7. Bố cục của luận án
1.1.1. Khái niệm về hợp tác và hội nhập kinh tế khu vực
Hợp tác kinh tế khu vực là quá trình thông qua đó hai hay nhiều nước theo đuổi mục đích hoặc mục tiêu phát triển chung thông qua các hoạt động chung, phối hợp chung và đồng bộ. Hợp tác kinh tế vùng nói chung bao gồm các hoạt động hợp tác theo từng nội dung cụ thể với các chương trình và dự án hợp tác kinh tế trong vùng.
Hội nhập kinh tế khu vực là quá trình các nước trong khu vực thực hiện mô hình kinh tế mở, tự nguyện tham gia vào các định chế kinh tế quốc tế, thực hiện thuận lợi hoá thương mại, đầu tư; các nền kinh tế khu vực được kết nối với nhau một cách chặt chẽ thông qua di chuyển các nguồn lực [59, tr8].
Hội nhập bao gồm 5 cấp độ: Khu vực thương mại ưu đãi (có chính sách thuế quan ưu đãi một phần cho nhau); Khu vực thương mại tự do (các thành viên dỡ bỏ tất cả các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với nhau); Liên minh thuế quan (các khu vực thương mại tự do mà các thành viên áp dụng chung chính sách thuế quan đối với các nước không phải thành viên); Thị trường chung (tự do hóa dòng hàng hóa và các yếu tố sản xuất) và Liên minh kinh tế (thị trường chung với các chính sách hài hòa cao kết hợp với các thể chế chung toàn khu vực để điều phối và thực hiện các biện pháp chính sách kinh tế và hội nhập.
Trong quá trình phát triển, bên cạnh hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực còn có xu thế hội nhập kinh tế tiểu vùng. Hội nhập tiểu vùng không mâu thuẫn với hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực mà đây thực chất là một khâu trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực. Hội nhập tiểu vùng giúp bổ sung những gì còn thiếu, giúp giải quyết những gì mà hội nhập toàn cầu và khu vực chưa làm được.
Hội nhập toàn cầu và khu vực là xu thế hiện thực khách quan, là quá trình mà hầu hết các khu vực, tiểu khu vực và các quốc gia trên thế giới đều tham gia. Do vậy, các nước GMS nói chung và EWEC nói riêng cần phải chủ động hội nhập toàn cầu và khu vực nhằm tận dụng các cơ hội to lớn để phát triển.