5. Cấu trúc khóa luận
2.2.1 Tản Đà từ quan niệm “nhân sinh như mộng” đến nỗi chán kiếp
trong mộng. Tản Đà một mực tìm đến mộng. Vậy, cũng chính từ cái tôi, cái ngông của mình mà Tản Đà tìm đến cái mộng thoát ly. Anh thư ký Nguyễn Khắc Hiếu, trong bức thư đáp lại cô Chu Kiều Oanh ở Giấc mộng con cũng tự nhận rằng mình thiếu đức tính “trầm, tiềm, mộng, cương nghị, minh, tĩnh” mà không tài nào khác đi được. Có thể nói, điểm nổi bật nhất của cái tôi thoát ly trong thơ văn Tản Đà là thái độ chán ghét thực tại và nỗi mong mỏi tìm đến một thế giới mới, tạm gọi đó là “thế giới thần tiên” hay “thế giới mộng ảo”, đó là một thế giới khác xa cuộc đời chật chội, một sự vượt thoát ra khỏi cái giả dối, trần tục của đời sống thực. Với giấc mộng thoát ly của Tản Đà, chúng tôi xét thấy có năm biểu hiện: quan điểm “nhân sinh như mộng”, mộng lên cung trăng, chán đời, mộng lên trời gặp tiên và giấc mộng viễn du.
2.2.1 Tản Đà từ quan niệm “nhân sinh như mộng” đến nỗi chán kiếp làm người người
Thật cảnh ngộ của Tản Đà ngày càng túng quẫn, nhưng điều đó không dẫn ông đến thái độ chống đối xã hội mà ông đi con đường của các nhà nho tài tử xưa: hướng về triết lý Trang Chu, một triết lý xem đời là mộngảo. Vậy nên, nói đến giấc mộng thoát ly của Tản Đà thì biểu hiện trước tiên là ở quan niệm “nhân sinh như mộng” của ông. Quan niệm ấy không phải chỉ mình ông Hiếu đã có đầu tiên, từ những thế kỷ trước, người ta đã cho rằng đời là giấc mộng, như trong thơ của Lý Bạch có câu:
Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh!
(Xuân nhật tuý khởi ngôn chí – Lý Bạch) dịch nghĩa:
Ở cõi đời như trong giấc mộng lớn,
Tại sao mà phải làm mệt nhọc cuộc sống! Bản dịch của Tản Đà:
Ở đời như giấc chiêm bao
Cái thân còn đó, lao đao làm gì?
Về quan niệm này của Tản Đà, Vũ Bằng từng viết trong Người ghét Tản Đà như sau: “Trăng, gió, rượu, thơ, sông, núi,…tất cả đều là cái nguồn sầu, nói chi đến sinh, lão, bệnh, tử!”.Vì quan niệm nhân sinh như mộng ảo nên Tản Đà lúc nào cũng nhận thức đời không là gì cả mà chỉ là một mối sầu dằng dặc. Và cũng chính từ “quan niệm cuộc đời vô nghĩa, sống là gửi, thác là về như thế, cho nên Tản Đà coi sự sống chỉ là một cuộc sống chỉ là một cái trò chơi, còn sống ngày nào thì còn chơi ngày ấy” [7; tr. 161]. Tản Đà không nói suông, đã không ít lần ông bày tỏ quan điểm ấy trong thơ văn. Và câu thơ “Đời người như giấc chiêm bao” được Tản Đà sử dụng ở cả 3 bài thơ, đó là: Thơ rượu,
Đời lắm việc và Mấy vần ngẫu hứng.
Quan niệm ấy còn thể hiện qua giấc kê vàng ta đã từng bắt gặp trong “Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai” (Đoạn trường tân thanh). Tản Đà viết:
Nào những ai:
Kê vàng tỉnh mộng,
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.
