Tác động đối với Lào

Một phần của tài liệu 3. NguyenHoangHue_NoiDung (Trang 108 - 111)

7. Bố cục của luận án

3.1.1.3. Tác động đối với Lào

Với lợi thế của mình, khi tham gia vào quá trình hợp tác trong EWEC các địa phương của Lào sẽ phát huy được lợi thế của mình và tranh thủ được các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển. Lào sẽ thu được các lợi ích sau đây:

- Thu hút nguồn vốn đầu tư vào các khu đất rộng, người thưa và có nhiều tiềm năng ở các địa phương của Lào thuộc EWEC.

- Các địa phương của Lào có điều kiện mở các chương trình hợp tác phát triển đồn điền cao su; việc hợp tác khai thác quặng mỏ tiêu biểu là ở Tchépone tỉnh Savanakhet sẽ khai thác được một nguồn lợi lớn của đất nước Lào vẫn còn nằm sâu trong lòng đất; thu hút lượng nhiều hơn lượng khách du lịch đến với Lào...

- Lào sẽ tiếp thu được kinh nghiệm phát triển từ các địa phương của các nước trong EWEC về trình độ quản lý, kinh nghiệm làm ăn, đặc biệt là nguồn nhân lực.

EWEC đã giúp cho các địa phương của Lào phát triển kinh tế và các mặt của đời sống xã hội góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Từ một quốc gia vào loại nghèo nhất thế giới, kinh tế Lào phát triển ngày càng năng động. Kể từ năm 2001, Chính phủ Lào đã thực hiện một chương trình cải cách cơ cấu qui mô lớn nhằm cải thiện chi tiêu công cộng, cải cách các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, duy trì tính minh bạch của các ngân hàng, phát triển mạnh các doanh nghiệp tư nhân.

Trong năm 2001, Chính phủ Lào đã thay đổi cơ cấu quản lý đối với hãng Hàng không Quốc gia, đưa ra Luật Viễn thông mới nhằm tạo điều kiện cho tư nhân tham gia. Và mỗi năm, Chính phủ Lào lại xem xét tái cơ cấu khoảng 4-5 doanh nghiệp nhà nước. Sau khi đưa ra sắc lệnh về thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ tháng 4-2004 Chính phủ đã tiến hành phi tập trung hoá hoạt động quản lý các dự án FDI nhằm tăng cường thể chế để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.

Lào rất quan tâm đến việc sắp xếp lại cơ cấu ngành theo hướng tận dụng lợi thế của nước mình và phù hợp với qui luật kinh tế thị trường. Việc xây dựng những tuyến đường theo hướng Đông - Tây và Nam - Bắc không chỉ đưa Lào thoát khỏi thế “sau lưng là núi, trước mặt là sông” mà còn biến nước Lào thành khâu trung chuyển quan trọng trong các tuyến giao thông nối biển Đông với Thái Lan, nối miền Tây Trung Quốc với các nước Đông và Nam Á.

Tận dụng tiềm năng to lớn về thuỷ điện, từ lâu Lào đã xuất khẩu điện sang Thái Lan. Lào đã ký với Việt Nam thoả thuận xây dựng nhà máy thuỷ điện Secaman 3 công suất 260 MW với tổng số vốn 232 triệu USD tại tỉnh Xê Công. Cú hích quan trọng của nền kinh tế Lào là dự án mở rộng thuỷ điện Nam Theun, trị giá tới 1,3 tỷ USD, một dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong việc mở cửa, đối thoại, khiến thế giới sẽ chú ý tới Lào như là một địa điểm thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh.

Chỉ trong lĩnh vực cho thuê đất trồng cao su cũng đang diễn ra sự cạnh tranh lớn. Năm 2005, Tổng công ty cao su Việt Nam quyết định đầu tư 30 triệu USD trồng 10.000 ha cao su tại tỉnh Champasak. Theo tính toán, đến năm 2011, Công ty cao su Việt - Lào có thể định hình được 50.000 ha cao su nếu Công ty được thuê thêm đất.

Thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây Lào cũng đang là địa điểm du lịch ưa thích của nhiều du khách trong khu vực và trên thế giới. Năm 2005 có tới 1,1 triệu du khách nước ngoài đến Lào, tương đương 1/4 dân số của nước này, đem lại nguồn thu nhập cho du lịch Lào 146 triệu USD, bằng gần một nửa khoản thu ngân sách.

