Tác động đối với Thái Lan

Một phần của tài liệu 3. NguyenHoangHue_NoiDung (Trang 105 - 108)

7. Bố cục của luận án

3.1.1.2. Tác động đối với Thái Lan

Thái Lan tham gia vào hợp tác GMS và EWEC là sự tiếp nối có tính toán của chính sách đối ngoại đã được bắt đầu từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Ngay từ năm 1989, Thủ tướng Chatichai đã tuyên bố một chính sách mới đối với Đông Dương thông qua câu khẩu hiệu nổi tiếng “Biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”. Trong những năm 1990, khi vấn đề Campuchia được giải quyết, Chính phủ Thái Lan đã có kế hoạch xây dựng Đông Nam Á lục địa thành một “bán đảo vàng” [79, tr23], phục vụ cho nền kinh tế phát triển.

Thật vậy, từ khi tham gia vào EWEC các địa phương thuộc hành lang nói riêng và đất nước Thái Lan nói chung đã được hưởng rất nhiều lợi ích từ chương trình hợp tác này. Những lợi ích đó được thể hiện trên các mặt sau đây:

Thứ nhất, so sánh các chỉ số kinh tế của EWEC đối với cả 4 quốc gia thì Thái Lan luôn ở vị trí vượt trội hơn cả. Các chỉ số về độ dài của tuyến đường, số dân, mật độ dân số.... ở Thái Lan đều cao hơn so với 3 nước còn lại. Xét về độ dài, chiều dài của đoạn đường chạy trên đất Thái Lan (780 km) còn dài hơn tổng chiều dài của đoạn đường ở ba nước Việt Nam, Lào và Myanmar cộng lại (670 km) [31:24]. Nếu như tổng diện tích khu vực mà EWEC chạy qua ở Việt Nam là thấp nhất, chỉ chiếm 3,5% tổng diện tích của Việt Nam, tiếp theo đó là Myanmar chỉ là 6,3%, Lào là 9,2% thì ở Thái Lan, tổng diện tích của khu vực mà EWEC chạy qua chiếm tới 16,9% tổng diện tích của đất nước. So với 3 nước còn lại thì ở Thái Lan EWEC cũng chạy qua những khu vực đông dân cư và có nhiều thành phố nhất như Mae Sot, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Mukdahan.

Thứ hai, EWEC là nơi giao nhau với một số trục đường chính theo hướng Bắc - Nam như: Yangon - Dawei ở Mianma; Chiengmai - Bangkok; Nongkhai - Bangkok ở Thái Lan; Đường số 13 ở Lào; Đường 1A ở Việt Nam. EWEC vì thế đóng một vai

trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo thành đường dẫn đến các cảng cho vùng Đông Bắc Thái Lan và mở ra cơ hội lớn cho các địa phương của Thái Lan phát triển kinh tế và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ ba, xét từ góc độ địa lý, Thái Lan là quốc gia nằm ở vị trí trung tâm của EWEC, Thái Lan chính là tâm điểm, nơi giao nhau của hai Hành lang kinh tế Đông Tây và Bắc Nam. Từ Myanmar, điểm cuối cùng phía Tây và Việt Nam, điểm cuối cùng phía Đông, kể cả từ Savanakhet của Lào, nếu muốn đến Vân Nam (miền Nam Trung Quốc) đều phải đi qua Phitsanulok của Thái Lan. Có thể nói, Phitsanulok của Thái Lan là ngã tư của Đông Nam Á lục địa [78, tr25].Thành phố này chắc chắn sẽ là khu vực phát triển mạnh về thương mại, du lịch, đầu tư.

Với những lợi thế đó, EWEC đã đem tới cho các địa phương của Thái Lan rất nhiều cơ hội phát triển. Thực tế quá trình phát triển của EWEC từ khi hình thành đến nay đã chứng minh điều đó. Phần Hành lang kinh tế Đông Tây ở Thái Lan đã được nâng cấp hoàn chỉnh. Chiếc cầu thứ hai qua sông Mekong nối Mukdahan với Savanakhet đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Riêng ở Khonkaen đang xây dựng trường Đại học Đông Bắc Thái Lan rộng 900 ha, một sân bay quốc tế tương đương sân bay Nội Bài và khu khách sạn 4-5 sao làm nơi thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh của EWEC...

