Yếu tố huyền ảo luôn có mặt trong những sáng tác nghệ thuật của nhân loại, từ
thuở hồng hoang cho đến thời hiện đại, dưới những dạng khác nhau. Trong lĩnh vực văn chương, khi bàn về mảng văn học mang tính chất siêu nhiên, thần bí, không thể lý giải bằng tư duy logic thông thường, người ta hay dùng khái niệm huyền ảo (magic) để định danh cho nó.
Theo Từ điển tiếng Việt, huyền ảo là mộttính từ dùng để chỉ vẻđẹp kì lạ và bí ẩn, vừa như thực vừa như hư, tạo sức cuốn hút mạnh mẽ. Trong văn học, yếu tố huyền ảo chính là những điều lạ lùng, huyền bí, vừa chân thực lại vừa huyễn hoặc; được tạo ra do sự xâm nhập, chuyển hóa lẫn nhau giữa hai yếu tố bình thường và phi thường, là sự
xâm nhập của cái siêu nhiên vào thế giới thực tế; là sự xâm lấn của yếu tố phi logic vào thế giới logic; với đặc trưng là sự tưởng tượng, hư cấu - có sức lay động hứng thú thẩm mỹ của người đọc. Do vậy, việc sử dụng yếu tố huyền ảo trở thành một lăng kính soi chiếu cho con người, cuộc đời và trong sáng tác chính nó là một phương tiện hữu hiệu
để nhà văn khám phá thế giới đồng thời thể hiện tư tưởng thẩm mỹ.
Yếu tố huyền ảo không tự nhiên xuất hiện mà có nguồn gốc từ những tiền đề như
cơ sở tư duy nghệ thuật, cơ sở tâm lý của con người và cơ sở xã hội nhất định. Dù điểm xuất phát của tư duy nghệ thuật là lí tính nhưng trong tư duy nghệ thuật còn bao hàm những yếu tố phi lý tính của sự tưởng tượng - sự phi logic và chính yếu tố này đã tạo ra
được cái phi thường, cái huyền ảo mà chúng ta đang nói. Yếu tố huyền ảo trong văn học còn được khơi nguồn từ chính thế giới nội tâm bí ẩn của con người. Nó gắn chặt với tâm lý vừa lo sợ lại vừa tò mò của chúng ta về những gì không thể lý giải được
hoặc không được phép lý giải trong thế giới mà chúng ta đang tồn tại. Mặt khác, xã hội càng tiến tới văn minh thì văn học huyền ảo lại càng phát triển mạnh mẽ. Bởi vì, chính xã hội văn minh với những trang thiết bị khoa học hiện đại đã dẫn đến tình trạng con người bị đồ vật hóa, máy móc hóa và thiếu những tình cảm vốn có của mình. Con người có nhu cầu bổ khuyết sự thiếu hụt đó bằng trí tưởng tượng.
Cái huyền ảo (magical) trong văn học không phải là điều mới lạ, nó đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử văn học nhân loại khi con người biết sáng tác văn chương mà thần thoại chính là minh chứng thiết thực nhất.
Các nhân vật chính trong tác phẩm văn học huyền ảo cổ đại thường là thần linh, ma quỷ… với các đặc tính, năng lực siêu nhiên. Có những cái tên gắn liền hiện tượng tự nhiên mà bấy giờ con người không thể giải thích được như: thần Mưa, thần Sấm, thần Gió… Và như vậy, cái huyền ảo gắn liền với niềm tin chất phác, ngây thơ tuyệt
đối của con người vào các thế lực đó, đồng thời, thể hiện nhu cầu, khát vọng nhận thức, cải tạo, chinh phục thế giới ở mức độ sơ khai, đơn giản.
Đến thời kỳ hiện đại, văn học có yếu tố huyền ảo lại có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Văn học huyền ảo hiện đại chính thức được biết đến vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX ở phương Tây hoàn toàn khác với hai giai đoạn văn học kỳảo trước đó. Ra đời trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản đang đi tới đỉnh cao phát triển, gắn liền với sự văn minh, tiến bộ của xã hội, văn học huyền ảo giai đoạn này thể
hiện tâm lý khủng hoảng, lo sợ của con người trước những sự biến đổi của thế giới và của chính bản thân mình. Những tác phẩm của văn học huyền ảo hiện đại bắt đầu đi sâu vào môi trường thành thị, mang trong mình nó không khí của cuộc sống văn minh công nghiệp và thế giới nội tâm con người hiện đại. Các nhân vật thần linh, ma quỷ…
đã biến mất trong truyện huyền ảo hiện đại.
Chúng ta thấy rằng: nếu như ở thời kỳ đầu, văn học huyền ảo gắn liền liền với những ma quỷ, thần thánh, trên thiên đường, dưới địa ngục… thuộc “thế giới bên kia” với các năng lực, đặc tính siêu nhiên của chúng, thì trong các giai đoạn sau là những
con người, những sự kiện trên thế gian này nhưng đã được kỳ ảo hóa bằng trí tưởng tượng của nhà văn, theo đó, nó đã trở thành biểu hiện của một trình độ nhất định trong tư duy nghệ thuật. Sự phát triển đó là một dòng chảy không ngừng nghỉ từ quá khứđến hiện tại. Hạt nhân trung tâm của văn chương huyền ảo thường nằm ở sự nhập nhằng, pha trộn giữa sự thực và sự không thực, giữa kinh nghiệm lý tính và trực cảm tâm linh. Trong văn học, khi yếu tố huyền ảo được các nhà văn sử dụng như một phương thức để xây dựng nhân vật và cốt truyện, tạo dựng chi tiết và hình ảnh, đồng thời để
tiếp cận với hiện thực mới của con người thời đại thì khi ấy yếu tố huyền ảo đã trở
thành một thủ pháp nghệ thuật – thủ pháp huyền ảo.