* Quản lí mục tiêu BDTX GVMN
Về phương pháp luận, quản lí mục tiêu BDTX là quá trình thực hiện những tác động của chủ thể quản lí đến các thành tố cấu thành quá trình BDTX và thiết lập mối quan hệ của các thành tố đó theo mục tiêu BDTX đã xác định. Hiểu một cách đơn giản, khi nhà quản lí đã xác định được mục tiêu của hoạt động BDTX thì phải biến các mục tiêu đó trở thành hiện thực bằng một loạt biện pháp, phương pháp quản lí. Nói cách khác mọi hoạt động tổ chức BDTX cho GVMN phải bám lấy mục tiêu đã xác định trước. Khi mục tiêu BDTX phù hợp với mong muốn của đại bộ phận GVMN thì nó sẽ trở thành động lực cho mọi người hành động tự giác để đạt mục tiêu. Người quản lí giỏi hoạt động BDTX là người biến mục tiêu, mục đích của
hoạt động này thành động cơ hành động học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm của mỗi giáo viên.
* Quản lí nội dung BDTX GVMN
Quản lí nội dung BDTX GVMN dựa trên Chương trình BDTX GVMN do Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo thông tư số 36/2011/TT-BGDĐT. Tổng thời lượng BDTX đối với mỗi GV là 120 tiết/năm học bao gồm 3 nội dung:
- Quản lí hoạt động bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học theo cấp học mầm non (nội dung 1) được áp dụng cho toàn ngành trong phạm vi toàn quốc có thời lượng 30 tiết/năm học;
- Quản lí hoạt động bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học, bao gồm cả nội dung bồi dưỡng do các dự án thực hiện (nội dung 2) có thời lượng 30 tiết/năm học;
- Quản lí hoạt động bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục của giáo viên (nội dung 3) có thời lượng 60 tiết/ năm.
Cũng theo Thông tư số 36/2011/TT–BGDĐT: Chương trình BDTX GVMN được hướng dẫn, cập nhật hàng năm. Bộ GD&ĐT hướng dẫn nội dung bồi dưỡng 1, thường xuyên bổ sung nội dung bồi dưỡng 3. Sở GD&ĐT hướng dẫn nội dung bồi dưỡng 2. Các cấp QLGD có thể thay đổi thời lượng bồi dưỡng ở từng nội dung bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục của địa phương trong từng năm học nhưng không thay đổi tổng số thời gian bồi dưỡng của mỗi GV trong năm học (120 tiết/năm học). Căn cứ nội dung bồi dưỡng 3, GVMN tự lựa chọn các mô đun cần bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu cá nhân và quy định của Sở GD&ĐT về thời gian bồi dưỡng khối kiến thức này trong từng năm.
Chương trình BDTX mang tính chất pháp lệnh, làm căn cứ cho các cấp quản lí sử dụng để quản lí nội dung của hoạt động BDTX cho CBQL và GVMN. Từ khung chương trình đó, hàng năm Bộ có công văn hướng dẫn để Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, nhà trường và GV xây dựng kế hoạch BDTX. Kế hoạch BDTX của các cấp quản lí và của GV phải nêu rõ mục tiêu, nội dung, hình thức BDTX, các điều kiện về báo cáo viên, tài liệu tham khảo và CSVC phục vụ công tác BDTX.
Sau khi chương trình, nội dung, kế hoạch BDTX đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cấp quản lí GDMN phải tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng một cách cụ thể, khoa học, sát với tình hình thực tế và những nội dung bồi dưỡng phải đáp ứng nhu cầu của CBQL và GVMN. Thực hiện chỉ đạo việc bồi dưỡng cần tập trung vào nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của GV và CBQL để đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp GVMN. Việc kiểm tra, đánh giá BDTX cần thực hiện nghiêm túc và quan tâm việc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, chức danh nghề nghiệp làm căn cứ để GV đề xuất các nội dung bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả. Vì vậy, để quản lí nội dung BDTX hằng năm, người CBQL phải bám sát các chức năng quản lí, đó là lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá hoạt động BDTX đạt được các mục tiêu đề ra.
* Quản lí các phương pháp BDTX
Đổi mới phương pháp học tập BDTX của GV trong các chương trình bồi dưỡng theo hướng tập trung vào hoạt động của GV với phương châm lấy việc tự học, tự bồi dưỡng của GV là chính. Đối với bồi dưỡng tập trung chỉ bồi dưỡng những nội dung mới, khi bồi dưỡng cần có sự thảo luận sâu và thực hành trực tiếp các nội dung bồi dưỡng. Để thực hiện tốt, có kết quả, các phương pháp BDTX cần đáp ứng các tiêu chí: tự giác và nghiêm túc; khoa học và phù hợp; thiết thực và hiệu quả. Vì vậy, sau mỗi nội dung bồi dưỡng GV sẽ vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, cụ thể là vận dụng vào việc thực hiện Chương trình GDMN nhằm tổ chức tốt các mục tiêu, nội dung và các hoạt động giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, những biện pháp bồi dưỡng chủ yếu lôi cuốn, hướng dẫn cho GV tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập với sự trợ giúp của tài liệu và phương tiện nghe nhìn. Thông qua đó, kích thích sự phát hiện, tìm tòi, sáng tạo của GV trong quá trình bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, không cứng nhắc, gò bó, rập khuôn theo những gì đã có trong tài liệu. Tăng cường tổ chức sinh hoạt theo nhóm, tổ trong từng tập thể sư phạm, nêu thắc mắc, tự giải đáp ở tổ, nhóm, có chuyên gia giải đáp… nhằm tạo điều kiện cho GV được đóng góp kinh nghiệm bản thân vào xây dựng nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giáo dục.
