Về chính sách dạy nghề, tạo việc làm: đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn việc làm cho NKT qua đào tạo, bồi dưỡng còn quá ít so với nhu cầu thực tế của xã hội; việc tư vấn học nghề, việc làm theo khả năng của NKT chủ yếu được thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa có trung tâm đào tạo nghề, dạy nghề dành riêng cho NKT, vì vậy việc dạy nghề và tạo việc làm đều được thực hiện ở hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT hoặc tổ chức của NKT.
Về hỗ trợ NKT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch: chỉ mở được các lớp tập huấn sáng tác hội họa, âm nhạc ngắn ngày cho NKT; địa phương đã đầu tư phát triển một số môn thể thao dành cho NKT tập luyện, thi đấu nhưng thực tế có rất ít NKT được tạo điều kiện, hỗ trợ để tham gia thi đấu.
Về việc tiếp cận và tham gia giao thông: chưa có các nghiên cứu xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng đảm bảo các điều kiện để NKT tham gia; chưa xây dựng các chương trình, tài liệu và tập huấn cho lái xe phục vụ hành khách là NKT. Địa phương mới chỉ thực hiện việc hỗ trợ miễn phí vé xe cho NKT nặng và đặc biệt nặng khi tham gia các tuyến xe buýt trên địa bàn nội tỉnh, mà loại phương tiện này chủ yếu ở 2 thành phố, một số thị trấn thuộc huyện, chưa được sử dụng rộng rãi ở tất cả các tuyến đường, do đó các vùng nông thôn ít được sử dụng và tiếp cận.
Về tiếp cận các công trình công cộng: hiện nay, một số trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; các công trình cộng cộng bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT nhưng chủ yếu tập trung ở các công trình có vốn ngân sách nhà nước và xây mới. Vì vậy đối với những công trình cũ, không phải các công trình được đầu tư từ ngân sách nhà nước, việc tiếp cận đi lại đối với NKT là không đạt do đó tỷ lệ tiếp cận các công trình công cộng không đạt theo mục tiêu đề ra.
Về tiếp cận thông tin truyền thông: chưa đảm bảo cung cấp các công cụ tiện ích hỗ trợ NKT tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông và cung cấp các thiết bị
thông tin-viễn thông phù hợp với từng dạng khuyết tật.
Tiểu kết chương 2
Chương 2 đã phản ánh một cách cụ thể về thực trạng thực hiện chính sách đối với NKT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đồng thời làm sáng tỏ những lý thuyết, cách tiếp cận và những lý luận chung về thực hiện chính sách đối với NKT ở chương 1. Chương 2 cũng đã khái quát bức tranh tổng thể về chính sách đối với NKT và những hoạt động TGXH. Những chương trình kế hoạch trợ giúp NKT đang triển khai trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực và theo chiều hướng chuyên nghiệp hơn. Đó chính là sự nỗ lực, cố gắng và sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là sự tự thân vượt qua hoàn cảnh và vươn lên hòa nhập cộng đồng của chính NKT và gia đình của NKT.
Với thực trạng thực hiện chính sách đối với NKT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như phân tích trên có thể thấy rằng NKT và gia đình của NKT nói riêng và cộng đồng nói chung đã cơ bản được tiếp cận các quyền của mình theo Công ước Quốc tế về NKT và theo Luật NKT Việt Nam như: quyền được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe; phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề; việc làm; trợ giúp pháp lý; tiếp cận công trình giao thông; công nghệ thông tin; dịch vụ văn hóa, thể thao; hòa nhập cộng đồng…Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, khó khăn và hạn chế, việc thực hiện chính sách đối với NKT hiện chưa đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của tất cả đối tượng NKT, gia đình NKT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; vẫn còn những trường hợp chưa được tiếp cận với mạng lưới dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, việc làm, hỗ trợ xã hội…
Trước những hạn chế, bất cập từ thực trạng thực hiện chính sách đối với NKT tật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp kịp thời, phù hợp và đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đối với NKT để thực hiện được các mục tiêu của chính sách; bên cạnh đó là sự cộng hưởng và vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị ở địa phương, đẩy mạnh việc huy động tối đa nguồn lực với việc lồng ghép các chính sách, chương trình khác nhằm chung tay giúp đỡ NKT, gia đình NKT vươn lên hòa nhập với cộng đồng.