5. Cấu trúc khóa luận
1.4.1 Tản Đà có tầm ảnh hưởng lớn và đóng góp đáng kể cho tiến
hiện đại hóa văn học Việt Nam
Nói về tầm ảnh hưởng của Tản Đà, dựa theo thư mục do con trai trưởng của Tản Đà, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương biên soạn trong cuốn Tản Đà về tác gia và tác phẩm thì chỉ xét riêng từ năm 1917 đến năm 1989, trên văn đàn đã có đến 299 bài viết của hơn 180 tác giả về Tản Đà bao gồm những kỷ niệm về Tản Đà và nghiên cứu, phê bình về tư tưởng, văn chương Tản Đà.
Trích trong lời giới thiệu của Giáo sư Hà Minh Đức trong cuốn Tản Đà – về tác gia và tác phẩm: “Khép lại thời cận đại, Tản Đà đã đến như sự báo hiệu cho những đổi thay trong thơ ở một chặng mới. Tản Đà chất chứa nhiều mâu thuẫn, mâu thuẫn của buổi giao thời mà ông là người quy tụ hơn là đổi thay. Thơ Tản Đà chứa đựng một tấm lòng, ông khao khát tìm một thế giới tốt đẹp ở trần giới hay nơi tiên cảnh, ông sống giữa mộng và đời nhưng cuộc đời thực vẫn day dứt tác giả khôn nguôi.” Trong bài Công của thi sĩ Tản Đà, Xuân Diệu viết: “Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một bản ngã, một cái tôi”, “Tản Đà tiên sinh sinh vào hồi giao thời lúc thơ cổ tàn và thơ kim đang phôi thai. Tản Đà bắt đầu ca lên những điệu mới đầy rẫy hồn thơ” [7; tr. 227] và nhiều khiNguyễn Khắc Hiếu đã“đứng ở vị trí tiền đạo: Phiêu lưu tên lính đội tiên phong”. Có thể kể ra sau đây một số biểu hiện của tính tiền đạo “tiên phong”ấy.
Đầu tiên, theo Văn Tâmtrong bài viết Tản Đà – nhà văn hóa tiền đạo,
thì Tản Đà chính là người “đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ” (Hoài Thanh) của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại. Thái độ khẳng định cái bản ngã trong các tập giấc mộng (Giấc mộng con, Giấc mộng con II, Giấc mộng lớn) của Tản Đà táo bạo đến nỗi Phạm Quỳnh so sánh sự phô bày cái tôi ấy với hành động của “người cuồng trần truồng đi ngoài phố”. Nhưng rồi những tác phẩm có đề tài “đời tư” như vậy sẽ khởi nguồn biết bao tác phẩm về sau.
Văn Tâm gọi Tản Đà là “nhà văn hóa tiền đạo” và theo ông, Tản Đà có công lớn trong việc phá luật thơ cũ. Thơ mới chính thức được “trình chánh giữa làng thơ” năm 1932 nhưng trước đó hàng chục năm, ông ấm Hiếu đã sáng tác thơ mới rồi, với các bài thơ phá vỡ niêm luật thơ Đường như: “Hoa rụng”, “Còn chơi”, “Cảm thu tiễn thu”, “Thơ mới” v.v…Năm 1934, Tản Đà thủ thỉ với mọi người trong Tiểu thuyết thứ bảy rằng: “Những điệu thơ đó thật tự tôi đặt ra, không theo niêm luật ở đâu hết, duy tôi không gọi nó là thơ mới mà thôi” [7; tr. 469]
Thứ đến, có thể gọi Tản Đà là một cây bút “khai sơn phá thạch” trong văn xuôi quốc ngữ. Có thế thấy rằng trong nền văn xuôi quốc ngữ buổi phôi thai khoảng vài chục năm đầu thế kỷ XX, Tản Đà là người đầu tiên viết truyện dài: Giấc mộng con (1917), Thần tiền (1919), viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng: Giấc mộng con IIvà viết tự truyện: Giấc mộng lớn(1929). Dương Bá Trạc đã khẳng định công lao của Tản Đà trong việc xây dựng nền văn xuôi quốc ngữ thưở ban đầu bằng nhận định: “Mời mươi mười lăm năm nay, sĩ phu trong nước mới có cái khuynh hướng về văn quốc âm…Ông Nguyễn Khắc Hiếu chính là một tay kiện tướng trên trường hãn mặc ấy”[7; tr. 470].
Gọi Tản Đà là “một nhà báo kỳ cựu” (từ dùng của Văn Tâm) cũng không có gì sai. Bởi lẽ Tản Đà tham gia hoạt động báo chí rất sớm với những bài đăng
trên Đông Dương tạp chí(1915), làm chủ bút báo Hữu Thanh(1921), phụ trách phần văn chương của Đông Pháp thời báo (1927), chủ bút An Nam tạp chí (1926 – 1932). Trong Giấc mộng con II, Nguyễn Khắc Hiếu còn làm báo với cụ Hàn Thuyên trên thiên giới, được Trời khen là nhờ có sự giúp đỡ của Hiếu ở mấy mục “xã thuyết, văn uyển, thời sự, tiểu thuyết” mà Thiên triều nhật báo “tấn tới lắm”. Riêng về Tờ An Nam tạp chí, tờ báo Tản Đà làm chủ và dồn sức xây dựng nên. Tuy hoạt động thất thường (chủ yếu hoạt động mạnh vào năm 1930, 1931, 1932) nhưng vẫn được xem là một trong những tờ báo đầu tiên có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của văn học Việt Nam thời cận đại theo khuynh hướng hiện thực.
