Bệnh do vi khuẩn S.suis gây ra ở lợn

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý của lợn mắc viêm phổi do Actinobaccilus pleuropneumoniae, Pasteurella multocida và Streptococcus suis và sử dụng vacxin phòng bệnh (Trang 46 - 47)

Streptococcus là một loại liên cầu khuẩn, có mặt ở khắp nơi trong tự nhiên, trên cơ thể động vật và cả ở người. Vi khuẩn Streptococus đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây bệnh cho gia súc nói chung và ở lợn nói riêng, kể cả người.

Vi khuẩn S. suis là một trong số các tác nhân gây bệnh quan trọng và gây ra những thiệt hại đáng kể trong công nghiệp chăn nuôi lợn. Các thông báo đầu tiên về bệnh do S. suis gây ra ở lợn đã được chính thức xác nhận lần đầu tiên ở Hà Lan vào năm 1951 và ở Anh vào năm 1954 (Field & cs., 1954). Kể từ đó, bệnh đã được thông báo là xảy ở hầu khắp các nước trên thế giới - nơi có ngành chăn nuôi lợn phát triển (Boucher & cs., 2002).

Các dạng bệnh do vi khuẩn này gây ra ở lợn rất đa dạng, bao gồm như viêm não, nhiễm trùng máu, viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm đa thanh mạc, viêm màng bụng, viêm phổi, và thường dẫn đến chết đột ngột (Boucher & cs., 2002; Lun & cs., 2007). Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể phân lập được trong các trường hợp lợn bị viêm teo mũi và sảy thai. Bệnh xảy ra ở lợn mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở giai đoạn 3-16 tuần tuổi do lợn thời kỳ sau cai sữa trở nên đặc biệt mẫn cảm với vi khuẩn này (Lamont & cs., 1980). Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh do vi khuẩn này gây ra là có sự sai khác nhau giữa các quốc gia (Boucher & cs., 2002).

Vi khuẩn S. suis serotype 1 thường gây bệnh cho lợn con theo mẹ (1-3 tuần tuổi), có khi tới 6 tuần tuổi và thường ở thể bại huyết hoặc các nhiễm trùng tại chỗ như viêm màng não, viêm não, viêm khớp, viêm nội tâm mạc, đặc biệt là lợn con từ 1-7 ngày tuổi (Cook & cs., 1988). Đôi khi, nhóm vi khuẩn thuộc serotype 2 cũng gây bệnh cho lứa tuổi này, nhưng thường ít gặp hơn. Lợn con bị nhiễm bệnh là do lợn mẹ truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hoá (do tiếp xúc với phân, các chất

30

thải hoặc các chất tiết khác), đường máu (do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua kim tiêm nhiễm trùng). Trong khi đó, các chủng S. suis thuộc serotype 2 thường gây ra bệnh cho lợn giai đoạn sau cai sữa và vỗ béo (4-16 tuần tuổi) với rất nhiều thể bệnh như viêm não, viêm nội tâm mạc, ngoại tâm mạc, cơ tim hoại tử, viêm phổi, viêm khớp và bại huyết (John & cs., 1982; Vecht & cs., 1985; Sanford & Ernest, 1987; Gogolewski & cs., 1990). Bệnh thường xảy ra sau khi lợn khoẻ được nuôi hoặc nhốt chung với lợn bệnh và thường gây chết đột ngột với các biểu hiện như sốt, có triệu chứng thần kinh, viêm khớp.

Ngoài ra, vi khuẩn S. suis còn là nguyên nhân gây ra các thể bệnh như viêm phế quản - phổi, viêm màng phổi và viêm phổi ở các lứa tuổi của lợn (Sanford Se & Tilker, 1982; Erickson & cs., 1984).

Ở Anh, bệnh do S. suis serotype 2 chủ yếu là gây ra các triệu chứng như bại huyết và viêm não ở lợn cai sữa (Windsor & Elliott, 1975). Trong khi đó, ở các nước Bắc Mỹ, các báo cáo đều chỉ ra rằng S. suis là vi khuẩn chủ yếu phân lập được từ những lợn bị viêm phổi (Sanford & Tilker, 1982; Erickson & cs., 1984). Những năm sau đó Koehne & cs. (1979) lại kết luận rằng vi khuẩn này là nguyên nhân chính gây bại huyết, viêm não và viêm đa khớp và ít khi gây viêm phổi (Maclennan & cs., 1996; Heath & cs., 1996). Trong khi đó, các bệnh tích ở phổi vẫn là chủ yếu trong các trường hợp lợn bị bệnh tại Bắc Mỹ (Reams & cs., 1996; Hogg & cs., 1996). Tại Hà Lan, tỷ lệ S. suis serotype 2 có liên quan đến viêm phổi chiếm 42% các trường hợp mắc bệnh, tiếp đến là viêm não (18%), viêm nội tâm mạc (18%), và viêm đa thanh mạc (10%) (Vecht & cs., 1985). Một nghiên cứu ở Nhật giữa năm 1987 và năm 1991 đã cho biết kết quả là 38% số chủng S. suis phân lập được từ lợn bị viêm não và 33% từ lợn bị viêm phổi (Kataoka & cs., 1993).

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý của lợn mắc viêm phổi do Actinobaccilus pleuropneumoniae, Pasteurella multocida và Streptococcus suis và sử dụng vacxin phòng bệnh (Trang 46 - 47)