9. KẾT CẤU LUẬN VĂN NGHIÊN CỨU
1.1.6. Rủi ro tín dụng ngân hàng
1.1.6.1. Khái niệm về rủi ro tín dụng
Có nhiều quan điểm khác nhau về rủi ro đối với các ngân hàng thương mại, có thể hiểu rủi ro là một biến cố không mong đợi gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Rủi ro tín dụng là những rủi ro do khách hàng vay không thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, với biểu hiện cụ thể như khách hàng chậm trả nợ, trả nợ không đầy đủ hoặc không trả nợ khi đến hạn, gây ra những tổn thất về tài chính và khó khăn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.
Rủi ro tín dụng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngân hàng. Nếu món vay của Ngân hàng bị thất thoát, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng thương mại. Khi rủi ro tín dụng phát sinh, ngân hàng thương mại không thực hiện được kế hoạch đầu tư cũng như kế hoạch thanh toán các khoản tiền gửi đến hạn. Rủi ro tín dụng lớn sẽ dẫn đến khó khăn trong việc huy động vốn và phát triển các sản phẩm dịch vụ, khó mở rộng quan hệ với các khách hàng và các ngân hàng khác, buộc ngân hàng phải thu hẹp hoạt động, tất cả thể hiện ở lợi nhuận giảm, ngân hàng phải sử dụng vốn tự có để bù đắp sự giảm sút đó, uy tín của ngân hàng giảm sút dẫn đến tình trạng khó khăn, phá sản (Nguyễn Đăng Dờn, 2014).
1.1.6.2. Các loại rủi ro thường gặp trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại
Hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường có nhiều rủi ro nhất, rủi ro có trong bất kỳ nghiệp vụ nào và với mức độ khác nhau. Để việc kinh doanh có hiệu quả các ngân hàng thương mại phải nắm vững các loại rủi ro, các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu mức thấp nhất những tổn thất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại hiện nay. Rủi ro chủ yếu thường xảy ra khi vi phạm bản chất tín dụng gây bất lợi cho ngân hàng, trong kinh doanh ngân hàng thương mại thường gặp rủi ro (Nguyễn Đăng Dờn, 2014):
- Rủi ro thanh khoản: Là rủi ro thiếu khả năng chi trả của ngân hàng, xảy ra khi ngân hàng không đáp ứng được các nhu cầu thanh toán cho khách hàng.
- Rủi ro lãi suất: Là hiện tượng thay đổi lãi của thị trường dẫn đến làm mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động của ngân hàng. Trong cơ chế thị trường lãi suất luôn biến động, rủi ro lãi suất ngân hàng phải gánh chịu là sự biến động lớn về lãi suất làm thay đổi tiền lãi và ảnh hưởng đến thu nhập của ngân hàng.
- Rủi ro hối đoái: Rủi ro hối đoái xảy ra khi có sự thay đổi giá cả trong mối tương quan giữa ngoại tệ với nội tệ trong quá trình huy động cho vay và thu hồi nợ.
- Rủi ro tín dụng: Rủi ro tín dụng là rủi ro khi người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đã cam kết của mình với ngân hàng dẫn đến việc ngân hàng không thu đủ vốn gốc và lãi đúng hạn, gây tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Thuật ngữ rủi ro xuất hiện khá trễ ở nước ta vì: với hệ thống ngân hàng độc quyền trong cơ chế quản lý theo kế hoạch tập trung bao cấp nên rủi ro khó xảy ra, và nếu có, Nhà nước có thể sử dụng các biện pháp hành chính để ngăn chặn như: phát hành tiền, không cho doanh nghiệp hoặc xí nghiệp rút tiền ra khỏi ngân hàng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường hiện tượng mất khả năng thanh toán lúc đó rủi ro tín dụng bắt đầu phổ biến.
1.1.6.3. Các biểu hiện của rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng (RRTD) là rủi ro khách hàng vay không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ của mình theo những điều khoản đã cam kết với ngân hàng. RRTD gây ra những tổn thất mà Ngân hàng phải chịu do khách hàng vay không trả đúng hạn, không trả hoặc không trả đầy đủ vốn và lãi. Có rất nhiều hình thức gây ra rủi ro của ngân hàng như (Nguyễn Đăng Dờn, 2014):
Không thu được lãi đúng hạn: Cấp độ thấp nhất khi người vay không trả được lãi đúng hạn, khi đó Ngân hàng sẽ chuyển số lãi đó vào khoản mục lãi treo phát sinh. Hình thức rủi ro này được xếp vào mức rủi ro thấp, phần lớn đều xuất phát từ việc thiếu cân đối trong kỳ hạn thu nợ và trả nợ của khách hàng.
Không thu được vốn đúng hạn: Khi không thu được vốn đúng hạn thì tình hình dường như nghiêm trọng hơn, một phần do một lượng vốn vay lớn bị mất. Khi đó Ngân hàng sẽ chuyển số nợ đó sang mục nợ quá hạn phát sinh. Khoản mục này phát sinh vào các kỳ trả nợ theo cam kết hoặc thời điểm đáo hạn của hợp đồng tín dụng.
Tuy nhiên đấy chưa phải là khoản mất mát thực tế của Ngân hàng vì có thể tiến độ HĐKD của khách hàng bị chậm so với kế hoạch được đề ra trình Ngân hàng.
Không thu đủ lãi: Khi Ngân hàng không thu đủ lãi thì tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Tình hình kinh doanh của khách hàng có thể đã gặp khó khăn không hiệu quả trong việc sử dụng vốn. Lúc này Ngân hàng cần có những biện pháp hỗ trợ khách hàng như giảm lãi, tư vấn cho khách hàng hoặc có thể cung cấp hàng những khoản tín dụng cần thiết cho khách hàng nếu dự án đang đầu tư là khả thi.
Không thu đủ vốn vay: Khi Ngân hàng không thu đủ vốn cho vay tại thời điểm này, Ngân hàng sẽ chuyển khoản nợ vào mục nợ quá hạn, trong khả năng xấu nhất là không có khả năng thu hồi và xử lý TSĐB (trong trường hợp có tài sản thế chấp).