II. PHẦN NỘI DUNG
3.3.6. Nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về hoạt động quảng cáo
Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục
Để góp phần hạn chế tình trạng vi phạm trong hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về QC của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, thời gian tới tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường hơn nữa tuyên truyền, phổ biến Luật Quảng cáo và các văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức, cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động quảng cáo và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động quảng cáo, đây là đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi vi phạm một cách vô tình hoặc cố ý vì mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, cần phải tập trung tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên, bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các lớp tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật; thông qua các cuộc hội họp, hội nghị hay các cuộc thanh tra, kiểm tra… Đối với nhân dân, cần đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin, văn bản hướng dẫn cụ thể đến các địa bàn khu dân cư, đơn vị kinh doanh quảng cáo về quy hoạch đô thị, quy hoạch quảng cáo ngoài trời và công tác quản lý nhà nước về quảng cáo…..Qua đó, góp phần đưa hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời phát triển theo khuôn khổ của pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cần chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, không chỉ dừng lại các những hình thức như: Tuyên truyền miệng, tổ chức hội nghị, tổ chức hội thi, in tờ rơi, tờ gấp… mà cần được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như với hình ảnh trực quan, sinh động với nội dung cô đọng, súc tích giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; thông qua hình thức sân khấu hóa với nội dung thiết thực, gần gũi với người dân hơn; qua đó dễ chủ động nắm bắt tình hình, phản ánh dư luận xã hội trên địa bàn, nhất là những khó khăn vướng mắc, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Quảng cáo để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Các cơ quan thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh như Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng thường xuyên đưa tin biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia quản lý hoạt động QCTMNT; phê phán các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo sai quy định. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền Luật Quảng cáo, Nghị định, Thông tư và các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị, địa phương về hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời trên sóng truyền hình, chuyên trang, chuyên mục, trên trang thông tin điện tử của tỉnh, của sở ngành và địa phương… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua hệ thống truyền thông không dây của xã phường thị trấn; thông qua các buổi họp tổ dân phố, các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ ở khu dân cư… để người dân nắm bắt và chấp hành đúng quy định của pháp luật, tránh những nhầm lẫn dẫn đến vi phạm trong hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời.
Thứ hai, Vận động nhân dân cùng tham gia quản lý hoạt động quảng cáo nói chung và quảng cáo rao vặt tại địa bàn dân cư
Tại Lâm Đồng, thời gian qua người dân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh những hoạt động quảng cáo sai quy định, vi phạm Luật Quảng cáo; đồng thời đề xuất các sáng kiến, giải pháp góp phần đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác quản lý hoạt động này. Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng cần tích cực vận động nhân dân cùng tham gia quản lý hoạt động quảng cáo tại địa bàn khu dân cư bằng nhiều hình thức khác nhau;
trong đó cần nghiên cứu bổ sung nội dung thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các quy định về quảng cáo như: Không để biển hiệu, bảng quảng cáo lần chiếm lòng lề đường; không có quảng cáo rao vặt, tờ rơi…. vào tiêu chí xét công nhận danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cần thường xuyên tổ chức tổ chức họp định kì để khen thưởng tuyên dương các cá nhân, gia đình, tổ dân phố đã có thành tích xuất sắc trong quản lý hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời tại địa bàn. Trao thưởng thôn, tổ dân phố văn hóa đã có thành tích trong việc tố giác và ngăn chặn được nhiều hành vi trái phép từ hoạt động quảng cáo rao vặt, giữ gìn bộ mặt nông thôn, đô thị trên địa bàn các xã, phường, thị trấn luôn xanh - sạch - đẹp và văn minh.
Tiểu kết chương 3
Cùng với những định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước, luận văn đưa ra một số giải pháp đổi mới công tác quản lý về hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời tại tỉnh Lâm Đồng gồm đổi mới về cơ chế chính sách; điều chỉnh sửa đổi bổ sung Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quảng cáo; đào tạo năng lực cán bộ làm công tác quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và nâng cao nhận thức cho nhân dân về lĩnh vực quảng cáo. Trong giải pháp đổi mới về cơ chế chính sách quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời, tác giả đưa ra ba giải pháp nhỏ: Một là rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo phù hợp với các quy định hiện hành và đặc thù của hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hai là quy định rõ ràng, đầy đủ trách nhiệm quản lý hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời cho các cơ quan nhà nước. Ba là có chính sách thu hút xã hội hóa hoạt động quảng cáo. Về giải pháp nâng cao nhận thức cho nhân dân về lĩnh vực quảng cáo, tác giả nhận thấy thứ nhất cần phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thứ hai là vận động nhân dân cùng tham gia quản lý hoạt động quảng cáo nói chung và quảng cáo rao vặt tại địa bàn dân cư.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo đội ngũ cán bộ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân nhằm góp phần quản lý lĩnh vực này hiệu quả hơn, chấn chỉnh kịp thời những hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời. Mặt khác, giúp cho ngành kinh tế này có được sự đầu tư và phát triển phù hợp với nhu cầu quảng bá, xây dựng thương hiệu các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quyết liệt như hiện nay.
KẾT LUẬN
Theo tiến trình phát triển của lịch sử, hoạt động quảng cáo ngoài trời đã phát triển liên tục để đáp ứng nhu cầu ngày một lớn và phức tạp của thị trường. Sự đổi mới liên tục trong ngành quảng cáo ngoài trời đã chứng kiến sự tăng trưởng về kích thước của biển quảng cáo, những thay đổi về vật liệu, cũng như sự đầu tư, nâng cấp trong công nghệ quảng cáo.
