Sinh ra từ một đất nước mà cái Đẹp luôn luôn là mục tiêu con người hướng đến, Kawabata, hơn ai hết, được cả thế giới biết đến như một lữ nhân muôn đời đi tìm cái
Đẹp. Mishima Yukio gọi Kawabata là Eien – no - Tabibito: Vĩnh Viễn Lữ Nhân -
Người lữ khách muôn đời đi tìm cái Đẹp để minh chứng cho hành trình không ngừng nghỉ của Kawabata trong việc tìm kiếm và cứu rỗi. Hành trình mải miết đó không chỉ được thể hiện trong những cuốn tiểu thuyết hàng trăm trang đã làm nên vinh dự cho nhà văn, mà cái Đẹp còn hiển hiện nơi những tác phẩm nhỏ gọn trong lòng bàn tay với mức độ đậm đặc không kém. Có thể nói: Truyện trong lòng bàn tay chính là một hành trình không mệt mỏi của người lữ khách Kawabata trong cuộc truy tầm cái Đẹp.
2.1 Người lữ khách - hình tượng xuyên suốt truyện trong lòng bàn tay của Kawabata Kawabata
Theo các nhà nghiên cứu, mỗi tác giả thường có một nhân vật trung tâm thể hiện rất rõ phong cách nhà văn, có thể từ đó liên hệ tới những khía cạnh đời tư của người tạo ra nó. Với Kawabata, nhân vật người lữ khách là hình tượng xuyên suốt trong các sáng tác để thể hiện hành trình đi tìm cái đẹp của nhà văn.
“Trong mỗi một nhân vật đều có một phần tâm hồn của nghệ sĩ đã tạo ra nó. Không thể bịa ra nhân vật một cách đơn giản, nhà văn cần phải “đi vào nhân vật”, cần phải hiến cho nó một phần tâm hồn và trái tim mình” [36, 113]. Trên những trang văn nhỏ gọn, chúng tôi nhận thấy, người lữ khách trong truyện trong lòng bàn tay có khi là hóa thân của tác giả, có khi là nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”, có khi là một nhân vật nào đó trong truyện… với đặc điểm chung là khát khao truy tầm cái Đẹp.