Khái niệm chung về nghề nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hứng thú nghề nghiệp của học viên trường trung cấp công nghệ kỹ thuật phước lộc (Trang 31 - 33)

Có nhiều cách nhìn khác nhau về nghề nghiệp.

-Theo Từ điển tiếng Việt 2000, nghề là “công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội” (Hoàng Phê, 2000).

-Từ điển tiếng việt định nghĩa nghề nghiệp chính là nghề, Nghề là công việc một người thường chuyên làm để sinh nhai (Minh Tân, Thanh Nghi và Xuân Lãm, 1999).

-Theo từ điển bách khoa tâm lí học giáo dục học việt nam, nghề (occupatione) là sự phân công lao động của xã hội cho mỗi người để họ cống hiến cho xã hội và nuôi sống bản thân cũng như gia đình. Dạy nghề là một phạm trù đào tạo được tiến hành theo một chương trình với những quy định về nội dung, thời gian, chương trình tuyển sinh, trình độ tốt nghiệp và các loại văn bằng chứng chỉ cấp cho người tốt nghiệp để họ có thể hành nghề (Phạm Minh Hạc, 2013).

-Tác giả Nguyễn Như Ý định nghĩa nghề trong Đại Từ điển Tiếng Việt giống như Từ điển Tiếng Việt 2000. Nghề là “Công việc chuyên làm theo phân công của xã hội” (Thái Trí Dũng, 1998).

-Theo E.A.Klimov, nghề nghiệp là “lĩnh vực sử dụng sức lao động vật chất và tinh thần của con người một cách có giới hạn, cần thiết cho xã hội (do sự phân công lao động mà có). Nó tạo ra khả năng cho con người sử dụng sức lao động của mình để thu lấy những phương tiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển” ( Lương Duy Thiện, 2013).

-Theo Nguyễn Văn Hộ, “nghề nghiệp như là một dạng lao động vừa mang tính xã hội, vừa mang tính cá nhân trong đó con người với tư cách là chủ thể hoạt động đòi hỏi để thỏa mãn những nhu cầu nhất định của xã hội và cá nhân” ( Nguyễn Văn Hộ, 2000).

-Dưới góc độ tâm lí học, nghề nghiệp là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo ra con người có những tri thức, những kĩ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được nhu cầu xã hội (Phan Thị Tố Oanh chủ nhiệm đề tài, Hoàng Minh Hùng, Nguyễn Thị Thu Hiền, Phùng Đình Dụng và Lê Khắc Mỹ Phượng, 2006).

-Tác giả Quý Long cho rằng nghề hay còn gọi là nghề nghiệp. “Nghề nghiệp bao hàm 3 ý: Một là có công việc, tức là có việc để làm, có việc để xử lí; hai là có thu nhập để có được tiền lương hoặc có được thu nhập kinh tế của những hình thức khác nhau; ba là có giới hạn thời gian” (Quý Long, 2009).

Để làm rõ khái niệm nghề nghiệp, người nghiên cứu tìm hiểu thêm khái niệm công việc và sự nghiệp. “Công việc là việc cụ thể phải bỏ công sức ra để làm” (Minh Tân, Thanh Nghi và Xuân Lãm, 1999). Công việc chỉ mang tính tạm thời, không có tính lâu dài như nghề nghiệp.“Hai khái niệm nghề nghiệp và công việc rất gần nhau, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng không đồng nhất. Nghề nghiệp được coi là việc làm nhưng không phải việc làm nào cũng là nghề nghiệp. Những việc làm nhất thời, không ổn định do con người bỏ sức lao động giản đơn và được trả công để sinh sống thì không phải là nghề nghiệp” (Phạm Tất Dong, Đặng Danh ánh, Nguyễn Thế Trường, Trần Minh Thu và Nguyễn Dục Quang, 2004). Nghề được coi là công việc có chuyên môn. Người

ta chọn nghề để sinh sống. Thành quả của nghề chính là tiền lương. Còn nghiệp muốn nói đến sự nghiệp, ước mơ muốn theo đuổi, muốn thực hiện. Một người có thể thay đổi nhiều nghề để phát triển sự nghiệp của mình. Có nhiều người chọn nghề tạm thời vì đồng tiền. Cũng có nhiều người may mắn hơn chọn nghề đúng với sở thích, hợp với sở trường và trở thành nghiệp.

Từ những khái niệm nghề nghiệp mà chúng ta đã tìm hiểu, có thể nói rằng

nghề nghiệp là một thuật ngữ dùng để chỉ một hình thức lao động trong xã hội. Trong đó, người hành nghề có chuyên môn, có những kĩ năng, kĩ xảo nhất định và theo phân công lao động, con người tạo ra những sản phẩm vật chất, tinh thần cho xã hội nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân và đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hứng thú nghề nghiệp của học viên trường trung cấp công nghệ kỹ thuật phước lộc (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)