ở dưới kia, anh âm thầm trên một con đường. Tôi nhìn qua vuông cửa sổ nhỏ của máy bay. Không thấy gì. Cuộc từ giã có thể không bao giờ gặp lại nhau. Mỗi người một con đường. Anh có đang tìm một nơi nào đó để ẩn náu không? Náu bão tố để giữ niềm tin? Sau những phi tượng trong ngôi nhà thờ cũ? Náu ơn sủng để giữ lương tâm. Trong tấm hình cải mộ của bố anh? Hay anh đang ẩn náu bằng chính cuộc đời?
Cũng giống bố anh, mỗi người đều có một con đường, một lối đi, một chổ ẩn náu.
Tôi viết những dòng này cũng để ghi nhớ nhân chuyến đi sau cùng ra khỏi cuộc đời, ngày 20.1.2005, của chị Anne Hàm Tiếu, em gái Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Đức Hồng Y đã đến thăm đồng bào Việt lao động ở đây, chuyến đi xa sau cùng trước khi biết mình bị bệnh. Anh quý Đức Hồng Y cách đặc biệt. Theo anh kể, bố anh đã gặp Đức
Hồng Y khi Ngài ra khỏi tù ở Hà Nội. Qua liên hệ này, chị Hàm Tiếu đã liên lạc và chịu phí tổn cho tôi trong chuyến đi mục vụ này.
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.