II. PHẦN NỘI DUNG
2.3.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
* Những hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực thi chính sách khiến chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển đảo từ thực tiễn huyện đảo Vân Đồn chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được hết những điều kiện, tiềm năng sẵn có của vùng đất này
Một là, quá trình xây dựng kế hoạch triển khai thực thi chính sách chưa kịp thời
Muốn phát triển toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả bền vững, phải làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, quy hoạch bảo đảm cho sự phát triển một cách chủ động. Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, huyện đảo Vân Đồn đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi mô hình và phát triển thành “Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt (Đặc khu)”. Chủ trương này đã được đưa vào Hiến pháp nước XHXHCN Việt Nam và cũng đã được Quốc hội cụ thể hóa trong công tác xây dựng Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt và giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng. Tuy nhiên cho đến nay chủ trương này đang bị tạm dừng sau khi được đưa ra lấy ý kiến lần 1 tại kỳ họp quốc hội ngày 23 tháng 5 tháng 2018. Trong khi đó, trong khu vực và trên tế giới, mô hình này đã phát triển khá mạnh mẽ, với các điển hình ở Thâm Quyến (Trung Quốc), Dubai (UAE)…, góp phần thu hút hàng ngàn tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trở thành cực tăng trưởng, cực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.
Việt Nam đã tương đối “chậm chân” so với các quốc gia trong khu vực trong việc hình thành các đặc khu hành chính, kinh tế. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng trở nên gay gắt hơn, việc thành lập đặc khu, với thể chế, chính sách vượt trội, là cần thiết. Cần sớm xây dựng Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt để điều chỉnh hoạt động của đặc khu, trong đó cần xây dựng rõ kế hoạch, lộ trình, mô hình tổ chức, cũng như những chính sách ưu tiên, kế hoạch phát triển phù hợp. Điều này không chỉ có ý nghĩa với thu hút đầu tư, mà hơn hết là tạo nên các vùng kinh tế động lực để phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước.
Bên cạnh đó chúng ta vẫn còn ôm đồm về chính sách. Từ đó ảnh hưởng đến việc quy hoạch, xây dựng và phân công, phối hợp thực hiện chính sách. Một số chính sách được xây dựng chưa thực sự phù hợp với thực tiễn đời sống, VD: Các chính sách đối với đất đai tại khu kinh tế, giá đất đền bù thấp hơn nhiều so với giá đất hiện tại được các “cò đất” thu mua vì vậy quá trình thu hồi đất còn gặp rất nhiều khó khăn thậm chí kiện tụng kéo dài hoặc phải tổ chức cưỡng chế vì vậy nhà nước thu hồi đất
của dân cần đấu giá theo cơ chế thị trường và cho phép thế chấp đất để vay vốn ở các tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư cá nhân bất chấp rủi ro, lao vào buôn bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép, khiến cho thị trường rơi vào cơn “địa chấn” sốt đất ảo. Ở một số khu vực tại Vân Đồn, đã có thời điểm giá đất tăng từ 100 - 200% chỉ sau vài tháng, tuy bộ máy chính quyền đã có những biện pháp tạm thời ngăn chặn tình trạng trên nhưng về lâu dài cần xây dựng các quy định chặt chẽ nhằm hạn chế triệt để tình trạng này, tránh hiện tượng mua bán, giao dịch chui, dễ xảy ra tranh chấp, kiện tụng do cơ sở pháp lý không bảo đảm. Đó là chưa nói đến hậu quả làm thị trường đóng băng, khó hồi phục trong một thời gian dài, để lại hậu quả nặng nề;
Hai là, quá trình phân công, phối hợp thực thi chính sách chưa thực sự hợp lý, còn mạnh ai nấy làm
Hiện nay vẫn còn tình trạng phân tán, thậm chí khép kín, biệt lập giữa các ngành trong tỉnh, các địa phương, dù hầu như ngành nào cũng định hướng, quy hoạch, phác thảo chương trình, mô hình riêng của mình…, hiện rất cần một “đầu tàu” hay một trung tâm điều phối chung một cách tổng thể để phát huy năng lực, lợi thế của mỗi ngành, mỗi địa phương nhưng vẫn đảm bảo thống nhất có trọng tâm, trọng điểm. Rộng hơn, sự liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố có biển, đảo trong cả nước bằng những chương trình hành động cụ thể dựa trên từng lợi thế so sánh, trong tất cả các hướng chiến lược và kế hoạch của từng bước đi là việc tất yếu, là sự sống còn. Nhưng hiện nay các ngành, các địa phương, vẫn hành động cục bộ, khép kín, mạnh ai nấy làm, thậm chí chưa thật sự bắt tay nhau để cùng kết hợp tạo nên sức mạnh liên kết vùng đây cùng chính là một trong những lý do vì sao việc thực thi chính sách chưa thể thực sự thành công như mong đợi;
Ba là, việc kiểm tra, giám sát trực tiếp các hoạt động liên quan đến quy trình, cũng như nội dung thực thi chính sách chưa được triển khai một cách triệt để và toàn diện