Hiện nay, quảng cáo ở tỉnh Lâm Đồng nói riêng và của cả nước nói chung ngày càng phát triển và có những đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của cả nước. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời cũng đã xuất hiện những mặt tiêu cực tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống - xã hội, như mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục… Điều đó đòi hòi các cơ quan quản lý nhà nước phải phải quan tâm, giải quyết để hoạt động này phát triển ổn định và bền vững.
Tại luận văn này đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về quản lý nhà nước về QCTMNT. Qua cơ sở lý luận về quản lý nhà nước và hoạt động quảng cáo cho chúng ta thấy: Quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo là một lĩnh chuyên ngành được triển khai dựa trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng cho thấy công tác quản lý quảng cáo thương mại ngoài trời đã được tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế cần phải kịp thời đổi mới, điều chỉnh như: Cơ chế, chính sách chưa phù hợp; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý còn thiếu và yếu… Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng quản lý hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời, luận văn đề xuất các giải pháp đổi mới cơ chế chính sách quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời; điều chỉnh sửa đổi bổ sung Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quảng cáo; đổi mới trong đào tạo năng lực cán bộ làm công tác
quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo thương mại ngoài trời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử phạt hành chính và nâng cao nhận thức cho nhân dân về lĩnh vực quảng cáo.
Với các giải pháp mà luận văn đưa ra, tác giả mong muốn sẽ góp một phần vào việc đưa hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, đồng thời xây dựng nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Do thời gian, trình độ và khả năng có hạn, nên không tránh khỏi những hạn chế, khuyết thiếu. Tác giả mong sẽ nhận được thêm nhiều những ý kiến quý giá của các thầy, cô và đồng nghiệp để nâng cao hơn tính khả thi của đề tài./.
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2013), Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 12 năm 2013 Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Hỏi đáp pháp luật về quảng cáo, Tài liệu lưu hành nội bộ.
3. Bộ Xây dựng (2018), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phuơng tiện quảng cáo ngoài trời, Thông tư số 04/2018/TT-BXD ngày 20 tháng 5 năm 2018.
4. Các Mác và Ăngghen (1993), Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 5. Chính phủ (2013), Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
6. Chính phủ (2013), Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 Quy định chi tiết thi hành một số điều luật của Luật Quảng cáo.
7. Chính phủ (2017), Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2017 về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.
8. Chính phủ (2017), Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
9. Quốc Cường 2012, Luật Quảng cáo - Luật Giá - Luật Bảo hiểm tiền gửi, Nxb Hồng Đức.
10. Phạm Bình Chương (2008), Thiết kế biển quảng cáo ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam.
12. Nguyễn Thị Dung (2014), Lí luận về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo và quảng cáo thương mại, Tạp chí Luật học (số 9).
13. Hoàng Thị Huyền (2019), Quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Luận văn Thạc sỹ Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
14. Ngô Quang Hưng (2008), Quảng cáo đô thị nhìn từ góc nhìn văn hóa, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam.
15. Harol Koontz (1993), Những vấn đề cốt yếu của quản lý, Nxb Khoa học Kỹ thuật, Tp. Hồ Chí Minh.
16. Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2015), Lý luận quản lý hành chính nhà nước.
17. Nguyễn Ngọc Thùy Linh (2018), Quảng cáo thương mại ngoài trời theo pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật thuộc Đại học Hà Nội. 18. Phạm Thành Minh (2008), Quy hoạch quảng cáo cần phù hợp với thực tế, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, tr.9-10.
19. Lê Thị Kim Oanh (2017), Quản lý hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời trên địa bàn quận Hà Đông, Luận văn Thạc sỹ Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
20. Quốc hội (2005), Luật Thương mại số 36/2005/QH11 nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005.
21. Quốc hội (2013), Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 của nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012.
23. Vũ Quỳnh (biên soạn), Quảng cáo và các hình thức quảng cáo hiệu quả nhất, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội.
24. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (2012), Quyết định số 1108/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2012 về ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
25. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (2015), Quyết định số 41/2015/QĐ- UBND ngày 18 tháng 5 năm 2015 ban hành Quy định quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
26. Iu.A.Suliagin, V.V. Petro (2004), Nghề quảng cáo, Tâm Hằng dịch, Nxb Thông tấn.
27. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng (2017), Báo cáo thành tích 5 năm triển khai thực hiện Luật Quảng cáo.
28. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng (2020), Báo cáo kết quả giám sát hoạt động thông tin tuyên truyền.
29. Lê Hoàng Quân (1999), Nghiệp vụ quảng cáo và tiếp thị, Nxb Khoa học Kĩ thuật, Hà Nội. * Các trang website: 29. https://thegioibienquangcao.com/top-10-loai-hinh-quang-cao-pho-bien. 30. https://taximedia.com.vn/cac-loai-hinh-quang-cao-ngoai-troi. 31.https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Luat-Thuong-mai-2005-36-2005- QH11-2633.aspx.
Danh sách những người cung cấp thông tin thực hiện phỏng vấn sâu 1. Cơ quan quản lý nhà nước:
1.1. Ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng.
1.2. Ông Khuất Minh Ngọc - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng.
1.3. Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng.
2. Tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động quảng cáo:
2.1. Ông Mai Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty Thiết kế Quảng cáo Nghĩa AD, số 97 Hai Bà Trưng Đà Lạt, Lâm Đồng.
2.2. Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Nhân viên hành chính Công ty Thiết kế Quảng cáo Vẽ Lộc, số 40 Thống Nhất, Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng.
2.3. Bà Trần Thị Lệ Uyên - Giám đốc Công ty Cổ Phần Thương Mại Quảng cáo Nguyễn Trần, số 23/8 Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
3. Nhân dân và du khách:
3.1. Bà Trần Thị Lan, Tổ trưởng Tổ dân phố 5, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.