Tóm lại, BDTX cho GV - người đã có kỹ năng sư phạm nên phương pháp bồi dưỡng phải linh hoạt, phù hợp dựa trên nền phương pháp tự học, tự nghiên cứu trên cơ sở hướng dẫn khai thác thông tin nhằm đạt hiệu quả của việc bồi dưỡng.
* Quản lí các hình thức BDTX
Tùy nội dung, điều kiện hiện có, BDTX GVMN sử dụng các hình thức:
Hiệu trưởng quản lí có hình thức bồi dưỡng tại chỗ: là tổ chức bồi dưỡng tại trường, nơi GV giảng dạy, thông qua sinh hoạt nhóm, tổ chuyên môn, tổ chức hội thảo, thao giảng theo từng trường hoặc cụm trường... Có nhiều hoạt động phong phú để bồi dưỡng GV theo hướng này như: tổ chức cho GV dự giờ, thăm lớp, dự giờ tư vấn, giúp đỡ lẫn nhau thường xuyên, qua đó GV giỏi giúp GV còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, GV có kinh nghiệm giúp GV mới ra trường; tổ chức thao giảng chuyên đề về phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi giờ dạy, học kì, mỗi năm học; tổ chức cho GV giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, trường khác, tham dự hội thảo, hội nghị, seminar...
Xây dựng Tổ nghiệp vụ các cấp (đội ngũ CBQL và GV cốt cán) đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để thực hiện các công việc: hỗ trợ các GV trong việc tổ chức các nhóm thảo luận, tháo gỡ vướng mắc; liên hệ, trao đổi với quản lí cấp trên, các chuyên gia để giải đáp thắc mắc trong quá trình bồi dưỡng. Khuyến khích đội ngũ sử dụng địa chỉ truy cập: tailieu.nhagiao.edu.vn để tổ chức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, đảm bảo thực hiện tốt việc bồi dưỡng theo nhu cầu của từng cá nhân.
Nhiệm vụ của tổ trưởng tổ chuyên môn là thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên trong tổ, kiểm tra đánh giá chất lượng hiệu quả công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Vì vậy, sinh hoạt tổ chuyên môn là một hình thức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng GV, là một trong những hình thức rất thiết thực và mang lại hiệu quả cao. Theo khung thời gian BDTX thì hình thức tự bồi dưỡng (tự chọn) chiếm hết thời gian trong năm học, điều này cho phép GV chủ động linh hoạt hơn để chọn cho mình những nội dung bồi dưỡng phù hợp. Trong sinh hoạt tổ chuyên môn, với các nội dung đã chọn để sinh hoạt (nội dung bồi dưỡng 3), GV trong tổ sẽ có cơ hội thảo luận, chia sẽ những nội dung sâu sát về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm bổ sung cho nhau những kiến thức còn thiếu về công tác chăm sóc giáo dục trẻ, về tổ chức
các hoạt động giáo dục, xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động... Ngoài ra, sinh hoạt tổ chuyên môn GV còn chia sẽ những tài liệu, thông tin, kinh nghiệm của bản thân cho nhau…, từ đó GV sẽ áp dụng chuyên sâu vào thực tế việc dạy trẻ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ theo Chương trình GDMN.
Do Bộ, Sở, Phòng quản lí có nội dung BDTX và bồi dưỡng cập nhật nội dung mới trong Chương trình GDMN: bồi dưỡng theo năm học và trong dịp hè cho GVMN để họ được bổ sung các kiến thức thiếu hụt và cập nhật kiến thức mới về chủ trương, đường lối giáo dục, mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giáo dục trẻ. Việc bồi dưỡng này rất thiết thực, đòi hỏi mỗi GV phải có ý thức tự bồi dưỡng, thường xuyên trau dồi kiến thức, nếu không sẽ khó dạy tốt theo yêu cầu chương trình GDMN.
Do cá nhân tự quản lí kết hợp với quản lí của Hiệu trưởng thông qua tự học, tự nghiên cứu của bản thân theo nhu cầu cá nhân kết hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ hàng năm của nhà trường và của ngành.
Các hình thức bồi dưỡng nói trên chỉ có hiệu quả khi được phân cấp quản lí một cách khoa học trên cơ sở phát huy ý thức tự giác và tích cực tham gia của CBQL và GV. Để quản lí tốt, có kết quả các hình thức BDTX cần đáp ứng các tiêu chí: tự giác và nghiêm túc; khoa học và phù hợp; thiết thực và hiệu quả.
* Quản lí điều kiện CSVC, trang thiết bị, tài liệu phục vụ BDTX cho GVMN
Muốn thực hiện thành công, có hiệu quả công tác BDTX, các cấp quản lí khi xây dựng kế hoạch BDTX phải có đảm bảo CSVC bao gồm: tài liệu, giáo trình, các văn bản phục vụ BDTX cho cả người dạy và người học. Các phương tiện nghe nhìn như máy tính, băng ghi âm, ghi hình, lớp học, hội trường, kinh phí phục vụ BDTX… Khi kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thủ trưởng đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm tổ chức BDTX phải có biện pháp quản lí, sử dụng và khai thác có hiệu quả, tiết kiệm CSVC, thực hiện chi tiêu kinh phí đúng qui định. Thực hiện chế độ bồi dưỡng cho báo cáo viên và GV tham dự BDTX theo qui định của Nhà nước, của địa phương. Chuẩn bị, quản lí, khai thác tốt CSVC sẽ là điều kiện tốt nhất cho hoạt động BDTX đạt hiệu quả và chất lượng mong muốn.