Đây cũng là hạn chế trong quá trình triển khai thực thi chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển đảo tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Các hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình thực thi chính sách chủ yếu được triển khai thông qua các báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, các Sở, ngành có liên quan. Việc kiểm tra giám sát như thế thường vừa chậm, vừa không phản ánh hết tình hình thực tế, dẫn đến không có được sự chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời. Chính vì vậy mà kết quả thực thi chính sách chưa đạt được những kết quả mong muốn;
Bốn là, trong những năm gần đây tuy đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tuy nhiên nhìn chung việc thực hiện các thủ tục này còn gặp nhiều khó khăn, mất thời gian, nhất là trong việc thẩm định các quy trình hạng mục đầu tư hoặc các thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng. Cá biệt, xuất hiện hiện tượng tham nhũng, vòi vĩnh từ các cán bộ trực tiếp làm công tác thực thi chính sách nhất là đối với các doanh nghiệp khi đến thực hiện các thủ tục đầu tư, đây cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp e ngại khi quyết định đầu tư, vì vậy cần mạnh dạn áp dụng
các biện pháp thủ tục hành chính điện tử một cửa nhằm điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp;
Năm là, các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Vân Đồn dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước vì hầu hết tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó các doanh nghiệp nước ngoài thường được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế, đất…tốt hơn các doanh nghiệp trong nước vì thế cũng gây ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; Bên cạnh đó trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư để giao đất một số doanh nghiệp do ko đủ năng lực thực hiện dẫn đến các thủ tục đã xong nhưng không thể khởi công dự án gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, chậm tiến độ xây dựng;
Sáu là, mô hình đối tác công tư (PPP) là một mô hình mới ở nước ta nên hiện nay chưa có định hướng, chiến lược dài hạn, thống nhất rõ ràng để thực hiện các dự án theo mô hình này, sự chồng chéo giữa các Luật và thiếu quy định rõ ràng về cơ chế hỗ trợ của nhà nước đối với dự án PPP cũng là yếu tố cản trở sự phát triển.
Hạn chế về năng lực của các bên tham gia khi triển khai thực hiện các dự án PPP
+ Phía Nhà nước: do mô hình PPP còn mới mẻ với một số ngành, một số lĩnh vực, kiến thức và kinh nghiệm của cán bộ thực thi còn hạn chế
+ Phía nhà đầu tư: trong xu thế tái đầu tư công dịch chuyển dần từ đầu tư hạ tầng bằng 100% vốn nhà nước sang huy động nguồn lực từ nhân tham gia, kinh nghiệm đầu tư, quản lý vận hành, năng lực kỹ thuật, tài chính của nhiều nhà đầu tư còn hạn chế
+ Bên cho vay chủ yếu sử dụng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn để cho vay đầu tư lâu dài nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng;
Bảy là, cơ cấu, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của việc chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển đảo Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh. Các dự án được hình thành dẫn đến hiện tượng người dân bị thu mua đất, nhất là tại những vùng người dân trước kia sống bằng nông nghiệp nay bị thu hồi đất, không còn nghề nghiệp ổn định, lâu dài nhưng lại có nhiều tiền. Người dân quanh năm nghèo khó bỗng chốc có trong tay số tiền lớn dễ dẫn đến một số hiện tượng tiêu cực như đua đòi, tha hóa về đạo đức, dẫn đến các tệ nạn xã hội bùng phát vì vậy rất cần những chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân bản địa sau khi bị thu hồi đất sản xuất; Thực tế cho thấy, chúng ta đang thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn trong những ngành mũi nhọn nhưng mới lạ như: công nghiệp, khai thác dầu khí trên biển, công nghệ lọc hóa dầu, kinh tế hải đảo, thông tin liên lạc biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, logistics…, trong khi quy mô đào tạo, các ngành nghề liên quan tới lĩnh vực này còn rất hạn chế. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là tập trung rà soát, dự báo dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực; tổ chức đào tạo những ngành mới có nhu cầu cao trên cơ sở cân đối tỷ lệ đào tạo theo bậc và ngành nghề; đa dạng hóa phương thức và quy mô đào tạo,…Đây phải là công việc cần sự chung tay của chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp, các
tổ chức nghề nghiệp… trong một cơ chế thống nhất, theo phương châm xã hội hóa mạnh mẽ, phát huy tính chủ động ngay từ cơ sở;
