Trong công trình Dẫn luận nghiên cứu văn học, Poxpelop định nghĩa về cốt truyện như sau:
Các tác phẩm tự sự và kịch miêu tả các sự kiện, hành động trong đời sống nhân vật diễn ra trong không gian và thời gian. Phương diện này của sáng tác nghệ thuật (tiến trình sự kiện thường hình thành từ các hành vi của nhân vật, tức là sự vận động không – thời gian của cái được miêu tả) được gọi bằng thuật ngữ “cốt truyện”.
Cách hiểu cốt truyện như là tiến trình của các sự kiện như trên đã có một truyền thống lâu đời trong giới nghiên cứu văn học Nga (hình thành ở thế kỉ XIX). Theo đó,
các cốt truyện được hình thành chủ yếu là nhờ các hành động của nhân vật. Hành động là sự thể hiện các xúc cảm, ý nghĩa của con người vào các hành động, vận động, các lời nói được phát ra vào cử chỉ, nét mặt.
Văn học đã biết đến các kiểu hành động khác nhau và Poxpelop cũng giới thuyết về hai loại hành động. Kiểu hành động được thể hiện ở các vận động bên ngoài (nhân vật có hành động dứt khoát tại các thời điểm bước ngoặt trong cuộc đời họ). Kiểu hành
động được chỉ ra ở những vận động bên trong (trong tiến trình sự kiện, cái bị thay đổi không hẳn là tình trạng của nhân vật, mà chủ yếu là trạng thái tâm lý của chúng).
Chức năng quan trọng nhất của cốt truyện là bộc lộ các mâu thuẫn đời sống, tức là các xung đột.
Các cốt truyện tạo ra một trường hành động cho các nhân vật và do đó cho phép tác giả bộc lộ và lý giải tính cách chúng. Nhờ cốt truyện mà nhà văn thường tái hiện sự hình thành của các nhân vật.
Trong các cốt truyện thường vạch ra rất rõ các giai đoạn của hành động và mối xung đột làm cơ sở cho nó. Các giai đoạn ấy được gọi bằng các thuật ngữ quen thuộc: thắt nút, phát triển hành động (bao gồm các sự biến, cao trào và mở nút) và “đôi khi thắt nút, cao trào và mở nút đều không được biểu hiện rõ nét, hoặc là hoàn toàn vắng mặt.
Ngoài các mối quan hệ bên ngoài, có tính chất thời gian và nhân quả, giữa các
“sự kiện được miêu tả lại còn có các mối quan hệ bên trong, mang ý nghĩa và cảm xúc”. Về cơ bản, các liên hệ này tạo thành phạm vi kết cấu của cốt truyện.
Các cốt truyện được tạo ra một cách khác nhau. “Các sự kiện thường là “hư cấu” thuần túy của nhà văn – sản phẩm của trí tưởng tượng của tác giả. Đó là các tác phẩm đầy rẫy những tình tiết kì ảo… Đồng thời có cốt truyện cũng có các “nguyên mẫu” đời sống của nó được tái hiện một cách xác thực và đầy đặn” [56, 230 - 258].
UI.M.Lotman trong công trình Cấu trúc văn bản nghệ thuật cho rằng “cơ sở của khái niệm cốt truyện là quan niệm về các biến cố”, và dẫn ra ý kiến của Tômashevxki trong cuốn Lý luận văn học về cốt truyện: “Tổng hợp các biến cố có quan hệ với nhau và được thông báo trong tác phẩm gọi là câu chuyện (…). Câu chuyện đối lập với cốt truyện: cũng là chính các biến cố ấy nhưng trong sự diễn đạt chúng, trong cái trật tự mà chúng được thông báo trong tác phẩm, trong những quan hệ mà thông tin về chúng được thông báo trong tác phẩm”[40, 396]. Theo đó, biến cố được coi là đơn vị cực tiểu và bền vững của cấu trúc cốt truyện.
Nếu từ cách nhìn này xem xét các văn bản thì ta dễ dàng phân chúng thành hai nhóm: nhóm văn bản phi cốt truyện và nhóm văn bản có cốt truyện. Các văn bản phi cốt truyện có đặc điểm mang tính phân loại rất rõ ràng, chúng lập thành một thế giới và cơ cấu riêng. (…) Trước hết ở các văn bản đó có một thế giới riêng của mình. (…) Sự thiết lập của một trật tự nhất định trong tổ chức nội tại của thế giới này là một đặc tính quan trọng khác của văn bản phi cốt truyện. Hệ thống phi cốt truyện là một hệ thống cơ sở và có thể biểu hiện với tư cách một văn bản độc lập.
Trong phạm vi của một cấp độ nhất định, cốt truyện chỉ đưa lại cho văn bản giải pháp loại hình; đối với một bức tranh thế giới nhất định và một cấp độ cấu trúc nhất định thì tồn tại một cốt truyện duy nhất. Nhưng trong văn bản hiện thực nó lại chỉ thể hiện như một dự tính cấu trúc nào đấy có thể được thực hiện hoặc cũng có thể không được thực hiện [40, 404 – 407].
Từ hai quan niệm trên chúng ta nhận ra những đặc điểm sau đây về cốt truyện: Thứ nhất: Cốt truyện là sự phát triển của hành động; tiến trình các sự kiện, các biến cố trong tác phẩm tự sự và kịch.
Thứ hai: chức năng quan trọng nhất của cốt truyện là bộc lộ các các mâu thuẫn
đời sống, tức là thể hiện xung đột.
Thứ ba: Cái làm nên cốt truyện là hành động của nhân vật. Trong văn học từ thế
kỉ XIX trở về sau, bên cạnh việc dựa vào hành động bên ngoài đã thành truyền thống, có loại tác phẩm mà hành động bên trong giữ vai trò to lớn. Với loại hành động này, cơ
sở của truyện không phải là đột biến mà là những thăng trầm trong cảm xúc nhân vật, thậm chí độc lập với sự kiện.
Thứ tư: Dựa trên cơ sở các biến cố, văn bản có thể chia thành hai loại văn bản phi cốt truyện và văn bản có cốt truyện. Do đó, có thể có hoặc không có cốt truyện trong một văn bản nghệ thuật.
Thứ năm: Trong tác phẩm có thể hiện diện đầy đủ các thành phần của cốt truyện hay vắng mặt một vài thành phần.
Như trên đã nói, khi xem xét những đặc điểm nghệ thuật trong truyện trong lòng