Một cá tính đặc biệt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mộng trong thơ văn tản đà (Trang 33 - 37)

5. Cấu trúc khóa luận

1.3.2 Một cá tính đặc biệt

Về cá tính của Tản Đà, đã có không ít những nhà văn nhà thơ cùng thời thuật lại. Trong bài viết Bây giờ đây, khi nắp quan tài đã đậy lại, Lưu Trọng Lư kể tường tận rằng, có một buổi sáng nhà thơ xin vào “yết kiến nhà thi sĩ mà bấy giờ tôi coi như là một vị sứ giời sai xuống, hay là bị đày xuống cõi trần gian để làm một anh nhà nho ngông, một nhà thi sĩ nghèo, một ông chủ báo phiêu bạt, làm cái ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, mà khắp trần gian đều khét tiếng” [7; tr. 47]. Lưu Trọng Lư yêu quý Tản Đà là thế, nhưng thi nhân cũng phải thành thật mà kể lại rằng, Tản Đà là một người khá khó tính và cũng khá ngạo nghễ, “Chỉ ngay trong một việc nói chuyện, bất kỳ về một vấn đề gì, tiên sinh cũng chỉ cướp lấy hết lời mà nói và không bao giờ chịu để nghe ai nói bao giờ” [7; tr. 47].

Nguyễn Tuân cũng là một người khá quý mến ông Nguyễn Khắc Hiếu lúc bấy giờ, Nguyễn Tuân có lần gửi tặng nem và bó đóm cho ông, khiến Tản Đà cảm động vô cùng. Trước khi Tản Đà mất không lâu ông có ghé nhà thi sĩ, Nguyễn Tuân đã vô cũng xúc động và cảm mến trước “cái mừng rỡ xiết bao thành thực” trong câu “cố nhân lai” của Tản Đà tiên sinh. Nguyễn Tuân xót thương cho cái cảnh nghèo nàn của một con người tài hoa, ấy vậy mà “chỉ tay vào chồng sách cũ xếp trên cái ghế mọt dài, chỉ tay vào hai chiếc ghế mây đã gần thành bẩy chân choãi, ông Tản Đà vẫn còn hài hước: “Nhiều lắm mà làm gì. Hai chiếc ghế cũng đủ chán. Chủ ngồi một chiếc, khách ngồi một chiếc” [7; tr. 62]. Có lẽ nào, cái nghèo của thi nhân lâu nay đã trở thành một sự thật hiển nhiên, thế nhưng qua lời kể của Nguyễn Tuân, ta cũng có thể hình dung ra một Tản Đà tếu táo, hiền lành, không màng vật chất. Sống trong cảnh nghèo là thế, vui vẻ với cảnh nghèo là thế, nhưng Tản Đà tiên sinh cũng có lần viết trong

Giấc mộng conrằng:“Có người, cho cái áo vải thì chê, đợi cho cái áo gấm mới mặc”. Tản Đà là người có cá tính đặc biệt như thế.

Trong giới văn nhân nghệ sĩ thì Ngô Tất Tố có một thời gian khá dài hợp tác và gần gũi với Tản Đà. Trong bài Tản Đà ở Nam Kỳ,Ngô Tất Tố có đề cập đến chuyện Tản Đà vào Nam tất thảy ba lần, lần thứ nhất cái cớ ông đi là vì sự thất bại của An Nam tạp chí, mà “nguyên nhân làm cho tờ tạp chí ấy phải chết là rượu. Đành rằng nếu không có rượu thì ông Tản Đà sẽ không phải là ông Tản Đà, nhưng khi nó làm cho ông Tản Đà thành ông Tản Đà thì chính nó cũng là thủ phạm làm cho An Nam tạp chí không có bài đưa đi in.” [7; tr. 51]. Tản Đà mê rượu lắm, nhưng cái khác người nhất của ông là “đức tiêu tiền”. Ngô Tất Tố kể rằng, Tản Đà tháng nào cũng phải chật vật chi tiêu dù lương bổng khá cao. Rượu và tiền là hai thứ đã phá hỏng mối quan hệ vốn rất tốt đẹp của hai người, song Tản Đà dường như chẳng quan tâm mấy đến chuyện ấy, Tản Đà vốn ngông. Ngô Tất Tố kể thêm về cái sự ngông lan truyền khắp trong Nam của ông Tản Đà và mọi người đều coi đó là sự dĩ nhiên, họ chấp nhận chứ không ai thắc mắc hay cưỡng lại. “Có lần ông cử Tùng Lâm đã bị mắng oan vì nó. Số là Tản Đà chịu phần phụ trương của Đông Pháp thời báo nhưng một hôm vì thiếu bài mà đã đến kỳ in nên ông cử Tùng Lâm đã cho bừa một bài thơ vào đó. Tản Đà vô cùng tức giận mắng rằng: “Nếu thiếu bài thì bỏ trắng đấy cho tôi. Không xin phép tôi mà cho bài thơ kia vào đấy, thế là ông hỗn” [7; tr. 53]. Cái ngông trong nghiệp làm báo của Tản Đà còn được Quách Tấn trong bài Kỷ niệm về Tản Đà viết rằng: Có lần Tản Đà vào Sài Gòn viết giúp cho tờ Đông Pháp thời báo của Diệp Văn Kỳ, sợ báo ra trễ vì cái ngông của Tản Đà, Diệp Văn Kỳ đến yêu cầu Tản Đà viết cho báo ra đúng kỳ, thì “tiên sinh liễm dung nói: Ông mướn tôi vào đây để viết văn hay để bửa củi? Nếu bửa củi thì lúc nào cũng được. Bằng viết văn thì phải đợi hứng, không hứng không thể viết” [7; tr. 131], hôm sau thì Tản Đà trả nhà, trở về Bắc mà không một lời từ giã.

