1.5.4.1. Tiềm năng chính trị và kinh tế
Các nguồn lực về kinh tế và chính trị của các bên liên quan ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách đối với NKT. Các nhóm quyền lực bị ảnh hưởng bởi các chính sách có thể ủng hộ hoặc không ủng hộ, do đó các cơ quan thực hiện chính sách đối với NKT cần tranh thủ sự ủng hộ hoặc nhượng bộ của các nhóm không ủng hộ. Một phần nữa, tiềm năng kinh tế của các đối tượng thụ hưởng và các bên đối tác quyết định mức độ tham gia của họ vào quá trình thực hiện chính sách. Trong trường hợp, vì lý do kinh tế mà đối tượng thụ hưởng không thể tiếp cận một hoặc số chương trình hoặc chính sách dành cho NKT thì xem như chính sách đó không thành công hoặc các bên đối tác không nhiệt tình tham gia vào quá trình tạo ra các đầu ra của việc thực hiện chính sách thì chính sách đó khó có thể đạt được mục tiêu đúng hạn.
1.5.4.2. Động cơ và lợi ích
Các nhóm tham gia vào việc thực thi chính sách, trong đó có việc thực hiện chính sách đối với NKT hay các chương trình, dự án có liên quan, dù là bên đối tác hay là đối tượng thụ hưởng đều cố gắng cải thiện mức độ phúc lợi của họ hoặc tối thiểu hóa những thiệt hại bằng việc khẳng định vai trò của mình trong quá trình thực hiện chính sách, nhằm tăng cường địa vị của mình trong xã hội. Để thực hiện chính sách đối với NKT, các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương và chính quyền địa phương các cấp cũng là các bên tham gia, mỗi cơ quan có những động cơ, lợi ích và truyền thông riêng. Vì vậy, họ có thể cản trở quá trình thực hiện chính sách hoặc định hướng kết quả của chính sách đối với NKT.
1.5.4.3. Sự ủng hộ của nhân dân
Trong xã hội dân chủ thì tiếng nói của người dân luôn được coi trọng. Đối với người dân, khi có sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và sự cần thiết của việc thực hiện chính sách đối với NKT là tốt, phù hợp với các chính sách an sinh xã hội, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội thì mới có sự đồng tình, ủng hộ cho sự hình thành và phát triển của lĩnh vực thực hiện chính đối với NKT, góp phần tạo điều kiện trong việc hoạch định và thực hiện chính sách đối với NKT. Mặt khác, chính sách đối với NKT là nhằm hướng tới phục vụ đối tượng yếu thế, nên chỉ khi nào NKT, gia
đình NKT, cộng đồng xã hội thấy được vị trí, vai trò và tác dụng đầy đủ của nó thì chính sách đối với NKT mới có điều kiện để đi vào thực tiễn đời sống xã hội.
Tiểu kết Chương 1
Chương 1 đã trình bày một cách tổng quan về NKT. Thông qua việc tìm hiểu các khái niệm liên quan ở phạm vi quốc tế và trong nước, tác giả đưa ra được nhận thức chung nhất về một số khái niệm về NKT, chính sách đối với NKT... Bên cạnh đó, tác giả đã nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của thực hiện chính sách đối với NKT. Đó là thực hiện chính sách đối với NKT nhằm biến ý định của chủ thể chính sách thành hiện thực; tổ chức thực hiện chính sách đối với NKT nhằm từng bước hiện thực các mục tiêu của chính sách và mục tiêu chung; tổ chức thực hiện chính sách đối với NKT nhằm khẳng định tính đúng sai của chính sách; qua thực hiện thực hiện chính sách đối với NKT giúp cho chính sách ngày càng hoàn chỉnh. Đồng thời chương này cũng khái quát chung về nội dung các bước trong tổ chức thực hiện chính sách đối với NKT: xây dựng kế hoạch; phổ biến tuyên truyền chính sách; phân công, phối hợp; duy trì chính sách; điều chỉnh chính sách; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chính sách và tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chính sách đối với NKT. Qua đó, đã xác định rõ những yêu cầu cơ bản trong tổ chức thực hiện chính sách đối với NKT, và xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện. Như vậy, qua hệ thống cơ sở lý luận ở chương 1 sẽ định hướng cho việc nghiên cứu thực trạng thực hiện chính sách đối với NKT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được thể hiện ở chương 2.