Nhà văn Sơn Nam đã cho chúng ta thấy được những hình ảnh trong cuộc đời của người dân miền Nam mà người đọc phải xót xa cho người ở cảnh ngộ không lối thoát, sống trong rừng thiêng nước độc, nỗi lo âu sinh kế và đối đầu với những con thú rừng nguy hiểm, chực chờ lấy mạng của họ bất
cứ lúc nào, nhưng họ vẫn nhẫn nhục chịu đựng, không một chút nao núng, chùn bước, hay động lòng… Họ sống bằng đủ nghề, ngoài việc bắt cá, nuôi ong, bắt sấu, ruộng nông, họ lưu lạc nay đây mai đó qua nghề len trâu, kiếm cỏ cho đàn trâu ăn giữa rừng hoang. Đọc Hương Rừng Cà Mau cho ta hình dung lại những cảnh sinh hoạt của một thời khẩn hoang xa xưa của ông cha chúng ta. Nhớđến một miền Nam chỉ còn phảng phất trong tâm tưởng của kẻ lưu lạc xứ người, nhưng bản sắc canh chua, nước mắm, cá kho... thì không bao giờ phai trong lòng người đọc.
Thiên nhiên luôn luôn là đối tượng, tạo cảm xúc để các nhà văn miêu tả, đối với những trang văn dựng cảnh thiên nhiên Nam bộ kỳ lạ, kỳ vĩ, nhiều lúc ta cảm thấy các nhà văn Nam Bộ thích kể và tả về thiên nhiên phía Nam Tổ quốc ta hơn các nhà văn ở các vùng khác khi kể và tả về vùng quê của họ. Cái kỳ lạ trong văn xuôi Nam Bộ đương đại cũng thường được biểu hiện ở một khía cạnh nữa là sự có mặt của những phong tục, tập quán, những cách thức làm lụng, kiếm sống thường có rất nhiều trong các truyện ngắn và tiểu thuyết. Văn xuôi Nam Bộ đậm chất phong tục, tập quán, điều này thể hiện rõ nhất trong truyện ngắn của Sơn Nam, nghề làm ruộng trong Ruộng Lò Bom, nghề giăng câu trong Người mù giăng câu, nghề bắt rắn trong Cây huê xà, nghề bắt sấu trong truyện Bắt sấu rừng U Minh hạ, Con sấu cuối cùng… Sơn Nam đã dẫn dắt chúng ta về một thế giới hoang sơ, tận ngọn nguồn sông rạch, với tinh thần trượng nghĩa, gan góc, dũng cảm: Nghề bắt sấu có thể làm giàu được ngặt tôi không màng thứ phú quý đó. Nói thiệt với bà con: cha mẹ tôi sinh ra chỉ có hai anh em tụi tôi. Anh tôi xuống miệt Gò Quao phá rừng lập rẫy hồi mười hai năm về trước. Sau được tin cho hay:
ảnh bị sấu ở Ngã Ba Đình bắt mất. Tôi thề quyết trả thù cho anh. Ông bắt sấu như thần nhưng không màng đến công cán mà chỉ rửa mối thù với loài thú dữ. Trong một truyện khác, truyện Con sấu cuối cùng, càng tô đậm thêm vẻ đẹp trong tính cách này của ông thợ bắt sấu tài ba – Năm Hên, với tấm lòng hiệp nghĩa, Năm Hên xuất hiện và tình nguyện làm cái việc nguy hiểm
đến tính mạng: Xin phép bắt con sấu đó, không ăn một đồng xu nào hết”, “nhanh như chớp, ông nhảy lên lưng sấu mà cỡi… Trong phút giây, người và sấu chỉ là một đống đen thui. Đó là những tác phẩm không chỉ hấp dẫn người đọc bằng cái lạ của cảnh quan, phong tục, sự việc… mà còn hấp dẫn bởi chiều sâu tư tưởng. Có thể nói rất nhiều truyện ngắn Nam Bộ có cốt truyện lạ, kỳ lạ, đôi khi tưởng như kiểu chuyện Ba Phi, nhưng có đọc đi đọc lại mới thấy là hoàn hảo chân thực như cuộc đời vậy.
Những hoạt động sinh hoạt của người dân miền sông nước: bơi xuồng, gài bẫy, giăng câu, săn cá sấu, ăn ong,… cũng thật đa dạng và phong phú. Điều đó được thể hiện khá rõ qua việc sử dụng nhiều từ ngữ diễn tả cho một hoạt động ở những khía cạnh, mức độ khác nhau. Chẳng hạn, diễn tả hoạt động di chuyển trên sông người dân dùng hàng loạt các từ ngữ: chèo, kìm lái, chống xuồng, bơi xuồng, lái xuồng, khua giầm,… với vốn sống, khả năng nắm bắt, Sơn Nam hiểu và đã sử dụng các từ ngữấy một cách tinh tế, sâu sắc.