Quách Tấn là một nhà thơ hàm ơn Tản Đà, cho nên đối với Tản Đà, Quách Tấn vẫn “một mực tôn kính vào bậc thầy. Cũng trong bài ấy, nhà thơ đã bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu vô bờ với Tản Đà, người đã có công nâng đỡ cho mình trong nghiệp văn chương. Như vậy, Tản Đà ngông, nhưng cũng như Văn Tâm nhận xét: “về căn bản, cuộc sống của Tản Đà có một giá trị đạo đức.” [22; tr.263]. Hơn nữa, Phan Khôi, người anh em cột chèo với Tản Đà từng nhận xét ông là người “vui tính, hay cười và nhũn nhặn lắm”.

Tản Đà nghèo, gia cảnh và tâm sự về cái nghèo túng của ông một phần lớn đã được phản ánh qua thơ văn. Thế nhưng từ năm 1935 trở về sau“nỗi sinh nhai thật khốn khó đến mức tận cùng! Nhất là về chỗ ở. Tiền nhà không trả kịp kỳ, tiên sinh thường phải chịu nhục!” [7; tr. 133]. Túng quẫn quá, Tản Đà còn phải bán bản quyền bộ Liêu trai chí dị cho nhà in Tân dân với giá tiền năm chục đồng. Khốn nỗi nhà in lại trả tiền thành nhiều lần nên mỗi lần chỉ được một ít. Cái sự cần tiền còn khiến Tản Đà phải chầu chực đợi tiền ở văn phòng báo Ngày naycủa Nhất Linh và Khái Hưng. Nhưng theo lời của Quách Tấn thì “Tản Đà tiên sinh không hề giới ý. Thái độ của tiên sinh lúc bấy giờ thật khác hẳn mấy năm trước. Đó là do tuổi tác hay do nghèo?”. Bản thân chúng tôi khi đọc đến những dòng này, tự bản thân cảm thấy thương xót cho Tản Đà vô cùng. Một con người tài hoa, từng được biết bao người mến tài đón tiếp nồng hậu, nay vì lòng người thay đổi hay vì cao tuổi, vì nghèo mà phải chịu cảnh đứng đợi từng đồng bạc bán văn. Một Tản Đà ngông nghênh ấy vậy mà không hề ý giới chuyện “bọn trẻ” thất kính. Một Tản Đà thật lạc lõng và đáng thương ở những năm cuối đời. Và rồi, vị trích tiên ấy cuối đời chỉ còn “một tấm thân tàn phế, trên một căn gác nhỏ thiếu rượu, thiếu ăn, thiếu cả thuốc thang, bè bạn” [7; tr. 149].

Tản Đà mất, nhưng những người yêu mến ông, hiểu về ông sẽ nhận ra rằng: “Một thiên tài sống như thế, quá là bị đọa đày, cho nên một số lớn anh

em cho rằng ông chết đi như thế là may mắn và chủ trương rằng nên làm một cái lễ riêng ở nhà báo, mừng cho Tản Đà từ giờ trở đi không còn phải đau khổ nữa” [7; tr. 150] (theo Vũ Bằng trong bài viết Người ghét Tản Đà).

Như vậy, cậu ấm Hiếu đã có một tuổi thơ khá vất vả, rày đây mai đó, cùng với những đổ vỡ, những thương tổn về gia đình, về tình yêu, có lúc tưởng có thể giết chết được cậu ấm. Nhưng, tất cả những trắc trở ấy không thể làm mờ đi một tài năng thiên phú cùng với cá tính vô cùng đặc biệt, khiến nhiều người kính mến đến mức tôn sùng, nhiều người kinh hãi. Trong hơn năm mươi năm sống trên cõi đời, nhà thơ núi Tản sông Đà thật đã có một cuộc đời đáng nhớ, đáng trân trọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mộng trong thơ văn tản đà (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)