7. Bố cục của luận án
2.5.2. Hợp tác năng lượng
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa các nước nằm dọc EWEC cũng giống như hợp tác trong lĩnh vực năng lượng của GMS tập trung vào các dự án ưu tiên trong lĩnh vực điện năng và phát triển thị trường điện qua biên giới EWEC. Hai cách tiếp cận chính được thực hiện để thúc đẩy phát triển thị trường điện qua biên giới và mở rộng mạng lưới điện EWEC là: hoạch định chính sách và khung thể chế thương mại điện; xây dựng và thực hiện kế hoạch cơ sở hạ tầng liên kết mạng lưới điện.
Trong giai đoạn 1998 - 2010, các nước EWEC (trừ Myanmar) đã huy động được một khối lượng lớn nguồn vốn để đầu tư phát triển các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Bảng 2.9: Nguồn vốn vay cho lĩnh vực năng lượng của các nước EWEC Đơn vị: Triệu USD
Quốc gia Khoản vay % so với GMS
Lào 95,50 6,2
Thái Lan 602,45 39,33
Việt Nam 559,98 36,56
Tổng 1257,93 82,12
Nguồn: Tổng hợp từ các nguồn ADB và Hoàng Viết Khang (2009), Hợp tác
kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng: Hiện trạng, định hướng và giải pháp, Luận án
tiến sỹ kinh tế, Viện kinh tế và chính trị thế giới, Hà Nội, tr77.
Các nước EWEC đã cùng với các nước GMS ký Hiệp định mua bán điện (Hiệp định IGA). Để thực hiện thương mại điện, Ủy ban Điều phối thương mại điện GMS được thành lập để giám sát việc xây dựng và thông qua khung quy định, tổ chức và thương mại cho thương mại điện. Ủy ban này chuẩn bị một kế hoạch làm việc tổng thể và biên bản ghi nhớ hướng dẫn thực hiện hiệp định hoạt động thương mại điện tiểu vùng giai đoạn 1 và được ký tại Hội nghị Thượng định Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 2 năm 2005. Biên bản ghi nhớ cung cấp các nghiên cứu kỹ thuật và nhiệm vụ hỗ trợ cho hiệp định hoạt động thương mại điện tiểu vùng bao gồm: (1) lập cơ sở dữ liệu ngành điện; (2) chuẩn bị kế hoạch tổng thể điện năng; và (3) thực hiện hiệu quả hiệp định mua bán điện [59, tr78].
Các sáng kiến trên làm nền tảng cho thương mại điện trên EWEC thu được nhiều thành quả đảm bảo lợi ích của các nước và các địa phương tham gia. Trong giai đoạn 1 của Dự án kết nối điện khu vực tiểu vùng sông Mê Công (Nam Theun 2 - Savannakhet - Roi Et) sẽ cung cấp điện cho các khu vực dọc hành lang. Việc mở rộng điện khí hóa khu vực nông thôn dọc đường 9 và phân phối điện tới 71 làng ở 6 quận, huyện cũng được khuyến khích. Việt Nam đã đề xuất tham gia vào các dự án dầu mỏ và khí ga từ cảng Chân Mây - Quốc lộ 1- Đường 9 tới Lào và Thái Lan để có thể cung cấp tài chính cho các ngành tư nhân và cần các nghiên cứu tiền khả thi để quyết định khả năng thực thi. Trong khi tình trạng bổ sung của các nguồn năng lượng đáng tin cậy tại hành lang ở Myanmar cần được quyết định, một nghiên cứu khả thi về đường dây truyền tải nối thị trấn biên giới Mae Sot của Thái Lan tới
Thaton ở Myanmar cũng bao gồm trong mắt xích phát triển hành lang. Về viễn thông, đến năm 2010 đã có một dự án củng cố các dịch vụ viễn thông tại khu vực hành lang nằm trên địa phận Myanmar.
Cho đến năm 2010, đã hoàn thành việc dự phòng cung cấp điện cho hành lang, chủ yếu từ Thái Lan và Việt Nam. Điện khí hóa khu vực nông thôn mới sẽ ưu tiên cho các địa phương ở Lào và Myanmar.
