Nhà văn Sơn Nam bằng tình yêu quê hương của mình đã đưa người đọc đến với những tên vùng, tên đất, tên sông, đến với những địa hình đặc thù của Nam Bộ qua những từ chỉ địa hình, gắn với một vùng sông nước như: sông, rạch, kênh, mương, láng, lung, bàu, đầm lầy… được sử dụng trong tác phẩm mang đậm chất Nam Bộ, nó phản ánh được đặc trưng riêng của miền đất này. Có thể nói, Sơn Nam đã phác họa thành công địa hình nơi tác giảđang sống không phải bằng nét cọ của một họa sĩ mà bằng nghệ thuật ngôn từ của một nhà văn tài hoa. Những ngôn từ nghệ thuật ấy không phải ở đâu xa lạ mà nó xuất phát từ cuộc sống, trong cuộc sống mà bất cứ một người Nam Bộ nào khi đọc tác phẩm đều có thể dễ dàng nhận ra.
Địa hình là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người Nam Bộ. Nó chi phối con người trong công cuộc cải tạo thiên nhiên cũng như góp phần không nhỏ vào tiến trình tạo ra của cải vật chất. Chúng ta biết rằng Đồng bằng sông Cửu Long trải dài từ sông Vàm Cỏđến chót mũi Cà Mau. Đây là vùng đất có nhiều sông, rạch, kênh, mương được cắt ngang, xẻ dọc chằng chịt. Nhưng đáng kể là hai con sông Tiền – sông Hậu trong dòng Cửu Long. Nó là hai mạch chính tạo ra muôn nghìn ngã rẽ thông thương nhau
trong hệ thống sông ngòi ở vùng đất này. Trong quá trình lao động do nhu cầu của con người nên hình thành thêm một nhóm từ nữa chỉđịa hình phục vụ cho sản xuất như: ao, bàu, đìa,… là sản phẩm nhân tạo của con người.
Với 96 lần xuất hiện trong 65 truyện ngắn, từ sông trong nhóm này có tầng số sử dụng nhiều nhất. Đây là điều chứng minh cho tên gọi của vùng Đồng bằng Nam Bộ là vùng sông nước khi mà yếu tố sông góp mặt hầu như xuyên suốt mạch suy nghĩ, mạch sống của người dân nơi đây.
Bên cạnh đó, còn có những từ định danh cho các dòng nước. Đây là nhóm từ gọi tên cho các dòng nước kể cả những dòng nước thoát và dòng nước tù như: rạch, xẻo, kinh, đìa, lung, láng, lạch, vuông, vàm. Các từ thuộc nhóm này thường được cấu tạo gồm: yếu tố chính cộng với tên riêng do cư dân địa phương đặt ra. Sáng tác của Sơn Nam có một số từđịa danh được cấu tạo từ các yếu tố chính xẻo, lung, lạch, kinh, rạch, vàm, đìa, vuông …+ với một yếu tố phụ như: xẻo Bần, lung Sấu, bàu Sấu…
Rạch là từ định danh cho những dòng nước nhỏ chảy từ sông dẫn vào ruộng. Nó là một nhánh của sông. Ở Nam Bộ có rất nhiều rạch. Khảo sát sáng tác của Sơn Nam, ta thấy có các tên như: rạch Cái Tàu, rạch Bà Bơ He, rạch Thuồng Luồng, rạch Cái Cau, rạch Giồng, rạch Thứ Ba, rạch Cái Mau…
Ngoài ra, còn dùng yếu tố rạch thành tên gọi: Rạch Mồ Côi, Xóm Rạch, Rạch Vàm Mấm, Xóm Rạch Chùa, Rạch Bộ Tời, Rạch Rập, Rạch Sỏi, Rạch Gốc, Rạch Miễu, Rạch Giá, Rạch Mũi, Rạch Bàu Mốp…
Nếu rạch, xẻo, vàm là những danh từđịnh danh cho dòng chảy tự nhiên thì kinh lại định danh cho dòng chảy nhân tạo được người dân đào bằng xáng múc. Bên cạnh rạch, xẻo, kinh, lạch, vàm là định danh cho những dòng nước thoát thì đìa, lung lại là từđịnh danh cho những dòng nước tù, nó gọi tên cho những chỗ trũng quanh năm (tự nhiên đối với lung và nhân tạo với đìa). Tuy nhiên, lung thường ở giữa đầm hoặc giữa rừng, còn đìa thì chủ yếu ở gần nhà được nông dân đào để nuôi cá, trồng rau.
Bên cạnh đó, từ dùng để định danh cho địa hình còn bao hàm những từ dùng để gọi tên cho các vùng đất, tên đất. Người Nam Bộ có thói quen hay dùng những từ như miệt, luống, bờ mẫu, mí, mé, gò. Mặc dù những từ này không phải là từ chuyên dụng để chỉ các vùng đất mang tính đặc trưng của địa hình như cù lao, cồn, bưng … nhưng nó cũng góp phần khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc về vùng đất mới.