Từ khi cây cầu thứ 2 qua sông Mekong nối với Thái Lan đi vào hoạt động, lượng du khách đến Lào tăng đột biến, mở ra triển vọng hợp tác về du lịch giữa Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế đánh giá nước Lào đang nắm bắt thời cơ, đang tạo nên những bước đột phá và đang có những tiền đề cho một thời kỳ tăng tốc.

Bên cạnh những thuận lợi, các địa phương của Lào cũng gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình hợp tác EWEC như: Lào vẫn là quốc gia có cơ sở hạ tầng cũ kỹ lạc hậu. Quốc gia này không có đường xe lửa, mới bắt đầu hình thành hệ thống đường, phương tiện thông tin liên lạc trong nước và nước ngoài còn hạn chế; Nguồn tài chính đất nước bị ảnh hưởng do tác động từ những yếu tố bên ngoài như: giá xăng dầu thế giới và giá hàng nhập khẩu tăng. Đây là những yếu tố bất lợi cho kinh tế Lào vì Lào là nước tiêu thụ xăng dầu, hàng hoá nhập khẩu là chủ yếu, xuất khẩu không đáng kể; Sự thâm hụt ngân sách nhà nước và gia tăng các khoản nợ; Cơ chế hành chính còn kìm hãm sự phát triển chung và còn quá nhiều vấn đề về bộ máy hành chính, về con người trong các cơ quan hành chính ở Lào...

Lào có một tỉnh nằm trên EWEC là tỉnh Savanakhet. Tỉnh Savanakhet là một tỉnh lớn của Lào, nằm giữa tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có diện tích rộng lớn, thuận lợi cho phát triển trồng trọt chăn nuôi, có nhiều sông ngòi, có rừng nguyên sinh và nhiều loại sinh vật vùng rừng nhiệt đới, có nhiều mỏ quặng như: vàng, đồng đỏ, thạch cao, khí đốt...và khí hậu ưu đãi. Tham gia tiến trình hợp tác kinh tế EWEC, tỉnh Savanakhet đã dựa vào các thế mạnh trên nên tỉnh có nhiều lợi thế cho việc đầu tư phát triển. Chính phủ Lào và chính quyền tỉnh Savanakhet đã chỉ đạo sử dụng một cách thận trọng để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phối hợp các dự án quốc tế đầu tư khai thác hợp lý. Trong giai đoạn 2005 - 2010, nền kinh tế của tỉnh Savannakhet có những bước phát triển toàn diện với tốc độ tăng bình quân 10%/năm trong đó lĩnh vực nông lâm nghiệp tăng 7%, công nghiệp tăng 18% và dịch vụ tăng 16%, GDP bình quân đầu người 897 USD/người/năm, tăng từ 25-30%/năm, việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu cũng tăng lên như: gạo, đường, thuốc lá, gia súc, gỗ quý, vàng, đồng đỏ, thạch cao, đá xây dựng,... Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước cũng được cũng cố và tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi để thương mại, đầu tư và du lịch. Góp phần làm cho nền kinh tế của tỉnh Savannakhet phát triển vững mạnh hơn trước [125, tr14-15].

Mặc dù còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả hợp tác của EWEC nhưng đến thời điểm này, các nước liên quan đã có những động thái tích cực để đón đầu cơ hội từ EWEC. Tại Lào, các tuyến đường thuộc EWEC đã và đang được nâng cấp, hoàn thiện để đưa vào sử dụng phục vụ cho thông thương và phát triển kinh tế của các địa phương của Lào nói riêng và của EWEC nói chung.

Tham gia hợp tác phát triển EWEC sẽ giúp Lào phát huy lợi thế của các địa phương mình, tranh thủ được các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho sự phát triển. Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ VIII Đảng nhân dân cách mạng Lào tháng 3-2006 đề ra trong giai đoạn 2006-2010: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm vững chắc an ninh, ổn định chính trị, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đưa đất nước tiếp tục tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu chung là đến năm 2020, đưa đất nước phát triển, mức sống của nhân dân tăng gấp 3 lần hiện nay [156, tr2].

Một phần của tài liệu 3. NguyenHoangHue_NoiDung (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(196 trang)
w