II. PHẦN NỘI DUNG
2.3.1. Kết quả đạt được, nguyên nhân
Về cơ bản chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển đảo huyện Vân Đồn được thực thi bài bản, theo đúng quy trình từ khâu xây dựng kế hoạch, phổ biến tuyên truyền chính sách, phân công phối hợp thực hiện, đôn đốc giám sát, đến kiểm tra, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm; các chủ thể thực thi chính sách thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; chính sách được xây dựng và thực thi kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư trên địa bàn đồng thời thu hút thêm các doanh nghiệp tiềm năng đến địa bàn thực hiện hoạt động đầu tư
- Kết quả đạt được
Chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển đảo đã thực sự là một “cú huých” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Chính sách đã góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của một vùng huyện đảo hoang sơ trước kia thành một khu kinh tế với tốc độ phát triển nhanh chóng và bền vững. Hệ thống các cơ sở hạ tầng sân bay, đường cao tốc, cầu cảng…được đầu tư xây dựng với quy mô bài bản làm tiền đề cho thu hút đầu tư, các dự án du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản sang trọng và đẳng cấp đang dần hình thành ở Vân Đồn.
Với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", trên cơ sở kiên trì, quyết liệt thực hiện cơ cấu đầu tư công có hiệu quả. Tỉ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách của Quảng Ninh năm 2015 là 52,6%; năm 2016 là 64,96%; năm 2017 là 66,7%; năm 2018 là 66,6%. Từ năm 2013, Quảng Ninh đã đột phá, tiên phong triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với 44 dự án có tổng số vốn 44.495 tỉ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia chiếm 10% (chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng).
Giai đoạn 2016 - 2018, tiếp tục kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được, đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nhất là đường cao tốc, sân bay, cảng tàu khách quốc tế; hạ tầng du lịch... gắn với các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vin Group, FLC...Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2018 đạt 183.654 tỉ đồng, dự kiến giai đoạn 2016-2020 ước đạt 340.850 tỉ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Sau hơn 10 năm thực thi chính sách, Khu Kinh tế Vân Đồn đã đạt được những kết quả nhất định: Tính từ năm 2012 đến hết năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã huy động, thu hút trên 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển Vân Đồn. (1) Dự án Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; (2) Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; (3) Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái;
(4) Dự án Tuyến đường trục chính từ cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn,...). Trong số đó, đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước là 17.300 tỷ đồng, chiếm 30% tổng vốn đầu tư (gồm: Ngân sách Trung ương 2.050 tỷ đồng, chiếm 3,6%, ngân sách địa phương 15.250 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư); đầu tư từ nguồn vốn
ngoài ngân sách là 40.300 tỷ đồng, chiếm 70% (chủ yếu bằng hình thức hợp tác công - tư (đầu tư PPP) [3]
Việc đầu tư chủ yếu tập trung cho các công trình hạ tầng kỹ thuật động lực như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3,6km, công suất 2,5 triệu lượt khách/năm, tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, khánh thành vào ngày 30 tháng 12 năm 2018, đến nay đã đón hơn 2,2 vạn lượt khách; dự án tuyến đường trục chính từ cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn dài 15km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng, đã hoàn thành các tuyến đường nội khu, tuyến đường trục chính nối từ đường 334 đến cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dài 7km, tổng mức đầu tư 687 tỷ đồng; tuyến đường từ khu tái định cư xã Vạn Yên đến khu công viên phức hợp phía đông Đảo Cái Bầu dài 8,7km, tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng. Cảng nước sâu Hòn Nét - Con Ong (cảng du lịch và hàng hóa tổng hợp) đang được các nhà đầu tư nghiên cứu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác đã được đầu tư đồng bộ trong giai đoạn này như: Hoàn thành hệ thống cấp điện ra các xã đảo của huyện Vân Đồn; triển khai đầu tư nguồn cung cấp nước và hệ thống xử lý nước sạch (dự án Hồ chứa nước Đồng Dọng, hệ thống xử lý và cấp nước từ hồ Khe Mai); đầu tư các công trình viễn thông, thông tin liên lạc đáp ứng nhu cầu phát triển của Vân Đồn. Từ việc đầu tư có tính chất chiến lược nêu trên, với sức hấp dẫn đặc biệt về địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên phong phú, khác biệt..., tính đến nay, trên địa bàn Vân Đồn đã có 54 dự án ngoài vốn ngân sách còn hiệu lực (vốn đăng ký đầu tư 14,39 triệu USD và 23.726,6 tỷ đồng) [26].