Tám là, vấn đề an sinh xã hội và môi trường biển đảo. Đây là vấn đề cần được
đặt ở vị trí ngang tầm vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu và động lực đối với lộ trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tuy nhiên hiện nay vấn đề này chưa thực sự được coi trọng. Vân Đồn là một vùng đất có bề dày lịch sử, trước đây đời sống của nhân dân chủ yếu là “bám biển, bám đất”, tuy nhiên khi chính sách được xây dựng chỉ chú trọng đến vấn đề phát triển và khai thác các tiềm năng mà chưa thực sự có sự nghiên cứu sâu về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của người bản địa nơi đây, vì vậy, cần có những giải pháp để đảm bảo nâng cao chất lượng sống của người dân đồng thời tôn tạo văn hóa địa phương, bên cạnh đó vấn đề ô nhiễm nguồn nước, khí hậu, môi trường biển, xử lý rác thải do sự hình thành nhanh chóng của các ngành dịch vụ, kinh tế, khiến chúng ta phải có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về tác hại của vấn đề này đồng thời cần đưa ra giải pháp phòng ngừa và xây dựng quy hoạch, định hướng lâu dài nhằm giải quyết triệt để vấn đề;
* Nguyên nhân của những hạn chế tồn tại
Hiện nay các quy định của nhà nước về chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển đảo vẫn còn đang có sự bất hợp lý, một số bộ Luật, Nghị định hướng dẫn còn đang có sự chồng chéo mâu thuẫn, nhất là những dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài, bên cạnh đó do chưa xác định được mô hình nên chúng ta vẫn đang ôm đồm quá nhiều các chính sách mà chưa có sự chọn lọc cho phù hợp với những lợi thế vượt trội của huyện đảo Vân Đồn. Thực tế triển khai cho thấy, một số nội dung thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển đảo huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh chưa thực sự phù hợp, việc thực hiện còn gặp nhiều có khăn. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công quy định “thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm đến ngày 31 tháng 01 năm sau. Trong trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau” [13]. Thực tế cho thấy hầu hết các công trình đang được đầu tư xây dựng tại Vân Đồn là những công trình mang quy mô lớn, với thời gian thi công kéo dài, nhiều công trình chỉ tính riêng việc trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các tiêu chuẩn, hạng mục thi công đã mất 3-6 tháng, cá biệt có những dự án mất cả năm do tính chất phức tạp cần thẩm định chi tiết từng hạng mục qua từng giai đoạn, vì vậy có những dự án vừa được cấp vốn chưa kịp triển khai đã đến thời hạn giải ngân. Hoặc do các yếu tố khó khăn khách quan tác động, chúng ta có thể nhận thấy rõ nhất trong năm vừa qua dịch bệnh Covid - 19 làm ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực trong đó có việc triển khai các dự án tại Vân Đồn, tiến độ lao động buộc bị chậm lại do lệnh giãn cách xã hội đồng thời cũng làm chậm quá trình giải ngân vốn vì vậy rất cần các chính sách, quy định của pháp luật khi xây dựng, ban hành, sửa đổi cần xem xét, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và thực thi chính sách cũng như người dân chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của chính sách thu hút đầu tư phát triển
kinh tế biển đảo từ thực tiễn huyện đảo Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh, dẫn đến tình trạng xuất hiện các chính sách không hợp lý với thực tiễn đời sống, vấp phải sự phản đối của người dân. Bên cạnh đó, một số đối tượng thụ hưởng chính sách là các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn cũng chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu các quy định pháp luật về chính sách, chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa bố trí cán bộ phụ trách, trình độ hiểu biết còn nhiều hạn chế, do đó làm hạn chế khả năng cạnh tranh cũng như tìm kiếm các đối tác kinh doanh có tiềm năng.
Chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển đảo tại huyện đảo Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh là chính sách lần đầu tiên đưa vào áp dụng ở huyện đảo Vân Đồn. Điều này khiến cho việc triển khai thực thi chính sách còn chưa có sự thống nhất, đồng bộ, gây ra sự lúng túng trong quá trình thực hiện. Năng lực thực thi chính sách của các cán bộ chính quyền còn yếu kém, nguồn lực của một số doanh nghiệp còn chưa đủ tiềm năng tương xứng với các dự án dẫn đến hiện tượng chậm tiến độ mặc dù đã được tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi
Nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong những ngành mũi nhọn mới như: Vận tải biển, khai thác dầu khí, công nghệ lọc hóa dầu, logistics …vẫn rất thiếu ở Vân Đồn, bên cạnh đó cũng chưa có những chính sách vượt trội để thu thu hút nguồn nhân lực một cách thỏa đáng cũng là một trong những