Chúng tôi tiến hành quan sát và phân tích một số tiết ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 do hai giáo viên G1, G2 thực hiện tại hai lớp C1, C2 cùng một trường. Các gíao viên đều cho chúng tôi cùng một nhận định rằng: Phần hình học không gian đã bắt đầu học từ lớp 11 (dù rằng cũng đã phân bố thời gian ôn hình học không gian ở lớp 11) nhưng tỉ lệ phần trăm xuất hiện trong các đề thi là không cao nên đa phần học sinh không quan trọng phần này. Bên cạnh đó việc giải một bài toán liên quan đến hình học không gian cần phải quy tụ rất nhiều những yếu tố kỹ năng: biết vẽ hình, dựng hình, đọc hình, khả năng quan sát và phán đoán rất cao, nên các giáo viên luôn gặp khó khăn trong việc ôn tập cho học sinh ở chương này trên lớp, thường sẽ để học sinh tự nghiên cứu ở nhà, hoặc nếu có thì cũng tiến hành giải những bài tập cơ bản quen thuộc trong các đề thi của những năm trước.
Chúng tôi cũng có ghi nhận thêm rằng, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, các trường luôn có thời khoá biểu và kế hoạch ôn tập cụ thể tuy nhiên, việc phân bổ thời gian, số tiết cho từng chương phụ thuộc vào kinh nghiệm của giáo viên và sự mong muốn tiếp thu bài của học sinh.
Việc tiến hành quan sát và phân tích thực hành giảng dạy của G1, G2 nhằm để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu của chúng tôi như sau:
Những KNV nào liên quan đến Khối đa diện được Giáo viên ưu tiên ôn tập cho học sinh?
Có hay không việc Giáo viên sẽ cung cấp thêm cho học sinh những Lý thuyết, công nghệ (không nằm trong SGK) nhằm giúp học sinh dễ dàng giải quyết những KNV liên quan đến Khối đa diện?
Có hay không việc giáo viên cung cấp những kỹ năng (mẹo) giúp học sinh có thể dự đoán gần chính xác kết quả bài toán mà không cần phải qua những bước giải rườm rà?
Có hay không những dạng bài tập trắc nghiệm mà việc tìm đáp án cũng thực hiện giống như đối với bài tập tự luận cùng loại?
Xuất phát từ những câu hỏi nghiên cứu trên, chúng tôi đã xin được dự giờ G1, G2.