Về điều kiện cơ sở vật chất, khoa học công nghệ phục vụ công tác chống gian lận thuế nhập khẩu còn thiếu: Trang thiết bị, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ phục vụ cho hoạt động quản lý Hải quan nói chung, công tác phòng, chống gian lận thương mại nói riêng đã được Nhà nước ta chú trọng đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa hơn so với trước đây. Theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 448/QĐ-TTg ngày 25-3-2011) cũng đã xác định rõ mục tiêu:
Xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục Hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lí dữ liệu tập trung và áp dụng rộng rãi phương thức quản lý rủi ro, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, trang thiết bị, cơ sở vật chất, quá trình hiện đại hóa ngành Hải quan vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, so với nhiều nước trong khu vực và quốc tế còn lạc hậu hơn. Thực tế là nhiều Chi cục còn thiếu các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, hệ thống máy soi đặc chủng, giám sát hàng hóa,
thiết bị giám định... Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình về công nghệ thông tin vẫn còn bộc lộ những bất cập như: Hệ thống máy tính nối mạng về cơ bản đã có nhưng đường truyền chậm, hay mắc lỗi. Tại một số Chi cục, hệ thống dữ liệu thông tin quá nhiều nên khi vận hành rất chậm cũng cản trở nhân viên áp dụng kỹ thuật Quản lý rủi ro trong nghiệp vụ của mình. Phần mềm và dữ liệu phục vụ cho quản lý rủi ro còn nhiều hạn chế.
Công tác chống thất thu thuế nhập khẩu đối với loại hình GC, NSXXK gặp khó khăn trong việc tính toán định mức, tỷ lệ hao hụt vì đây là lĩnh vực đòi hỏi phảicó trình độ kỹ thuật chuyên sâu; tính chất lý hóa của nguyên liệu, vật tư do tác động của môi trường…Ngoài ra, đối với loại hình nhập kinh doanh thì doanh nghiệp thường khai báo giá thấp so với các hàng hóa cùng loại, cùng nhà sản xuất nhưng doanh nghiệp đưa ra rất nhiều lý do, cung cấp đầy đủ chứng từ thanh toán, C/O…
Dữ liệu trên hệ thống Vnaccs/Vcis chưa khai thác một cách hiệu quả, phần lớn còn thực hiện thủ công nên công tác thu thập thông tin DN để tổ chức công tác chống thất thu thuế NK còn hạn chế. Hệ thống Vnaccs/Vcis triển khai theo mô hình tập trung cấp Tổng cục, các hệ thống phần mềm thống kê tại các Cục hải quan không thực hiện được, một số hệ thống hỗ trợ như KT559, GTT02, Ecustoms… sẽ phải chuyển lên mô hình tập trung để có thể tương tác dữ liệu với hệ thống Vnaccs/Vcis và một số phần mềm hỗ trợ liên quan. Cụ thể hệ thống Vnaccs/Vcis còn thiếu một số chức năng chưa phù hợp với tình hình Việt Nam nhất là loại hình GC, NSXXK nên cơ quan hải quan xây dựng phần mềm ECUSTOM (V5) để hỗ trợ nên làm giảm tính hiệu quả của hệ thống.
Trình độ năng lực của công chức Hải quan chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việc bố trí công chức làm công tác KTSTQ quá ít so với yêu cầu khối lượng công việc, công chức KTSTQ kiêm nhiệm với công việc khác dẫn đến không đủ nguồn lực thực hiện công tác KTSTQ; chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các bước công việc KTSTQ theo quy định của pháp luật và quy trình KTSTQ như: rà soát, kiểm tra các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, giá, mã số, thuế suất, C/O…; chưa phân tích rủi ro để đánh giá, KTSTQ các lô hàng luồng xanh có thuế suất NK.
Hệ thống thông quan tự động Vnaccs/Vcis và hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan chưa tích hợp dữ liệu về định mức chung (định mức/sản phẩm + tỷ lệ hao hụt NVL/sản phẩm) nên cơ quan Hải quan không có cơ sở so sánh định mức chung của
các DN cùng sản xuất một loại hàng hóa, cùng một ngành nghề…, việc cập nhật dữ liệu của công chức hải quan chưa kịp thời, độ tin cậy chưa cao; cơ sở dữ liệu giá chưa hoàn chỉnh, dễ bị DN lợi dụng và cấu kết để khai giá hàng hóa NK thấp. Một số DN không chấp hành tốt pháp luật lợi dụng phân luồng của hệ thống để khai báo hàng hóa không thuộc danh mục quản lý rủi ro của cơ quan hải quan, khai báo hàng hóa có thuế suất cao nhưng trị giá thấp, khai báo không đúng thực tế hàng hóa khi hệ thống phân luồng xanh, sự kiểm tra của cơ quan hải quan không chặt chẽ…thì sẽ gian lận thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Công tác xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ mức độ răn đe, còn nhẹ đối với một số hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Trước đây, đối với loại hình NSXXK khi DN chuyển đổi mục đích NL, VT để sử dụng thì phải nộp chậm nộp kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng hóa; nhưng từ khi Thông tư số 38/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/4/2015 thì DN không phải nộp phạt chậm nộp khi chuyển đổi mục đích sử dụng NL, VT (trong khi đó hàng hóa nhập kinh doanh phải nộp thuế ngay trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa); hoặc DN khai báo định mức cao thì ngoài việc bị truy thu thuế NK, chỉ phạt vi phạm hành chính 20% số tiền thuế truy thu thuếNK.
Công tác phối hợp giữa Hải quan – Thuế - Kho Bạc, các Ngân hàng và các Bộ ngành trong công tác thu thuế, quản lý thuế còn chậm; chồng chéo và chưa đồng bộ. Trước đây, chưa thực hiện nộp thuế điện tử thì khi DN nộp thuế xong phải xuất trình bản chính để cơ quan hải quan đối chiếu số tiền nộp thuế và quyết định thông quan hoặc giải phòng hàng hóa cho DN; giữa cơ quan hải quan, ngân hàng và kho bạc chưa liên kết được với nhau nên dữ liệu nộp thuế của DN cũng không truyền đến được cơ quan hải quan; có một số trường hợp DN là giả chứng từ nộp thuế hoặc hủy ngang chứng từ nộp thuế nhưng ngân hàng chưa cập nhật hoặc chưa thu hồi lại giấy nộp tiền… thì sẽ dẫn đến nợ thuế (đến tháng 10/2015 dữ liệu nộp thuế giữa ngân hàng – hải quan – kho bạc đã kết nối với nhau, bước đầu phát huy tác dụng tốt).
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương này tác giả đã trình bày tổng quan về cục Hải quan Long An; tình hình thu thuế nhập khẩu tại cục Hải quan Long An; Tác giả đã trình bày thực trạng chống thất thu thuế tại cục Hải quan Long An qua các năm 2015-2018 về số thuế thất thu, nguyên nhân thất thu và KH giải pháp chống thất thu với kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân. Đây là cơ sở quan trọng cho giải pháp ở chương 3.
Trong chương tiếp theo tác giả sẽ đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường chống thất thu thuế nhập khẩu tại Cục Hải quan Long An.