5. Cấu trúc khóa luận
1.5.2 Một thời đại “đáng chán” đối với Tản Đà
Phàm đã là con người, ít nhiều cũng chịu tác động từ môi trường mà bản thân sinh ra và lớn lên, Tản Đà cho dù nhận mình là “trích tiên” thì có lẽ chính ông cũng không thể phủ nhận được những tác động của hoàn cảnh lịch sử - xã hội đến suy nghĩ. Vậy, Tản Đà đã sống trong một thời đại “đáng chán” như thế nào, mà đến nỗi ông không chỉ chán đời mà còn “ngán” cả đời.
Ngày 31 tháng 8 năm 1858, Pháp nổ súng trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng, Việt Nam) mở ra một cuộc xâm lược quy mô và lâu dài. Phẫn nộ, làn sóng khởi nghĩa trong quần chúng càng được đẩy cao hơn bởi thái độ vô cùng bạc nhược của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Thế nhưng, nông dân anh hùng cũng không lay được thế nước, một xã hội thực dân nửa phong kiến ra đời kéo theo những xáo trộn không thể tránh khỏi. Kinh tế tư bản, sự chiếm lĩnh của đồng tiền và những lợi nhuận đã mang đến một xã hội rối ren chưa từng thấy, thậm chí có những giá trị đạo đức cũng có thể mua bằng tiền, đồng tiền có thể nói đã thay đổi cục diện đất nước ta một cách sâu rộng, người ta có thể “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Bên cạnh đó, sự sụp đổ của những chế độ phong kiến, của những giềng mối tưởng chừng như chẳng thể rạn nứt đã mang đến cho văn học giai đoạn này những thay đổi đáng kể. Hàng loạt tác phẩm văn học giàu tính chiến đấu ra đời mà nổi cộm trong số đó phải nói đến các tác phẩm của thi sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu
như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Thào thử hịch, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh…
Nói về giai đoạn ấy, trong Tản Đà – khối mâu thuẫn lớn, Văn Tâm có viết: “Trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, do chính sách bóc lột tận xương tủy và những chủ trương thâm độc về văn hóa, chính trị của đế quốc Pháp, những con người tiểu tư sản Việt Nam nếu không bị phá sản để rớt xuống hàng ngũ lao động chân tay, nếu không bị lưu manh hóa, thì cuộc sống của họ, nói chung (nhất là ở các tầng lớp tiểu tư sản lớp dưới), chỉ là một chuỗi dài những ngày tháng chạy vạy miếng cơm manh áo, những ngày tháng đầy rẫy lo âu khổ cực và những chuyện eo sèo thảm hại. Tình trạng bất ổn về sinh hoạt vật chất và nhức nhối về tinh thần đó đã khiến những con người tiểu tư sản, nói chung, rất chán ghét thực tế xã hội đương thời.” [22; tr. 268].
Những biến chuyển về chính trị đã kéo theo những thay đổi trong các mặt của đời sống, tiêu biểu nhất là sự sụp đổ của chữ nho, hay nói rộng hơn là nền Hán học đã ngự trị trong văn hóa và văn học Việt Nam hằng bao nhiêu thế kỷ. Thời đại này là lúc mà như Trần Tế Xương nói, những người từng rất được trọng dụng trong chế độ cũ, nay “cũng nằm co”:
Nào có ra gì cái chữ nho,
Ông nghè ông cống cũng nằm co
(Chữ nho)
Một thời đại mà đất nước phải chịu cảnh xâm lược, dân tộc phải chịu ách nô lệ, không hề có một lối thoát. Tản Đà mộng, âu cũng là một điều hoàn toàn dễ hiểu và dễ chấp nhận. Hơn nữa Tản Đà yêu nước nhưng thực chất ông bất lực trước thời cuộc, thế nên ông mộng mị nhiều, mà cũng bế tắc nhiều. Cũng từ thực tế đáng buồn của đất nước mà cái sầu và cái chán bắt đầu hình thành và trở thành “nhịp cầu” đưa Tản Đà đến những giấc mộng thoát tục và tươi đẹp:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm đôi chim nhạn giữa trời mà bay.
(Hơn nhau một chén rượu mời)
Thơ văn Tản Ðà nói nhiều đến chữ sầu, có thể nói Tản Ðà đã xướng lên một nỗi buồn đặc biệt, lãng mạn. Cái buồn của Tản Ðà là nỗi buồn thầm kín, như nằm tận đáy sâu của lòng người có thể bật dậy bất cứ lúc nào. Nó không sầu não, tang tóc nhưng da diết, khó nguôi. Tản Ðà buồn, thứ nhất là buồn về thân phận mình và buổi cho những người cùng cảnh ngộ :
“Ngắn dài sáu lớp mươi câu hát Vui khóc năm canh một cuộc đời Cũng muốn thôi đi thôi chửa dứt Tài tình lụy lắm bạn tình ơi!” (Ðề tuồng Tây Thi)
Nằm trong khuynh hướng chung của giai đoạn văn học giao thời, khi mà văn hóa, tư tưởng, văn học phương Tây bắt đầu thổi vào văn học Việt Nam những làn gió mới với đặc điểm “mỗi người là một thế giới” của chủ nghĩa lãng mạn, cái tôi cá nhân được dịp bùng phát, thực sự trở thành cái tôi trong văn học. Bên cạnh đó, không khí thời đại đau buồn bởi biến cố chính trị, tình hình còn sầu thảm hơn bởi những tác phẩm văn học lãng mạn của Tây cổ, Tàu cổ nổi bật như Hồng lâu mộng du nhập vào và được dịch. Vậy nên ba mươi năm năm đầu thế kỷ XX đã nhen nhóm và hình thành khuynh hướng văn học lãng mạn mà bên cạnh Tản Đà còn có Trần Tuấn Khải với Duyên nợ phù sinh, Đông Hồ với Cô gái xuân, Tương Phố với Giọt lệ thu…