6. Kết cấu của luận văn:
3.1.3. Kiểu người tường thuật ủy thác cho nhân vật:
3.1.3.1. Người tường thuật ở kiểu này vẫn luôn tách mình ra khỏi câu chuyện, dẫn dắt
câu chuyện từ ngôi thứ ba. Nhưng nếu cứ một mình làm nhiệm vụ ấy cho đến hết tác phẩm, thì người kể sẽ gây cảm giác tẻ nhạt cho người đọc. Vì thế, để tạo cho câu chuyện có không khí sinh động, người tường thuật tạm giấu mình, nhường lại công việc thuật chuyện cho các nhân vật, để cho họ được nói năng tự do như cuộc sống thực. Sự rút lui có chủ ý của người tường thuật giúp cho câu chuyện kể mang tính khách quan, đồng thời tính cách, tâm trạng, quan điểm của nhân vật cũng sẽ tự bộc lộ thông qua ngôn ngữ kể chuyện của nó. Đến với những tác phẩm lời văn được tổ chức theo kiểu tường thuật ủy thác, độc giả còn thấy mình như đang được tham gia đối thoại cùng nhân vật, như đang có mặt để cùng tham gia vào các biến cố, các sự kiện của câu chuyện.
Cuộc đời nhân vật Tư Tốn (Điều tra về một cái chết) được người tường thuật đứng ở ngôi thứ ba kể lại là chủ yếu, song người đọc vẫn nhận thấy có những chỗ người kể đã ủy thác cho nhân vật ông Bảy, ông Hai Gáo, ông Năm Sạng, hay Sáu Lưu - bạn thân của Tư Tốn nói về anh ta. Hoặc những chuyện nhơ nhớp trong hội thánh, tội ác của những kẻ chức sắc đi trước được kể ra bởi nhiều nhân vật; lúc thì lời của ông Năm Sạng, lúc của ông Hai Gáo, khi thì của Tư Tốn...
Lối tường thuật ủy thác cho nhân vật được thể hiện rõ nhất qua tiểu thuyết “Một cõi nhân gian bé tí”. Nguyễn Khải gần như giao phó toàn bộ việc kể chuyện cho Chính. Công việc hàng ngày của nhân vật là xem xét hồ sơ vụ án, thẩm vấn bị cáo ở các phiên tòa. Qua
những câu chuyện kể của anh, người đọc thấy được một thực trạng đau đớn của xã hội. Đó là người phạm tội ác ngày một gia tăng, mức độ phạm tội ngày một nguy hiểm. Đặc biệt là sự tha hóa của một bộ phận những người có học thức. Họ biết làm như thế là vi phạm pháp luật mà vẫn làm, bất chấp hậu quả chỉ vì miếng cơm manh áo. Đã có lần, Chính cảm thấy “đọc hồ sơ nhiều vụ án mà ghê sợ, là tội ác của thú dữ, chứ không còn là những lầm lỡ đáng thương của con người”. Như đã trình bày ở mục 2.2.2.2, gia đình không còn là nơi đem lại cho Chính sự bình yên, thanh thản. Quá mệt mỏi, anh bỏ về quê. Theo bước chân của nhân vật, có mặt ở những cuộc gặp gỡ của Chính với những người bạn, người quen của anh, người đọc một lần nữa, được chứng kiến cuộc sống u uẩn, trầm uất, khổ sở của một số người vì sự lựa chọn sai lầm lúc trẻ mà phải sống vật vã ở những năm tháng còn lại của kiếp người. Giá trị hiện thực, tính khách quan của câu chuyện qua cái nhìn của Chính, vì thế làm cho người đọc cảm thấy hứng thú. Họ cũng trực tiếp chứng kiến các biến cố để suy ngẫm về những cảnh đời, những số phận con người trong buổi giao thời của xã hội. Còn câu chuyện của Chính lại được tác giả kể lại thật sinh động, không kém phần bi kịch ở ngôi thứ ba.
“Những năm gần đây, Chính không muốn ở liền với gia đình cả năm trời. Mỗi năm anh cảm thấy rõ rệt hơn cái nhàm chán của những lo lắng quen thuộc, những dặn bảo quen thuộc và cả những giận đỗi quen thuộc (...). Bây giờ thì khác tất cả đã thay đổi. Thay đổi quan trọng nhất là đồng lương của anh hóa ra vô nghĩa, nuôi một người đi làm còn thiếu nói gì tới giúp đỡ người khác. Anh không thể đòi hỏi người nội trợ của gia đình về cái ăn, cái mặc cho anh, cho các con anh như trước kia”.