Thông qua EWEC quan hệ kinh tế của các địa phương dọc EWEC nói riêng và của Thái Lan nói chung với các nước láng giềng ngày càng được đẩy mạnh, đặc biệt là quan hệ song phương Thái - Việt. Trong năm 2006 Việt Nam - Thái Lan đã tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Thái Lan tiếp tục được hai nước quan tâm thúc đẩy. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao: Thái Lan coi trọng hợp tác với Việt Nam. Hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy hai nước đã nối lại cơ chế hợp Nhóm Công tác chung về Chính trị - An ninh (03- 04/7/2008). Mặc dù tình hình chính trị ở Thái Lan có những khó khăn, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hái nước vẫn được duy trì. Thương mại hai chiều năm 2008 đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2007. Hai bên đặt mục tiêu đưa thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm 2009, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn các cấp từ Quốc hội, Chính phủ, Quân đội, Hội đồng nhân dân, Hội Hữu nghị cho đến các đoàn doanh nghiệp. Hợp tác an ninh, quốc phòng hai bên

tiếp tục được đẩy mạnh. Phía Thái Lan luôn khẳng định không để bất cứ lực lượng nào sử dụng đất Thái để chống phá Việt Nam. Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, kim ngạch thương mại hai nước trong 5 tháng đầu năm 2009 chỉ đạt gần 1,9 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Việt Nam xuất sang Thái Lan 437 triệu USD và nhập hơn 1,4 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến 15/6/2009, Thái Lan có 202 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 5,7 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 2,4 tỷ USD, đứng thứ 9 trong tổng số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ 3 trong các nước ASEAN có đầu tư tại Việt Nam. Thái Lan luôn coi trọng và muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác khu vực và diễn đàn quốc tế như ASEAN, GMS, EWEC [1].

Tuy nhiên qua quá trình hợp tác trong EWEC, bên cạnh những hạn chế chung của các địa phương dọc EWEC, các địa phương của Thái Lan cũng gặp phải những hạn chế riêng của mình như: tình hình chính trị của đất nước bất ổn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và các quan hệ hợp tác phát triển; Thái Lan chưa thật sự coi EWEC là sự ưu tiên hàng đầu của mình. Trong một nghiên cứu của mình, tác giả người Nhật Bản Ishida đã chỉ ra rằng Thái Lan trên thực tế dành sự quan tâm nhiều hơn cho tuyến đường Hà Nội - Bangkok hơn là EWEC. Lý do được nhà nghiên cứu này đưa ra là những so sánh dựa trên các chỉ số về dân cư, mật độ dân cư, tổng sản phẩm vùng và tổng sản phẩm vùng theo đầu người. Theo đó tuyến đường Hà Nội - Bangkok đem lại nhiều lợi ích hơn cho Thái Lan [78, tr27]; một lý do khác nữa cũng có thể làm giảm mối quan tâm của Thái Lan đối với EWEC là lợi ích to lớn mà Thái Lan có thể có được trong quan hệ với các tỉnh miền Nam Trung Quốc....

Mặc dù có những khó khăn như vậy nhưng Thái Lan vẫn sẽ quan tâm phát triển quan hệ hợp tác trong EWEC bởi lẽ EWEC đã đem lại những lợi ích thiết thực cho Thái Lan. Hơn nữa EWEC là hành lang nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và có giao cắt với hành lang kinh tế Bắc Nam vì thế Thái Lan không thể không quan tâm tới EWEC. Ngoài ra, từ gó độ địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Đông Bắc Thái Lan có mối quan hệ khá tốt với miền Trung Việt Nam và các tua du lịch đến ba di sản văn hoá thế giới là Huế, Hội An và Mỹ Sơn đã khá quen thuộc với người dân Thái Lan. Đó sẽ là những tiền đề để các địa phương của Thái Lan tiếp tục hợp tác phát triển để thực hiện các mục tiêu mà EWEC đã đề ra.

Một phần của tài liệu 3. NguyenHoangHue_NoiDung (Trang 105 - 108)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(196 trang)
w