Dự án phát triển thủy điện Nam Leuk hoàn thành tháng 5 năm 2000 đã mang lại các lợi ích: Dự án làm tăng tính tin cậy của việc cung cấp điện tại hệ thống truyền tải điện Viên Chăn và là một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế. Dự án tạo ra nước ngoặt quan trọng trong liên kết hệ thống đường dây truyền tải điện trên EWEC và GMS; Dự án góp phần xóa đói giảm nghèo do hệ thống đường dây tải điện hỏng được thay thế. Các hộ gia đình trong khu vực dự án được hưởng lợi từ việc xây dựng trường học, việc làm trong các hoạt động khác với mức bình quân cao hơn, điện khí hóa và hệ thống cung cấp nước ở các bản làng, thôn xóm, xây dựng cầu mới và thúc đẩy thực hiện chương trình nhận thức về căn bệnh AIDS ở một số địa phương.
Dự án Nhà máy thủy điện Nam Theun 2 và các đường truyền kết nối tới Thái Lan cũng đã cung cấp nguồn điện cần thiết cho Lào ở dọc tuyến Hành lang đang sử dụng điện do Việt Nam và Thái Lan cung cấp. Dự án này bắt đầu hoạt động thương mại từ tháng 3 năm 2008 và mang lại nhiều lợi ích như: Lợi ích kinh tế từ xuất khẩu điện của Lào cho Thái Lan. Năm 2009, năm đầu tiên của hoạt động, chính phủ đã thu được từ dự án là 20,4 triệu USD tức là khoảng 1,5% GDP. Lợi ích chính khác là điện khí hóa khu vực nông thôn vùng lân cận. Nguồn thu hút từ dự án cũng cho phép công ty điện lực Lào trợ cấp thuế điện cho dân nghèo và đảm bảo phân phối điện công bằng cho cả nước. Xây dựng thủy điện đã tạo nhiều việc làm, người dân địa phương được vận hành và bảo dưỡng nhà máy và những điều kiện thuận lợi khác. Đây là dự án hợp tác giữa nhà nước và tư nhân cùng làm đầu tiên trong phát triển thủy điện ở Lào và là dự án năng lượng lớn đầu tiên của EWEC và GMS. Dự án được tài trợ từng phần do công ty của Thái Lan góp vốn và triển khai thực hiện. Đây là dự án thành công được coi là mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân trong lĩnh vực điện, đặc biệt là dự án lại được thực hiện và có kết nối qua biên giới [59, tr78-79].
Mạng lưới cáp quang viễn thông chính cho khu vực kết nối các khu vực hành lang (giai đoạn 1) đã được hoàn thành. Đến hết năm 2010, Myanmar cũng đang thực
hiện giai đoạn 2 của đường dây điện báo phía Tây.
Tóm lại, hợp tác trên lĩnh vực năng lượng giữa các nước nằm dọc EWEC cũng như các nước GMS, tập trung chủ yếu vào thiết lập một thị trường điện năng cạnh tranh và hòa nhập của vùng nhằm khai thác triệt để tài nguyên năng lượng phong phú của EWEC và giúp xác định các mục tiêu giảm nghèo đói và phát triển kinh tế của các nước EWEC.
Mục tiêu này đạt được thông qua mua bán điện năng, giúp giảm chi phí đầu tư, ổn định nguồn điện năng và giảm thuế suất.
Hai phương pháp chính được thực hiện là: phát triển khung chính sách và thể chế cho giao thương năng lượng và thông qua quy hoạch tổng thể để hòa mạng lưới. Uỷ ban Điều phối Mua bán Điện năng trong vùng được thành lập năm 2004 và các nhóm công tác được thành lập năm 2006. Do các đặc điểm khác nhau trong khung quản lý và phương tiện truyền tải của các nước EWEC, thị trường điện năng EWEC dự kiến sẽ phát triển theo từng giai đoạn.
Các nước GMS cũng đang hướng đến mở rộng hợp tác trong các tiểu ngành năng lượng khác như hiệu suất năng lượng, năng lượng tái tạo, khí và than để đảm bảo nguồn cung, giữ giá thấp và đạt được các lợi ích kinh tế. ADB đã hoàn thành nghiên cứu về các viễn cảnh hỗn hợp năng lượng khác nhau trong tiểu vùng. Lộ trình phát triển hợp tác năng lượng EWEC và GMS đã được các nước thành viên thông qua.