Kỷ niệm của hôn nhân hay đời tu mà được 50 năm người ta gọi là Lễ Kim Khánh. Vì đời người ngắn ngủi nên không mấy người có cơ hội mừng lễ vàng. Tôi cũng vậy, tôi không có cơ hội mừng lễ vàng khi tôi sống. Tôi trở về kỷ niệm 50 năm ngày tôi chết. Lần này tôi tảo mộ lần thứ ba. Tôi gọi là ngày kim khánh của tôi
Người ta đưa tôi ra nghĩa trang 50 năm rồi. Thấm thoát thế mà tôi đã chết nửa thế kỷ. Hai lần trước tôi tìm thấy mộ người ta chôn tôi. Lần này trở về nghĩa trang tôi không còn mộ nữa. Tôi thơ thẩn cả chiều nay. Tôi hoàn toàn mất dấu vết trên cõi đời rồi sao?
Nghĩa trang ngày xưa người ta chôn tôi không còn nữa. Tất cả người thân rỡ mộ đi chôn nơi khác. Tôi là người không có thân nhân. Cuộc đời đâu có gì trường cửu. Người ta có thể thay đổi bất cứ gì người ta muốn. Mỗi chính thể một vận mệnh. Mỗi chính sách một sáng kiến riêng. Không ai nhận mộ thì người ta đỡ đưa vào một nơi. Nhưng người ta làm cho có lệ. Họ để lẫn lộn, tôi không còn tìm ra tôi nữa. Bây giờ tôi không biết mình còn xương cốt không. Tất cả sọ người đều giống nhau. Thế là tôi mất tên tuổi một kiếp người.
Không còn nghĩa trang để tìm tôi. Không còn ngôi mộ để nhìn mình. Tôi đi về đâu? Tất cả những người tôi quen không còn ai sống sót. Chiếc xe lăn của người tôi quen biết sau cùng đã thành sét rỉ lâu lắm rồi. Những người sống với tôi thời ấy đều chết cả. Mới ngày nào ăn cơm với nhau, cùng đi chơi biển với nhau, cùng dạo phố. Thế mà bây giờ im quá. Tôi đi qua phố. Tôi bước qua nhà. Từng con đường. Không gặp một ai. Căn nhà xưa tôi ở, bây giờ ai đó làm chủ, lạ lắm. Nhiều căn nhà không còn nữa.
Tất cả kỷ niệm liên quan tới tôi không còn gì. Những tấm hình tôi chụp trên những thành phố tôi đi qua, nay ở đâu? Không còn một chút gì. Tất cả những người tôi gặp hôm nay như người từ hành tinh khác đến chiếm trái đất của tôi ngày xưa. Tôi không biết một ai. Hoàn toàn không biết một ai. Người ta không thể tưởng tượng nổi nếu tôi hỏi họ xem có ai biết kỷ niệm của tôi ở đâu.
Đi tìm ngôi mộ mình mà không thấy. Đứng phân vân, rồi tôi nghĩ mình là linh mục, tôi có thể trở về nhà thờ.
Nhà thờ cũng không có ai biết tôi. Đây có phải là nhà thờ ngày xưa tôi sống không? - Thưa ngài, không phải, chúng tôi mới dựng lại nhà thờ này. Cái cũ đập rồi.
Tôi bàng hoàng không tin như thế. Mới có nửa thế kỷ mà thay đổi như thế sao? Có thể tôi lầm. Tôi đi tìm chỗ khác.
Công trình trường cửu nhất là nhà thờ mà cũng không còn sao? Tôi đi tìm sổ rửa tội. Đấy là nơi chữ ký tôi sẽ nằm vĩnh viễn trong Giáo Hội. Cũng không còn. Cơn hoả hoạn đã cháy hết. Những gì là trường cửu như thế mà cũng không lưu được dấu vết một lần tôi làm người trên cõi đời này sao? Cuộc tảo mộ lần thứ ba này vắng vẻ hơn hai lần trước nhiều. Ngày lễ vàng, kỷ niệm 50 năm tôi chết. Không còn dấu vết.
Tôi đứng bơ vơ nhìn dòng đời trôi. Chả ai biết mình. Mình chả biết ai. Nhớ lại mới ngày nào đây mà giờ sao khác biệt lạnh lùng thế. Ngày ấy tôi làm chủ biết bao nhiêu thứ. Nửa nông trại. Một dẫy nhà cho thuê. Tôi lao đao trong đời cho bao nhiêu chuyện. Bây giờ là hư vô. Hai bàn tay tôi trần trụi đứng nhìn dòng đời. Đời không thuộc về tôi nữa.