“Giấc mộng kê vàng” là một điển cố văn học được khá nhiều thi nhân sử dụng, nguồn gốc lấy từ câu chuyện trong Chẩm trung ký về một chàng tên Lư Sinh được Lữ ông đạo sĩ cho một chiếc gối và chìm vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ ấy, cả một đời người dài với bao nhiêu là thăng trầm đã diễn ra vô cùng chân thực, để rồi khi “chợt tỉnh mộng, thấy nồi kê nấu vẫn chưa chín. Lư sinh ngạc nhiên nói: Có lẽ mình nằm mộng chăng? Lữ ông cười nói: Việc đời cũng như mộng vậy thôi” [13; tr. 179]. Vậy, “Giấc hoàng lương”, “Giấc mộng kê vàng”, “Giấc Nam Kha”, “Giấc hòe” đều do điển cố trên, “chỉ sự vinh hoa phú quý ở cõi đời chỉ như một giấc mộng” (Đinh Gia Khánh). Từ quan niệm ấy dẫn đến lối suy nghĩ không bon chen, đặc biệt là sự xem thường công danh phú quý của Tản Đà:
Ngẫm nghìn xưa: ai tài hoa, ai tiết liệt, ai đài trang.
Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ
(Đời đáng chán)
Quan niệm đời người như một giấc mộng, khi mùa xuân sắp tới, thêm một tuổi mới, Tản Đà tiễn ông Công lên trời mà lòng bâng khuâng nghĩ thân mình ấy vậy mà nằm mộng đã được một nửa giấc, đời người trăm năm nay đã đi qua một nửa thời gian:
Qua hết đông này năm chục tuổi
Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng
(Tiễn ông Công lên trời)
Con người vốn ham sống, những người giàu sang, quyền lực lại càng ham sống lâu hơn. Tương truyền hoàng đế Tần Thủy Hoàng gần cả cuộc đời truy tìm thuốc trường sinh. Tản Đà nhận thấy cuộc đời vốn chỉ là một giấc mộng
ngắn, ngắn đến nỗi từ cổ chí kim đã có mấy ai thọ được tới trăm tuổi, ấy vậy mà người ta cứ ham chữ “thọ”, cứ mong mỏi kéo dài sự sống trên cõi tục:
Đời người như giấc chiêm bao Nghìn xưa đã mấy ai nào trăm năm.
Một đoàn lao lực lao tâm
Quí chi chữ “thọ” mà lăm sống nhiều.
(Thơ rượu)
Với quan niệm hướng đến sự nhàn trong tâm, Tản Đà cho rằng mọi việc ở đời cũng chỉ là giấc chiêm bao, vậy nên phàm là con người thì tại sao phải “lao tâm lao lực” vì cái hình hài phù du ấy? Sao không tận hưởng cuộc sống một cách nhàn nhã nhất. Trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ, có câu: “Lạ lùng nhất là người nào cũng biết rằng mình sẽ chết, vậy mà vẫn tiếp tục lăng xăng làm cái này cái nọ y như thể mình trường sinh bất tử”, trùng hợp thay lại tương đồng với quan niệm của Tản Đà:
Đời người như giấc chiêm bao Mà trong mộng ảo lại sao không nhàn
Đã sinh ra ở nhân hoàn
“Lao tâm lao lực” một đoàn khác chi!
(Đời lắm việc)
Hỉ, nộ, ái, ố trong kiếp người ai rồi cũng phải trải qua, có ai hơn ai, chẳng ai khác ai. Vậy nên theo Tản Đà thì hãy sống vô ưu vô lo:
Vui buồn ai cũng có khi
Trăm năm một giấc mơ màng Nghĩ chi cho bận gan vàng hỡi ai!...
(Đời lắm việc)
Ông còn cho rằng vũ trụ, thiên nhiên là vĩnh hằng, chỉ có cuộc đời con người là hữu hạn mà thôi:
Đời người như giấc chiêm bao Trơ trơ là cái hoa đào gió đông!
(Mấy vần ngẫu hứng)
Hoa đào, gió đông cũng là một điển cố, “Gió đông là gió mùa xuân thổi từ phương Đông. Hoa đào năm nay vẫn tươi đẹp hớn hở cười với gió xuân. Thôi Hộ có bài thơ:
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng,
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
(Dịch nghĩa: Năm ngoái hôm nay trong cổng này, mặt người và hoa đào màu hồng ánh lẫn nhau. Nay mặt người không biết đã đi đâu, chỉ còn hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ)” [13; tr. 200]. Ấy là sự vĩnh hằng của vũ trụ và sự hữu hạn của kiếp người. Cuối cùng, nhìn lại cuộc đời mình, trong Pháo giao thừa của nhà thi sĩ, Tản Đà viết: “Nhân hồi tưởng nửa năm nay thuộc năm Quý Dậu trở về trước, “Giấc mộng con” là mộng! “Giấc mộng lớn” cũng là mộng! Duyên trái Hà thanh, thi bay Nam định đã là mộng! Chủ bút báo Hữu thanh, chủ sự báo An Nam chẳng qua cũng là mộng! Diễn thuyết Trí Tri, giảng học Hồng Bàng đã là mộng! Thư điếm phố Hà nội, biệt thự đồi Vĩnh Yên chẳng
qua cũng là mộng! Nghĩ vậy thời lại thấy bao năm trước năm Quý Dậu đó đều cũng chẳng có chi là giá trị mà cứ gì Quý Dậu một năm?”. Như vậy, Tản Đà xem những sự kiện xảy ra trong cuộc đời mình, năm này sang năm khác, cũng chỉ như một giấc mộng.
