Thờ cúng tổ tiên, cha mẹ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ca dao nam bộ từ góc nhìn văn hóa phong tục (Trang 101 - 107)

Trong Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Trần Ngọc Thêm (1996) đã cho rằng con người là một thể thống nhất giữa linh hồn và thể xác. Và linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng. Người xưa cũng tin: Chết tức là cơ thể chuyển từ trạng thái động trở thành tĩnh, linh hồn đi từ cõi Dương sang cõi Âm. Chết là về với tổ tiên nơi chín suối và người đã khuất vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho người thân. Đây là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng người thân trong gia đình.

Trong Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Huỳnh Ngọc Trảng (2013) đã khẳng định: “Phụng thờ tổ tiên là nghĩa vụ của đạo Hiếu được chế định trong cổ luật hẳn hòi nên không gian thờ tự năm đời (Ngũ đại mai thần chủ) ở mỗi gia đình là một thiết chế cụ thể”.

Nhận xét về phong tục tín ngưỡng này, Vũ Minh Chi (2004) cho rằng trong xã hội có tập tục cúng bái tổ tiên, linh hồn của tổ tiên vẫn tham gia vào mạng lưới hoạt động xã hội của những người còn đang sống, tác động đến

việc duy trì quan hệ gắn kết xã hội của những người còn đang sống như lúc sinh tiền, song ảnh hưởng của các linh hồn tổ tiên chỉ tác động đến con cháu họ mà thôi. Như vậy, con người vẫn duy trì mối quan hệ họ hàng với người đã chết. Sự giao tiếp này được thể hiện qua các nghi lễ thờ cúng.

Con cháu được hưởng thành quả ngày hôm nay là do tổ tiên đã không quản ngại gian lao tạo dựng. Ông bà, cha mẹ đã dày công làm ra của cải vật chất và tinh thần, truyền dạy những kinh nghiệm quí báu, tu nhân tích đức... để thế hệ sau có cuộc sống ấm no. Cho nên, bổn phận làm con phải biết thương yêu, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ không chỉ lúc còn sống mà cả khi đã chết. Hay nói cách khác, thờ cúng tổ tiên là biểu hiện của chữ “Hiếu”, đồng thời đây là một truyền thống tốt đẹp khắc họa đạo lí uống nước nhớ nguồn:

“– Khôn ngoan nhờ đức cha ông Làm nên phải nhớ tổ tông phụng thờ Đạo làm con chớ hững hờ

Phải đem chữ hiếu phụng thờ cho nghiêm. “– Làm con chữ hiếu lo tròn

Đáp ơn cha mẹ để còn tiếng thơm.”

Xuôi dần về miền đất phương Nam, dấu ấn của Nho giáo nhạt dần. Nếu trong quan niệm Nho giáo quan hệ vua tôi được đặt lên hàng đầu, thì trong ca dao Nam Bộ, quan hệ gia đình được xem là cốt lõi. Trong ca dao Nam Bộ, hành động “lập miếu thờ vua, lập trang chờ mẹ, lập chùa thờ cha” được nhắc lại nhiều lần cho thấy vị trí quan trọng của cha mẹ. Phải chăng, nơi thờ tự thể hiện tấm lòng của con cái? Hình ảnh “miếu, trang, chùa, lăng” là không gian thiêng gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo đã trở thành nơi thờ tự cha mẹ. Điều này góp phần tạo nên vẻ đẹp của văn hóa Việt, thờ cúng cha mẹ nói riêng và thờ cúng tổ tiên nói chung đã trở thành đạo lí dân tộc, thể hiện niềm thành kính của con cháu dành cho các vị “truyền nhân thủy tổ” của mình:

“– Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá Ngó về biển thấy cặp cá đang đua. Anh bảo em về lập miếu thờ vua

Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.” “– Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn,

Hai đứa mình lên non lấy đá xây lăng phụng thờ.” “ Quyết lòng lập miếu chạm rồng,

Đền ơn phụ mẫu ẵm bồng ngày xưa.”