Nhớ lại những ngày đó, bấy giờ mọi sự sao như trường tồn vĩnh cửu. Chúng có sức thu hút mê hoặc. Tôi bị ràng buộc khổ sở vào bao nhiêu điều. Tôi không có thời gian nhìn hoàng hôn buông nắng. Bận rộn không thấy nắng đưa mây xuống chân đồi. Tôi không nghe bài ca con hoạ mi hót lúc gió xuân. Tôi không thấy những chùm hoa dại đong đưa giữa trời đất vui niềm vui tự do.
Ngày đó mất lòng nhau cũng chỉ vì những thứ ràng buộc ấy. Tôi mất bao hạnh phúc của cánh bướm thong thả buông chơi bên sườn đồi.
Ngày đó sao tôi sống khổ sở vì những cạnh tranh. Tôi mất bao thanh thản của tâm hồn. Tôi mất bao êm ả như cánh én êm đềm báo tin mai vàng đang nở.
Ngày đó sao sống đau đớn vì những bực mình. Tôi mất bao tối nhìn trăng buông ánh sáng xuống thung lũng.
Ngày đó sao sống lo âu vì không tin tưởng được nhau.
Tôi mất bao bến bờ đẹp của biển lúc sương khuya, rất mênh mông.
Ngày đó tôi lo tương lai sống ra sao. Tôi mất bao nhiêu cõi trời thênh thang. Tôi không nghe có tiếng khóc bên đời. Trái tim tôi chật hẹp vì quá nhiều tiếng thở dài. Bao giờ cũng thấy nỗi đau của mình là lớn nhất.
Tôi đứng đây nhìn lại cuộc sống của mình nửa thế kỷ về trước. Tôi hỏi lòng tôi: Những bon chen kia đâu rồi? Những điều làm tôi giận giữ kia đâu rồi? Những thứ tôi yêu mến kia đâu rồi? Những thành công của tôi đâu rồi? Những lo âu của tôi đâu rồi? Chả còn gì.
Mọi sự đã hết. Bây giờ tôi đi về đâu ? Tôi không còn nghĩa trang về thăm mộ.
Tôi không còn người quen về nhìn xem họ còn giữ kỷ niệm nào của tôi không. Vậy bây giờ tôi đi về đâu?
Tôi chỉ còn một cõi đi về vĩnh cửu phía bên kia. Tôi sẽ không bao giờ trở lại đây một lần nữa. Hôm nay là lần cuối cùng.
Phía bên kia là chốn nào?
Ngày còn sống, tôi đã vẽ đường về chốn bên kia cho tôi. Hôm nay tôi cần tấm bản đồ đó. Ngày ấy tôi vẽ rõ đường thi hôm nay tôi thong thả, am tâm đi về. Ngày ấy tôi vẽ cong co thì hôm nay tôi bối rối hoang mang.
Tôi đi về đâu phía bên kia? Hôm nay không có ai đi với tôi.
Đường tôi đi một mình.
Lần tảo mộ thứ hai. Ngày silver jubilee, tôi nhìn lại đời mình, nếu lấy con số 100 cho chẵn, tôi thấy 98 phần trăm những gì tôi nhìn, tôi chiếm hữu đều không đem đi được. Chỉ có hai phần trăm là:
- Tình yêu Chúa và trái tim bao dung với anh em.
Chỉ có hai phần trăm ấy đem theo được thôi. Nhà thờ cũng bỏ lại. Bản đồ ngày xưa tôi vẽ có rõ không hay chằng chịt không biết lối nào đi.
Bây giờ là định mệnh.
Không còn chốn nào trần gian mà về.
- Gỉa sử tôi được làm người trở lại, tôi sẽ sống thế nào? Tôi lại giả sử vậy thôi, trễ quá rồi.
“Người ta chỉ gặt hái những gì họ đã gieo vãi. Nếu họ gieo vãi nơi thửa ruộng xác thịt, họ sẽ gặt hái được mùa màng băng hoại; nhưng nếu hạt giống gieo xuống của họ là thần trí thì họ sẽ gặt được sự sống trường sinh” (Ga. 6:8).
Bây giờ, tôi đi lối riêng của tôi, lối về mùa màng đã gieo vãi lúc còn sống. Mộ tôi không còn. Chết rồi tôi mới tha thiết nuối tiếc thời gian. Chẳng còn lý do gì để được phép nấn ná về thăm lại chốn xưa. Hạnh phúc hay thở dài. Bất cứ đi về đâu thì bây giờ tôi cũng phải nói lời vĩnh biệt.
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.