Muốn lên cung trăng, Tản Đà bộc lộ sự chán cả một kiếp làm người. Lại một lần nữa, Tản Đà sử dụng hình ảnh loài chim, loài vật từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự tự do. Song, ước muốn thoát ly lần này là sự hóa kiếp thành đôi chim nhạn, một giấc mộng vượt thoát hoàn toàn. Những câu thơ trong bài thơ Hơn nhau một chén rượu mời đã cho thấy một sự bất lực của cả kiếp người, đến nỗi chỉ mong kiếp sau được làm một giống loài khác, không phải là con người:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay Tuyệt mù bể nước non mây
Bụi hồng trông thẳm như ngày chưa xa.
(Hơn nhau một chén rượu mời)
Tuy nhiên, Tản Đà không hề đơn độc, Nguyễn Công Trứ trước đó cũng đã từng bày tỏ ước muốn được chuyển kiếp làm cây thông. Phải chăng vì đã trải qua một thời gian tù túng ở chốn quan trường nên khi đã về hưu, ông mong ước kiếp sau được sống đời tự chủ để được tự do cất lên tiếng nói trung thực của mình, như cây thông kia được “đứng giữa trời mà reo”. Tản Đà không còn phải sống dưới chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế như cụ Trứ, ấy nhưng cái thời đại mà Tản Đà phải sống còn rối ren hơn nhiều, chả trách ông lại mong mỏi đến kiếp sau, khi mà kiếp này chẳng thể cho ông những gì mà ông kỳ vọng. Cuộc đời con người, đáng chán là thế, cuộc đời của những người tài ba lỗi lạc,
còn đáng chán hơn khi thời đại không cho phép họ được tung bay như cánh chim, được reo như cây thông giữa trời:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
(Cây thông - Nguyễn Công Trứ)
Kiếp này làm người hiếm hoi niềm vui, thế nên chúng ta không lạ khi Tản Đà xem đời là bể khổ, một quan niệm rất gần với triết lý nhà Phật. Như trong bài thơ Cánh bèo, Tản Đà nhân một lần đến nhà một “người bạn son phấn” chơi ở Hải Phòng nên mượn cánh bèo để nói người ấy, Tản Đà còn tự chú thích rằng: “nghĩ cho rộng ra thời khắp cõi đời người đâu đều cũng là nơi bể khổ, cái kiếp đời trôi nổi ai cũng như bèo mà thôi. Ai ơi vớt lấy kẻo hoài!” [3; tr. 115]:
Khắp nhân thế là nơi khổ ải
Kiếp phù sinh nghĩ lại cũng như ai. Ai ơi, vớt lấy kẻo hoài.
(Cánh bèo)
Thế nên, Tản Đà luôn tự dặn với mình, với chính ảnh của mình rằng:
Trăm năm ta lánh cõi trần
Nghìn năm mình giữ tinh thần chớ phai.
Chán đời là thế, xem chuyện đời như mộng ảo là thế, nhưng oái ăm thay Tản Đà vẫn cứ phải sống, cứ phải sống làm một con người.“Năm Duy Tân thứ chín, Duy Tân lập hậu mà mình cũng thành hôn. Đến nay cũng ba bốn đứa con, cảnh ngộ ở đời cũng chẳng khác chi người khác; lo ăn lo mặc, kiếp phù sinh rút lại cũng như ai. Cho hay con người ta sinh ra đời như đã dưới một cái quy trình nhất định, dầu có muốn ương với hóa công mà thoát vòng đào trú, khó thay!” (Giấc mộng lớn).