Nhiều nhà đầu tư chiến lược của Việt Nam đã có mặt và triển khai các dự án lớn tại Vân Đồn như Tập đoàn Sungroup đã đầu tư các dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, dự án cao tốc Hạ Long-Vân Đồn; Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn I; dự án khu dịch vụ phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp có casino tại KKT Vân Đồn... Tổng vốn đăng ký của các dự án khoảng 72.000 tỷ đồng; Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas; dự án Khu Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO; quần thể dự án sân Golf, khách sạn 5 sao, khu nghĩ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên do CTCP Đầu tư xây dựng Hải Đăng đầu tư; Dự án Khu đô thị Ao Tiên...
Đến nay, tại Vân Đồn ngoài dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào khai thác, các dự án còn lại đang được các nhà đầu tư vào cuộc triển khai một cách tích cực. Tại dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (xã Hạ Long) của Tập đoàn CEO với quy mô 358,3ha tại xã Hạ Long (huyện Vân Đồn). Đây là khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các khách sạn quốc tế, phố thương mại, bến du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế, khu nghỉ dưỡng riêng tư trên đảo Sonasea Island Retreat…, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện công tác san nền, đầu tư xây dựng các hạng mục; trong đó đã hoàn thành 98% khối lượng thi công gần 200 căn shop house mang tên Singapore Shoptel, sẵn sàng bàn giao cho khách hàng từ cuối quý 4/2020. Theo chủ đầu tư, hiện các hạng mục đang được đẩy mạnh thi công. Cụ thể, đã hoàn thành 192 căn Singapore shoptel, thi công hạ tầng kỹ
thuật, bãi tắm dài 2km và đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 Singapore shoptel; hoàn thiện thủ tục đầu tư khách sạn 5 sao công suất 1.000 phòng với 3 thương hiệu Pullman, Novotel, IBis do Tập đoàn Accor quản lý...Dự kiến khi hoàn tất thủ tục đầu tư, Tập đoàn CEO tiếp tục triển khai đầu tư khách sạn 1.000 phòng, với tiêu chuẩn quốc tế 5 sao ở khu vực liền kề, tạo nên sự kết nối đồng bộ, với đầy đủ các dịch vụ tiện nghi đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách nội địa và quốc tế. Sonasea Vân Đồn mang đến không gian lưu trú cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo nền tảng cho du lịch Vân Đồn cất cánh.
Cùng với Tập đoàn CEO, FLC cũng có nhiều kế hoạch rót vốn vào Vân Đồn. Điển hình là Khu dịch vụ và nghỉ dưỡng khu vực đảo Ngọc Vừng, bến tàu Cái Rồng, Khu công nghiệp y dược công nghệ cao. Phương án mà FLC đưa ra, gồm các hạng mục: khu nghỉ dưỡng resort, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế, casino, sân golf, vườn thú safari, bảo tàng, khu làng nông nghiệp cộng đồng, thư viện… Tổng mức đầu tư dự án (bao gồm 2 khu tại đảo Ngọc Vừng và đảo Vạn Cảnh) dự kiến khoảng 2 tỷ USD trên tổng diện tích 4.000ha.
Sun Group cũng đang đầu tư thực hiện dự án sinh thái thương mại quy mô lớn là Premier Villas Vân Đồn khoảng 2.000ha bao gồm các sản phẩm căn hộ, khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự, khách sạn… Tổng vốn đầu tư vào 42.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải cũng đang tập trung đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải tại xã Quan Lạn. Hiện đã có 37 căn villa theo tiêu chuẩn quốc tế được đầu tư xây dựng, với khối lượng hoàn thành đạt khoảng 85%, dự kiến sẽ đưa vào khai thác, đón khách du lịch trong cuối tháng 9/2021.
Giữa năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND huyện Vân Đồn xem xét đề nghị của Vincom Retail trong việc nghiên cứu quy hoạch và đầu tư dự án trung tâm thương mại và nhà ở thấp tầng tại thị trấn Cái Rồng...
