• Môi trường kinh tế
Nền kinh tế nước ta trong năm 2009 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khủng hoảng tài chính của một số nền kinh tế lớn trong năm 2008 đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái, làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất nhập khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động và tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội khác của nước ta. Lạm phát trong năm 2009 tuy được khống chế ở mức hợp lý, nhưng nhìn chung giá cả hàng hóa ngày càng tăng, khiến cho sức mua của người dân giảm, làm cho nhập khẩu giảm. Để cân bằng cán cân thương mại thì nhà nước cần có những điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu.
Thêm vào đó là cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng khiến mức lại suất liên tục tăng và sự xuống dốc nghiêm trọng của mức giá cổ phiếu làm cho khả năng huy động vốn của các công ty nhập khẩu giảm. Nếu mức thuế suất quá cao sẽ làm khả năng nhập khẩu giảm sút. Mà Việt Nam là một nước đang phát triển, nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nếu hoạt động nhập khẩu bị ngừng trệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước cần điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu cho phù hợp với tình hình kinh tế và có mức thuế suất phù hợp với từng mặt hàng.
• Môi trường chính trị - luật pháp
Khi nghiên cứu về môi trường chính trị thì cần phải đi xem xét những rủi ro chính trị mà chúng ta sẽ gặp phải. Một môi trường chính trị được đánh giá là ổn định khi chúng ta không phải lo đến các yếu tố như việc sẽ phải sung công hay quốc hữu hóa những tài sản của doanh nghiệp nước ngoài, nhà nước can thiệp mạnh vào quản lý ngoại hối, hạn chế nhập khẩu và điều tiết thị trường, những phản ứng tiêu cực từ công đoàn, tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp...Môi trường chính trị ổn định sẽ có thể tạo điều kiện tốt cho việc hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và ngược lại môi trường chính trị không ổn định, hay xảy ra xung đột sẽ tác động xấu tới hoạt động kinh doanh. Hoạt động kinh doanh phát triển, đầu tư nước ngoài tăng cao sẽ khiến cho nhu cầu về hàng hóa, trang thiết bị, nguyên vật liệu tăng cao. Điều này sẽ kích thích hoạt động nhập khẩu. Nhà nước lúc này sẽ có chính sách thuế nhập khẩu thích hợp để khuyến khích hay hạn chế hoạt động nhập khẩu.
Môi trường luật pháp sẽ tác động đến hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp khập khẩu bằng các chính sách về thuế và hạn ngạch. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, hệ thống luật pháp chồng chéo, thiếu đồng bộ sẽ gây trở ngại lớn cho hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp. Vì vậy, cần cải cách, sửa đổi, bỏ bớt đi những thủ tục rườm rà phức tạp như các thủ tục nhập khẩu, thủ tục xét miễn giảm thuế, phương pháp tính thuế.... để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu.
• Môi trường văn hóa, xã hội, nhân khẩu
Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có những giá trị văn hóa và các yếu tố xã hội đặc trưng, và những yếu tố này là đặc điểm của người tiêu dùng tại các khu vực đó.Những giá trị văn hóa là những giá trị làm lên một xã hội, có thể vun đắp cho xã hội đó tồn tại và phát triển. Chính vì thế các yếu tố văn hóa thông thường được bảo vệ hết sức quy mô và chặt chẽ, đặc biệt là các văn hóa tinh thần. Tuy vậy chúng ta cũng không thể phủ nhận những giao thoa văn hóa của các nền văn hóa khác vào các quốc gia. Sự giao thoa này sẽ thay đổi tâm lý tiêu dùng, lối sống, và tạo ra triển vọng phát triển với các ngành. Vì vậy các hàng hóa nhập khẩu không chỉ phù hợp với thi hiếu, sở thích của người tiêu dùng mà còn phải đảm bảo tính thuần phong mỹ tục.