Ở vùng đất mới, hành trang mang theo của những con người dũng cảm dám gửi lại mồ mả tổ tiên để tìm nơi lập nghiệp là truyền thống văn hóa lâu đời. Dù dứt áo để ra đi nhưng họ vẫn hướng tấm lòng thành kính thiêng liêng về tổ tiên dòng tộc. Ca dao Nam Bộ khắc họa nỗi niềm thương nhớ của người con xa xứ. Khi hướng về cội nguồn, lúc nào cũng đau đáu một tâm tình quê cha đất tổ, nơi ấy có cha mẹ già ngày đêm trong ngóng, có tổ tiên đang dõi theo ngàn dặm hành trình. Cho nên, người con lúc nào cũng khắc khoải “ai nuôi cha mẹ, ai thờ tổ tiên”:

– Anh đi ghe cá cao cờ

Ai nuôi cha mẹ, ai thờ tổ tiên ?

Ở miền Bắc, khi người con gái lấy chồng, theo chồng thì chỉ tưởng nhớ cha mẹ, ông bà trong tâm khảm, hoàn toàn không có quyền thờ tự. Tuy nhiên, ở vùng đất phương Nam, người dân chân chất, thật thà, chuộng nghĩa khí, không quá quan trọng gia phong lễ giáo. Việc thờ cúng tôn trọng tình cảm, không phân biệt đối xử. Bàn thờ Cửu huyền thất tổ thờ cả tổ tiên của hai bên nội ngoại của vợ và chồng. Chính sự dung hòa này đã tạo nên mối keo kết dính tình nghĩa, gia đình luôn êm ấm, an vui. Con cái được hưởng phúc:

“– Phụ mẫu anh như phụ mẫu nàng

Mai sau có thác, chạm chữ vàng thờ chung “– Phụ mẫu bên anh như phụ mẫu bên nàng

Bôi tranh vẽ tượng phết vàng anh thờ chung

Trong mỗi gia đình, bàn thờ là không gian thiêng nhất, là nơi cư ngụ của các vị tiền nhân thủy tổ, những người đã khuất. Bàn thờ được bố trí ở gian chính trong nhà. Bàn thờ là nơi hội tụ hồn thiêng của gia tộc. Nơi đó, họ có thể quan sát, dõi theo hành động của các thành viên trong gia tộc mình để giúp đỡ, phù hộ cho con cháu, đồng thời trừng phạt những kẻ có hành vi trái với luân thường đạo lí. Hình ảnh bàn thờ được khắc họa trong ca dao mang ý nghĩa thiêng liêng, cao quí, là một “cội nguồn” sâu thẳm nhất, nơi đó, con cháu làm gì cũng phải suy tính thiệt hơn, giữ gìn phẩm hạnh để làm rạng rỡ tông môn họ hàng:

“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn Nước có nguồn mới bể cả sông sâu Người ta nguồn gốc ở đâu

Gốc từ trên tổ rồi từ sau mới có mình Nguồn gốc ấy đinh ninh luôn nhớ Phải lo làm rạng rỡ tông môn.”

Họ cũng cảm thấy có lỗi khi cuộc sống nghèo khó, mảng lo làm ăn mà quên chăm sóc bàn thờ tổ tiên:

“Ngó lên tổ nễ chau mày,

Mảng lo sự khó, quên ngày muối dưa.”

Bàn về nghi thức thờ cúng, người Việt thường thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên hàng ngày. Nén nhang đã đi vào đời sống tâm linh của người Việt như một nét đẹp gần gũi mà thiêng liêng cao quí. Thông thường, mùi hương của nhang sẽ tạo không khí thanh tịnh, xua tan lạnh lẽo. Không những thế, nén nhang kết nối thế giới âm dương. Tâm thành của con cháu theo khói để đến với tổ tiên, hương hồn tổ tiên dựa theo hương thơm để trở về quây quần cùng con cháu. Sự kết nối keo sơn ấy khiến mối quan hệ gia đình ngày càng bền chặt hơn. Đặc biệt, khi còn tang chế, con cháu luôn thắp nhang trên bàn thờ

người đã khuất. Có lẽ, hương của nhang đặc biệt là trầm hương có thể thanh tẩy không khí trong nhà. Hơn thế nữa, trong làn khói nhang mờ ảo, trong tâm tình của con cháu anh linh của người đã khuất vẫn còn hiển hiện:

“Thắp nhang cho sáng bàn thờ Kẻo cha mẹ quở không nhờ rể con.”

