Kinh nghiệm của hải quan Hàn Quốc
Ở nước này, tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu phải chịu thuế nhập khẩu, đối tượng nộp thuế phải nộp xong thuế trước khi thông quan hàng hóa hoặc phải có ký quỹ, bảo lãnh nộp thuế. Việc ký quỹ, bảo lãnh nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu
phải có sự chấp thuận của cơ quan hải quan. Quy trình nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu ở Hàn Quốc thực hiện theo 4 bước sau:
Bước 1: Sau 15 ngày kể từ ngày đến ân hạn của số thuế phải nộp, cơ quan hải quan sẽ có thông báo yêu cầu nộp thuế và chuyển tới đối tượng nộp thuế để thông báo cho đối tuợng nộp thuế. Sau khi thông báo được ban hành, nếu đối tượng nộp thuế không chấp hành thì cơ quan hải quan sẽ kiểm tra thu nhập và tài sản của đối tượng nợ thuế thông qua hệ thống quản lý thuế.
Bước 2: Lệnh thu thuế là việc tịch biên tài sản hợp pháp của đối tuợng nộp thuế, để thanh toán trả cho khoản nợ thuế. Nếu thuế không được nộp đầy đủ sau khi thông báo, thì cơ quan hải quan có thể tịch biên và bán bất kỳ tài sản cá nhân hoặc bất động sản mà đối tượng nộp thuế sở hữu hoặc quan tâm tới.
Bước 3: Quá thời hạn nộp thuế mà doanh nghiệp (DN) vẫn chưa nộp, thì cơ quan hải quan chuyển sang bước bán tài sản tịch thu thông qua việc đăng thông báo về tài sản chờ bán trong một thời gian nhất định trên báo chí địa phương, hoặc tờ rơi trước khi bán. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, việc bán tài sản tịch biên này do một công ty công cộng chuyên hoạt động bán các tài sản tịch biên thực hiện. Tại Hàn Quốc, Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc đã ký kết với cơ quan Hải quan Hàn Quốc để thực hiện công việc này.
Bước 4: Sau khi bán tài sản, cơ quan hải quan sẽ sử dụng số tiền thu được trả cho các chi phí liên quan đến việc tịch biên và bán tài sản. Số tiền còn lại sẽ nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Nếu số tiền thu được từ việc bán tài sản thấp hơn tổng số thuế, chi phí của việc tịch biên, bán tài sản thì đối tượng nộp thuế sẽ tiếp tục phải nộp số thuế còn thiếu. Ngược lại, cơ quan hải quan sẽ thông báo cho đối tuợng nộp thuế số tiền còn thừa và hướng dẫn để nộp thuế và làm thủ tục xin hoàn thuế.
Ngoài 4 bước trên, để phòng chống gian lận thương mại và thất thu thuế, Hải quan Hàn Quốc còn xây dựng đội ngũ thanh tra thuế và kiểm tra sau thông quan. Ðây là những đơn vị có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các chính sách thuế của DN. Việc phối hợp của Hải quan Hàn Quốc với các cơ quan kiểm soát nội địa góp phần không nhỏ vào công tác chống gian lận thương mại và thất thu thuế.
Kinh nghiệm của hải quan Trung Quốc
Là nước có phương thức quản lý thuế khá tương đồng với Hàn Quốc. Theo đó,
quy trình thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) của DN của Trung Quốc được thực hiện bởi Hải quan Trung Quốc theo trình tự 4 bước: Cơ quan Hải quan ra thông báo và yêu cầu nộp thuế; Thực hiện lệnh thu thuế; Bán tài sản bị tịch biên; Trả nợ thuế bằng số tiền thu được từ việc bán tài sản. Cụ thể:
- Người có nghĩa vụ nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải nộp đủ khoản thuế trong vòng 15 ngày, kể từ ngày cơ quan hải quan ra thông báo thuế, nếu kéo dài trong thời hạn nộp thuế thì cơ quan hải quan phạt chậm nộp thuế.
- Có giấy thông báo cho ngân hàng hoặc cơ quan tín dụng giữ số tiền còn lại trên tài khoản của chủ hàng để nộp thuế.
- Bán hóa giá những hàng hóa chưa nộp thuế theo quy định, hàng hóa hoặc tài sản khác có giá trị tương đương số tiền thuế phải nộp, bước này cho phép cơ quan hải quan được bán hợp pháp các tài sản tịch biên để trả nợ nộp thuế. Ðồng thời, tạo áp lực cho đối tượng nợ thuế phải nộp thuế, tránh việc tài sản tịch biên bị bán với giá tương đối thấp.