3.1.3.2. Nhờ sự chuyển đổi vai trò người kể chuyện từ chủ thể tường thuật sang các
nhân vật khác diễn ra thường xuyên trong lối tường thuật ủy thác cho nhân vật, nên điểm nhìn của truyện rất linh hoạt. Có khi tác giả ở ngoài nhân vật, có khi lại nhập vào nhân vật. Khi tác giả tách mình ra khỏi nhân vật, thì lời văn là lời gián tiếp của chủ thể kể, còn khi cùng hòa mình với nhân vật, thì lời văn là nửa trực tiếp. Trong một đoạn văn, điểm nhìn có khi được trao cho tất cả nhân vật có mặt hoặc được nhắc đến trong câu chuyện, kể cả chủ thể tường thuật.
“Mấy ngày Chính làm việc ở Hà Nội cứ thấy buồn, buồn vô cớ, buồn từ trong ruột buồn ra. Ở quê cũng buồn. Bữa ra Bắc thì háo hức thế, đến nỗi đứa con gái phải nói: (Lời gián tiếp và điểm nhìn của người kể chuyện,) “Hay là bố cố dì con ở ngoài ấy” (Lời trực tiếp- điểm nhìn của con gái Chính).Anh cau mặt: "Một mình mẹ mày cũng đủ điên đầu rồi"
Chị lướt qua hai bố con đang lúi húi gói buộc, lấy một cái gì đó trên mặt tủ rồi lặng lẽ bước vào. Không nói gì cả. Tức là bữa cơm chiều anh sẽ lãnh đủ mọi lời châm chọc xa xôi. Với bao ví dụ về các cặp vợ chồng hạnh phúc (Lời gián tiếp và điểm nhìn của người kể) “Làm vợ một thằng đạp xích lô nhưng vợ chồng quấn quýt vẫn cứ sướng hơn làm vợ một anh trí thức rởm” (Lời trực tiếp và điểm nhìn của nhân vật vợ Chính). Đoạn còn lại điểm nhìn lần lượt chuyển từ chủ thể kể sang Chính và vợ anh ta.
“Anh hỏi lại, một cặp vợ chồng đã già phải sống như thế nào mới gọi là quấn quít? Một câu hỏi khiêu khích không có ý trước đã buột ra. Chị đập tay lên bàn mắt sáng quắc, hung dữ: “Tôi không đòi hỏi anh phải luôn luôn ăn nằm với tôi, tôi cũng già rồi. Nhưng đôi lúc cũng phải có một lời động viên chứ. Ba bốn năm nay anh chưa đưa tôi đi xem phim, xem hát một lần nào...Tôi đâu cần xem, tôi cần đi với anh, vợ chồng đi với nhau để con cái nó vui, là bố mẹ nó đang sống rất hạnh phúc”.
Việc chủ thể kể trao điểm nhìn từ nhân vật này qua nhân vật khác tạo nên cái nhìn khá linh hoạt trong tác phẩm khi kể qua hình thức lời văn trực tiếp và gián tiếp. Cần lưu ý rằng, khi nhân vật được trao cho chức năng trần thuật, tức là nhận sự ủy thác của tác giả khi câu chuyện nhân vật kể vẫn mang quan điểm của tác giả, đúng như nhận xét của Phương Lựu:
“Lời của một nhân vật thì phải là lời trực tiếp, nhưng tác giả lại trao cho nó chức năng trần thuật nên lại gián tiếp. Lời là lời của nhân chứng hoặc của người trong cuộc, là lời kể có một sức thuyết phục riêng, có màu sắc cá tính và cảm xúc đậm đà, nhưng mang sứ mệnh trần thuật nó phải thể hiện quan điểm của tác giả” (46, 337).
3.1.4. So sánh với Nguyễn Minh Châu, chúng tôi nhận ra, không chỉ Nguyễn Khải, mà
cả tác giả của “Bức tranh” cũng sử dụng phương thức tổ chức lời văn theo kiểu khách quan hóa trong các tác phẩm ông sáng tác theo quan điểm sử thi, đặc biệt là các sáng tác trong chiến tranh, nhưng lại viết về đề tài thế sự. Tiêu biểu cho lối trần thuật hoàn toàn khách thể (tường thuật lạnh lùng) là các tác phẩm “Một người đàn bà tốt bụng”, “Đứa ăn cắp”, “Mẹ con chị Hằng”. Cùng với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải đã đem lại hiệu quả đặc sắc cho lối tường thuật khách quan hóa mà chúng tôi vừa trình bày ở trên.