Bên cạnh văn hóa , các đặc điểm về xã hội cũng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu và các nhà làm chính sách quan tâm, những yếu tố xã hội sẽ chia cộng đồng thành các nhóm khách hàng, mỗi nhóm có những đặc điểm, tâm lý, thu nhập ... khác nhau:
+ Tuổi thọ trung bình, tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, ăn uống + Thu nhập trung bình, phân phối thu nhập
+ Lối sống, học thức, các quan điểm về thẩm mỹ, tâm lý sống + Điều kiện sống
Nếu người tiêu dùng trong nước có thu nhập cao, trình độ học vấn cao thì sẽ có nhu cầu sử dụng những mặt hàng cao cấp nhiều hơn, với chất lượng tốt hơn, từ đó các mặt hàng nhập khẩu cũng thay đổi theo. Điều này thể hiện ở chỗ những năm trước đây, khi đất nước còn nghèo nàn lạc hậu , kinh tế còn khó khăn, trình độ văn hóa còn thấp nên nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng. Giờ đây khi đất nước đã đổi mới, đi trên con đường phát triển, thu nhập và trình độ dân trí ngày càng cao thì cơ cấu mặt hàng nhập khẩu thay đổi theo hướng nhập khẩu những hàng hóa công nghệ cao, hiện đại, mang lại cho người tiêu dùng nhiều lợi ích đặc biệt hơn trước. Vì vậy mà mức thuế suất thuế nhập khẩu cho những mặt hàng này là khác nhau trong từng giai đoạn.
Dân số Việt Nam tính đến tháng 4 năm 2009 là vào khoảng gần 86 triệu người ( Nguồn Tổng cục thống kê), một con số tương đối lớn. Nhu cầu tiêu dùng tăng mà khả năng đáp ứng nhu cầu ở nước ta còn hạn chế. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu trong nước nhà nước cần phải có chính sách thuế nhập khẩu phù hợp để khuyến khích hoạt động nhập khẩu ngày càng phát triển.
Môi trường bên ngoài • Tình hình thế giới
Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư, ngân hàng, tín dụng.. đều bị ảnh hưởng. Trong suốt thời gian vừa qua, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, tốc độ tăng trưởng giảm sút. Điều này đã dẫn đến hệ luỵ là cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm, trong khi cung đối với các mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng do các nhà sản xuất bị giảm thị trường ở các nước phát triển sẽ tìm cách mở rộng các thị trường khác. Như vậy, khả năng xuất khẩu sẽ bị giảm mạnh. Như chúng ta biết thì nguyên liệu dùng để sản xuất xuất khẩu 80% là từ nhập khẩu. Điều này sẽ làm cho nhập khẩu giảm sút. Thêm vào đó thì khủng hoảng sẽ khiến tiêu dùng giảm sút, khiến sản xuất bị thu hẹp, một số người có khả năng mất việc làm, hay chí ít là thu nhập bị giảm sút cộng với dòng kiều hối chảy vào trong nước sụt giảm sẽ kéo theo sụt giảm trong tiêu dùng của các hộ gia đình. Như vậy với khả năng giảm chi tiêu, đầu tư và xuất khẩu cũng sẽ giảm, kéo theo nhập khẩu giảm. Vì vậy để nền kinh tế có thể bình ổn trở lại và hoạt động nhập khẩu tiếp tục diễn ra bình thường thì nhà nước cần điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu cho phù hợp.
• Hội nhập kinh tế quốc tế
- Gia nhập WTO: Gia nhập WTO là một bước tiến lớn trong quá trình hội nhập kinh
tế quốc tế của Việt Nam. Để gia nhập WTO, Việt Nam đã mất gần 11 năm chuẩn bị và đàm phán kể từ khi Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO ngày 04/11/1995. Ngày 7 tháng 11 năm 2006, Việt Nam được phép gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả các nước có yêu cầu (trong đó có những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc) và Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức WTO vào ngày 11 tháng 1 năm 2007. Hàng loạt vấn đề được đặt lên bàn đàm phán, trong đó thuế quan là một vấn đề căng thẳng và nhạy cảm nhất. Theo cam kết, Việt Nam sẽ ràng buộc mức trần cho
toàn bộ biểu thuế nhập khẩu. Những cam kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng hệ thống chính sách thuế nhập khẩu của nước ta.