- Khi cơ quan hải quan thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với những người có nghĩa vụ nộp thuế hoặc người bảo lãnh, thì người có nghĩa vụ nộp thuế phải nộp xong các khoản nợ thuế, nợ tiền phạt trước khi hàng hóa được thông quan. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, việc bán tài sản tịch biên này thường do một công ty công cộng chuyên hoạt động bán các tài sản tịch biên thực hiện.
Mô hình kiểm tra sau thông quan của Trung Quốc được áp dụng từ năm 1994 gồm: Bộ phận kiểm toán và bộ phận điều tra thương mại. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày hàng hóa nhập khẩu được thông quan hoặc trong thời hạn giám sát hải quan của hàng hóa ở kho bảo thuế, hàng hóa được miễn thuế, giảm thuế nhập khẩu, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra sổ sách kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính và các tài liệu khác có liên quan cùng với hàng hóa XNK của nguời bị kiểm tra để kiểm tra tính hợp pháp, tính chân thực của hoạt động XNK hàng hóa. Ðồng thời, tăng cường giám sát hải quan và kiểm soát hải quan đối với hàng hóa XNK, duy trì các quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế thất thu thuế và thúc đẩy hoạt động thương mại.
Kinh nghiệm của hải quan Malaysia
Hải quan Malaysia rất coi trọng công tác chống gian lận thương mại và thất thu thuế. Vấn đề này được thể hiện thông qua việc hải quan Malaysia chú trọng công tác
trao đổi thông tin về thủ tục hải quan, trong đó có thông tin liên quan đến chống gian lận thương mại và thất thu thuế đối với những mặt hàng phức tạp, khó xác định mã số; Ðịnh kỳ tổ chức gặp gỡ trao đổi giữa hải quan với DN để trao đổi về những vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan và phổ biến các quy định mới.
Ngoài việc chú trọng công tác thông tin trao đổi, Hải quan Malaysia còn thúc đẩy sự tham gia của các DN XNK vào quá trình chống gian lận thương mại và thất thu thuế với các biện pháp, cụ thể:
- Thành lập Uỷ ban hỗn hợp gồm cơ quan hải quan và các DN đại lý hải quan để hỗ trợ DN trong việc khai hải quan, trong đó có việc xác định mã số hóa theo hồ sơ (HS), xác định trị giá tính thuế theo GATT. Sự tham gia tích cực của các DN đại lý trong kiểm soát và hạn chế gian lận thương mại và thất thu thuế đã góp phần thúc đẩy hợp tác công - tư, triển khai nhanh và thuận tiện các thủ tục hải quan.
- Song song với việc triển khai Hiệp định GATT/WTO, Malaysia còn áp dụng các biện pháp quản lý hải quan hiện đại như: Quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, phối hợp với công tác điều tra chống buôn lậu để tiến hành kiểm tra trên diện rộng. Theo đó, cơ quan hải quan được quyền yêu cầu DN cung cấp toàn bộ chứng từ liên quan để kiểm tra xem xét.
- Hải quan Malaysia thành lập Cục Nghiệp vụ chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ việc thực hiện Hiệp định GATT/WTO và là đầu mối cung cấp cơ sở dữ liệu về giá được sử dụng như một tham số để so sánh giá. Hỗ trợ cho Cục Nghiệp vụ còn có Cục Ngăn chặn và Ðiều tra. Đây là 2 đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ thông tin tình báo và tiến hành điều tra những vụ việc ở mức độ quốc gia. Ngoài các Cục trên còn có Cục Kiểm tra sau thông quan đảm nhiệm vai trò quản lý công tác kiểm tra sau thông quan. Ba đơn vị này cùng phối hợp chia sẻ thông tin với nhau và cùng hướng dẫn Cục Hải quan địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại, chống thất thu thuế nhập khẩu.
Kinh nghiệm của hải quan Pháp
Hệ thống thuế hiện nay ở nước này thực hiện theo hình thức tự khai, tự nộp thuế... 90% số thuế nộp vào ngân sách nhà nước do người nộp thuế tự nộp cho Kho bạc Nhà nuớc, nếu nộp quá hạn thì phải nộp thêm lãi tính theo mức lãi suất hiện hành của ngân hàng thương mại. Do vậy, thanh tra thuế ở Pháp đảm nhận vai trò, đảm bảo cân đối hài hòa quyền lợi, nghĩa vụ của các công dân Pháp và người nước ngoài có thu
nhập trên nước Pháp.