Ngoài ra, HD Mon cũng đầu tư 1 tỷ USD vào Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, sân gôn và khu dân cư Mon Bay Vân Đồn với quy mô gần 300ha.
Với "đầu tàu" là các nhà đầu tư lớn, thị trường bất động sản Vân Đồn được đánh giá là đã sẵn sàng để bùng nổ hơn nữa trong tương lai.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đang tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án: Khu công nghiệp Y-Dược công nghệ cao; Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas; du lịch sinh thái tại xã đảo Ngọc Vừng; Khu dân cư đô thị Ocean Park; Quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Ao Tiên…
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã và đang tập trung chuẩn bị cơ sở hạ tầng thiết yếu cho Vân Đồn nhằm phát huy và khai thác tốt nhất tiềm năng du lịch to lớn, đặc sắc của Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Từ đó cũng tạo động lực để phát triển, đồng thời chủ động khai thác lợi thế trong hợp tác phát triển dọc vành đai kinh tế ven biển Việt Nam - Trung Quốc. Vừa chủ động tìm, mời gọi nhà đầu tư đủ năng lực để có thể làm sân bay và khu du lịch phức hợp có casino trong cùng một lúc, tỉnh vừa
tự bỏ ngân sách thực hiện giải phóng mặt bằng làm cơ sở hạ tầng. Hàng loạt dự án, công trình trọng điểm như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,2km... đã được triển khai trong năm 2019 [27].
Ngày 17 tháng 02 năm 2020 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 226/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 càng khiến khu vực này thêm đáng chú ý. Cụ thể, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên phạm vi nghiên cứu toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Vân Đồn, Quảng Ninh với 2.171.33km2. Trong đó, diện tích tự nhiên là 581,83km2, diện tích vùng biển là 1.589.5km2. Được quy hoạch kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp. Là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế…Với thông tin quy hoạch này, triển vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn về trung và dài hạn được đánh giá là tương đối tốt so với nhiều khu vực khác. Nhiều dự án được rót vốn hàng ngàn tỷ đồng, hứa hẹn sẽ mang đến cho thị trường bất động sản nơi đây nhiều nguồn sản phẩm đa dạng và chất lượng.
Trong thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đồng thời phát huy các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Trung ương, thí điểm thành lập một số tổ chức theo đặc thù của tỉnh. Những tổ chức này sau khi thành lập đã phát huy hiệu quả, có đóng góp rất tích cực cho sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của tỉnh cũng như huyện đảo Vân Đồn: Ban Xây dựng nông thôn mới, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Trung tâm Hành chính công, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm y tế tuyến huyện,..; đặc biệt là cơ quan Tổ chức - Nội vụ, cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp huyện, Ban quản lý dự án Các đơn vị này đã được Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ đạo triển khai rộng trên toàn quốc, được thể chế hóa và quy định cụ thể về mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ tại các Nghị Quyết của Trung ương Đảng, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành.
Quảng Ninh đã nâng cao năng lực, vai trò, tránh nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị và tiếp tục tạo sự chuyển biến về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, tỉnh hỗ trợ, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả.
*Nguyên nhân của thành công * Nguyên nhân chủ quan
Để đạt được thành công, có được những kết quả trên là do những lợi thế sẵn có từ tự nhiên cùng với sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt của bộ máy lãnh đạo từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Cùng với đó là sự kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia, với giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội; tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại.
Cũng như những các tỉnh ven biển trên cả nước, Quảng Ninh đang xây dựng những chính sách có định hướng mạnh về biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế. Việc đặt huyện đảo Vân Đồn vào vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh đã được lãnh đạo tỉnh xác định là một hướng đi chiến lược, có tầm nhìn xa, vì huyện đảo Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế to lớn như:
Vân Đồn có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng, có lợi thế là vùng biển có cảng nước sâu rất thuận lợi trong việc phát triển giao thương quốc tế. Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần giao lưu nội địa của nước ta được vận chuyển bằng đường biển. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, trong một vài thập kỷ tới khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển huyện đảo Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới; vùng biển huyện đảo Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh sẽ trở thành cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới;