Đo lường độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha là phép kiểm định phản ánh mức độ tương quan chặt chẽ giữa các biến quan sát trong cùng một nhân tố. Hệ số này cho biết trong các biến quan sát của một nhân tố, biến nào đã đóng góp tốt vào việc đo lường khái niệm của nhân tố, biến nào không.
(Cronbach 1951, trích bởi Nguyễn Đình Thọ 2013, trang 355) đưa ra chú ý rằng hệ số Cronbach’s Alpha chỉ đo lường độ tin cậy của thang đo có từ 03 biến quan sát trở lên, chứ không đo được độ tin cậy cho từng biến quan sát.
Thang đo có độ tin cậy tốt khi nó biến thiên trong khoảng [0,75-0,95]. Nếu hệ số Cronbach’s Alpha ≥ 0,6, thang đo đó có thể được chấp nhận về độ tin cậy (Nunnally & Bernsteri 1994, trích bởi Nguyễn Đình Thọ 2013, trang 365).
Nguyễn Đình Thọ (2013, trang 364) cho rằng, về lý thuyết hệ số Cronbach’s Alpha càng cao càng tốt (thang đo càng có độ tin cậy cao). Tuy nhiên, hệ số Cronbach’s Alpha quá lớn (α > 0,95) cho thấy có nhiều biến trong thang đo không có khác biệt gì nhau (nghĩa là chúng cùng đo lường một nội dung nào đó của khái niệm nghiên cứu). Đây là hiện tượng trùng lắp trong đo lường (redundancy). Do đó, khi
kiểm tra từng biến đo lường, chúng ta cần sử dụng thêm hệ số tương quan biến tổng hiệu chỉnh (Corrected Item-Total Correlation). Hệ số này lấy tương quan của biến đo lường xem xét với tổng các biến còn lại của thang đo (không tính biến đang xem xét). Đây là tiêu chuẩn để đánh giá một biến đo lường có thực sự đóng góp giá trị vào nhân tố hay không. Nếu một biến đo lường có hệ số tương quan biến tổng hiệu chỉnh ≥ 0,3 thì biến đó đạt yêu cầu (Nunnally & Bernstein 1994).
Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng khi hệ số Cronbach’s Alpha từ 0,8 trở lên đến gần 1 thì thang đo lường tốt, từ 0,7 đến gần 0,8 là sử dụng được. Cũng có nhà nghiên cứu đề nghị rằng Cronbach’s Alpha từ 0,6 trở lên là có thể sử dụng được trong trường hợp khái niệm đang đo lường là mới hoặc mới đối với người trả lời trong bối cảnh nghiên cứu (Nunnally 1978; Peterson 1994; Slater 1995 trích bởi Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc 2008, tập 2, trang 24).
Trong nghiên cứu này, tác giả sẽ loại bỏ những thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha < 0,6 và loại những biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng hiệu chỉnh <0,3 ra khỏi mô hình vì những biến quan sát này không có ý nghĩa đối với thang đo. Tuy nhiên, việc loại các biến không đạt yêu cầu còn phụ thuộc vào việc xem xét giá trị nội dung của khái niệm, chứ không chỉ đơn thuần nhìn vào con số thống kê (Nguyễn Đình Thọ 2013, trang 367).