Hay nỗi lòng của đứa con khi không tròn hiếu đạo. Nhìn bàn thờ khói nhang nguội lạnh, hương hồn của mẹ cũng không còn hiện hữu xung quanh, con cái không khỏi chạnh lòng, cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo. Cái lạnh này không chỉ của không gian tự nhiên mà còn là cái lạnh của cõi lòng, sự ân hận, giày vò trong tâm khảm. Theo lệ xưa, sau ba năm tang chế người xưa chỉ đốt nhang một lần trong ngày, nhìn thấy bàn thờ lạnh tanh cũng có nghĩa là mẹ đã rời xa lâu rồi, nỗi nhớ niềm thương càng sâu sắc hơn:

Ngó lên nhang tắt đèn mờ

Mẫu thân đâu vắng, bàn thờ lạnh tanh”

Có lẽ vì vậy, người Việt ở Nam Bộ thường thắp nhang vào mỗi tối để bày tỏ tấm lòng hướng về ông bà, những người đã không quản công lao để nuôi dạy con cháu nên người.

Người Việt quan trọng ngày mất hơn ngày sinh. Vì ngày mất là ngày trở về đoàn tụ cùng tổ tiên. Tuy thể xác không còn tồn tại nhưng linh hồn vẫn hằng dõi theo, phù hộ cho người thân. Người còn sống tổ chức lễ giỗ nhằm tưởng nhớ công ơn và họ hàng con cháu gặp gỡ nhau. Hay nói cách khác, lễ giỗ là sợi dây kết nối tình cảm thiêng liêng của con người.

Người xưa tổ chức ba lễ giỗ đầu đánh dấu mốc quan trọng của con người sau khi chết. Những lần đó, con cháu mặc áo tang, quây quần đầy đủ, bày tỏ lòng thương tiếc. Sau ba năm, đám giỗ được tổ chức vào ngày mất. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi chỉ thấy ca dao phản ánh lễ giỗ sau khi mãn tang. Lễ giỗ là tấm lòng của người còn sống đối với người đã khuất. Dù giàu hay nghèo, con cái cũng cố gắng làm lễ giỗ tươm tất “thờ phụ mẫu mâm

cao cỗ đầy”. Nhà giàu thì tổ chức lễ giỗ linh đình trong vài ba ngày, thậm chí làm trâu để cúng bái:

“Cồng cộc bắt cá ở bàu

Cha mẹ mày giàu, đám giỗ làm trâu”

Những người đến tham dự lễ giỗ thường được gia chủ biếu một ít bánh trái về làm quà cho trẻ nhỏ ở nhà. Chỉ vài cái bánh nhưng chan chứa tình cảm họ hàng, lối xóm:

“Anh đi ăn cỗ nhà giàu

Lột lưng bánh ít đem dìa cho em.”

Dù là vùng đất mới, có sự thay đổi về phong tục lễ nghi, nhưng lễ giỗ vẫn thường do con trai hoặc con thừa tự đảm nhiệm. Việc cháu ngoại không thờ giỗ ông là việc đương nhiên trong xã hội phụ hệ, đây là phong tục được người Việt mang từ cội nguồn theo hành trình khai hoang, lập ấp:

“– Cồng cộc bắt cá dưới sông

Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ. – Cá sặc muốn bắt dùng lờ

Mấy đời cháu ngoại mà thờ giỗ ông”

Nhưng đôi lúc, gia cảnh nhà ngoại không có con trai, thì con gái, cháu ngoại đảm nhận cúng giỗ hằng năm. Thậm chí, cháu ngoại còn mổ heo để cúng tế và thiết đãi họ hàng:

“Cồng cộc bắt cá dưới hào

Ông ngoại tôi giàu, tôi giỗ thịt heo.”

Không chỉ thờ tự ở nhà, cúng giỗ hằng năm, người Việt còn tảo mộ vào dịp tết, tiết thanh minh. Bài ca dao sau đã khắc họa đậm nét truyền thống văn hóa tốt đẹp này. Việc rủ nhau “viếng mả cha”, “tảo lăng mồ mẹ”, chứng minh cho tấm lòng hiếu thảo của con cái:

“Ào ào gió giục mây Tần,

Rủ nhau lên viếng mả cha,

Tảo lăng mồ mẹ lụy đà tuôn rơi. Công cha trượng lắm cha ôi,

Ngãi mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.”

Phong tục này bắt nguồn từ đạo lí “Chim có tổ, người có tông”, “Uống nước nhớ nguồn”, trọng tình trọng nghĩa, có trước có sau của nhân dân ta. Đi vào ca dao, việc cúng giỗ của người Nam Bộ chuộng sự giản dị, cốt yếu ở tấm lòng chân thành tưởng nhớ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ca dao nam bộ từ góc nhìn văn hóa phong tục (Trang 101 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)