Trước Tản Đà, văn chương vẫn còn được xem là một thứ hàng hóa trong nền “kinh tế quà tặng”, thực tế là thì xã hội phong kiến vốn không có nghề văn, đến khi Pháp đặt nền đô hộ lên nước ta thì vẫn chưa có nhà văn chuyên nghiệp, do đó Tản Đà là nhà văn Việt Nam đầu tiên “đem văn chương ra bán phố phường”, dám sống bằng nghề văn. Cũng từ đó, văn chương được xem như một cái nghề, có thể kiếm ra tiền dù không nhiều nhặn gì vào lúc ấy. Một điều đáng lưu ý nữa ở thi sĩ núi Tản sông Đà, ông tuy là nhà thơ nhà văn những luôn ôm ấp một giấc mộng làm nhà tư tưởng, và ông thực hiện điều đó bằng việc rao giảng thuyết Thiên lương, một sứ mệnh vô cùng thiêng liêng mà ông kể rằng có lần Trời đã giao cho ông:
Trời định sai con một việc này
Là việc “thiên lương” của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay.
(Hầu Trời)
Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam đã đặt Tản Đà vào một vị trí đặc biệt, là một “bậc đàn anh” chứng giám cho cuộc đổi thay của lớp nhà thơ
mới. Rõ ràng, nếu không có Tản Đà thì các nhà thơ mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận sẽ trở nên lạc loài, và nếu không có Tản Đà thì cả Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương cũng sẽ trở thành những hiện tượng cá biệt.“Có Tản Đà, chúng ta mới thấy một mạch thơ từ cuối thế kỷ XVIII đến phong trào thơ mới.” [7; tr. 575].
Ảnh hưởng của Tản Đà đối với lớp tân học sau thật đã ra ngoài cái kết quả mong đợi, kế tục Tản Đà, những nhà thơ trẻ lãng mạn lớp sau như Thế Lữ cũng đã đi vào cái cảnh giới thần tiên, nghe lại cái “Tiếng sáo Thiên Thai”. Bắt đầu từ Tản Đà, cái Tôi mới “hiện ra sừng sững” qua các tập chép mộngvà cũng bắt đầu từ Tản Đà,“trong văn chương lãng mạn Việt Nam mới có hình ảnh một lữ khách. Chẳng bao lâu, người lữ khách ấy đã quyến rũ được khá nhiều bạn đồng hành: “người bộ hành phiêu lãng” của Thế Lữ, khách “giang hồ” của Lưu Trọng Lư”[22; tr. 343]. Như vậy, sau những đả kích của phe thơ mới, Tản Đà lại được công nhận là nhà thơ nổi bật nhất trong 30 năm đầu thế kỷ XX, là người mở đầu. Năm 1939 sau khi Tản Đà mất, trên báo Ngày nay số 166, tờ Tao Đàn số đặc biệt, Tản Đà lại được đề cao. Vì vậy mà “Tản Đà có quyền tự hào: ông đã đến đúng lúc ở cái vạch dành cho ông, trao chiếc gậy cho Nguyễn Công Hoan và Nguyễn Tuân, cho Xuân Diệu và Tú Mỡ vút băng về phía trước trên con đường chạy tiếp sức hiện đại hóa văn học Việt Nam.” [7; tr. 504]. Như vậy, cũng có thể nói Tản Đà là “một trong những bàn tay đầu tiên khơi dòng văn học hiện thực phê phán” (từ dùng của Văn Tâm). Từ trước năm 1920, yếu tố hiện thực phê phán đã xuất hiện một cách đáng kể trong các tập văn xuôi của Tản Đà, cho tới khi An Nam tạp chí ra đời, Tản Đà liền cho mở hẳn hai mục: “Việt Nam nhị thập thế kỷ - xã hội thiển đàm” và “Việt Nam nhị thập thế kỷ - xã hội ba đào ký” với chủ trương rõ ràng muốn làm cái việc “thư ký của thời đại”. Nguyễn Công Hoan cũng thừa nhận bản thân ông chịu ảnh hưởng của Tản Đà rất nhiều. Trong văn xuôi, tuy thành công của Tản Đà không sâu rộng bằng,
nhưng cũng không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của ông với lớp nhà văn sau. Một ví dụ rõ rệt nhất là Nguyễn Công Hoan, bằng cuốn Kiếp hồng nhan, Nguyễn Công Hoan đã theo sau các “học trò chính tông” của Tản Đà. “Về tinh thần, thật ông Hoan là như cái quái thai của ông Hiếu. Vậy ông Hiếu chỉ cho ông Hoan cái hứng làm văn, mà văn ông Hoan lại hoàn toàn ở tài ông Hoan. Nhưng ông Hoan cũng chẳng thể bạc đến nỗi không nhận mình là học trò” (Tao Đàn, số đặc san về Tản Đà, 1939) [7; tr. 225].