6. Kết cấu của luận văn:
3.2.2. Kiểu người tường thuật xưng “Tôi” luôn tự ý thức về vai trò nhà văn của mình:
mình:
Ở kiểu tường thuật này, người tường thuật thay mặt nhà văn nói lên những tư tưởng, quan điểm sáng tác và thái độ đối với nghệ thuật. Vì thế, dấu ấn chủ quan của tác giả in đậm trong tác phẩm. Cũng nhờ đó, người đọc biết được những quan điểm nghệ thuật của nhà
văn, thậm chí những suy tư trăn trở có thật của người cầm bút khi chọn nghề viết văn làm lẽ sống.
Trong các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Khải không dành riêng một tác phẩm nào để hoàn toàn nói về nghề văn. Ở vài chỗ trong “Gặp gỡ cuối năm”, “Vòng sóng đến vô cùng”, “Thời gian của người”, tác giả đã kí thác cho chủ thể trần thuật, có khi tự bạch, có khi tranh luận với các nhân vật khác trong truyện, để bày tỏ quan điểm của mình về trách nhiệm của nhà văn trước nhu cầu của thời đại, hoặc về những đặc điểm sáng tác văn học và nhiệm vụ của nó trong thời kì đổi mới.
3.2.2.1. Ở tiểu thuyết “Thời gian của người”, chủ thể trần thuật đã so sánh công việc của nhà văn giống như của tu sĩ “chăm sóc cái phần cao cả, cái phần bền vững cái phần thiêng liêng của con người”. Lời nói của “Tôi” tuy ngắn gọn mà hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Nó đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho những người cầm bút. Sáng tác của họ trước hết phải hướng về con người và coi đó là đối tượng quan trọng nhất để phục vụ. “Chăm sóc cái phần cao cả, cái phần bền vững cái phần thiêng liêng của con người” là quan tâm phát hiện ra những điều tốt, điều thiện trong nhân cách đạo đức của con người đó, ngợi ca và góp phần làm cho nó ngày một hoàn thiện.
Ngợi ca “cái phần cao cả” thì dễ, làm cho nó cao cả hơn là điều không đơn giản, nên phải chăm sóc nó thường xuyên (công việc này không phải nhà văn nào cũng làm được). Trong các sáng tác của mình, Nguyễn Khải đã cố gắng rất nhiều nhằm thể hiện cho độc giả thấy, ông không chỉ phát biểu suông, mà lời nói gắn liền với hành động. Nhà văn không ngại viết về cái chưa cao cả ở con người, phê phán, đả kích, châm biếm những thói hư tật xấu, những hành động phi đạo đức của nhân vật. Qua đó, người đọc nhìn ra sai lầm (nếu có) của mình rồi khắc phục, sửa chữa nó, đồng thời biết xấu hổ, căm ghét, khinh bỉ những cái đê tiện, xấu xa, biết yêu quí tôn trọng và vươn tới những nhân cách, lí tưởng cao đẹp. Các tác phẩm của Nguyễn Khải, dù ở đề tài nào, thể loại nào (không riêng gì tiểu thuyết) cũng để lại cho người đọc, ở mức độ đậm nhạt khác nhau, những rung cảm thẩm mĩ, biết xúc động trước những nhân cách đẹp, có ý thức hướng thiện. Quan điểm của Nguyễn Khải không mới, vì trước ông đã có nhiều người đề cập đến, nhưng thể hiện một cách liên tục, xuyên suốt và đa dạng ở gần cả cuộc đời sáng tác như Nguyễn Khải thì thật đáng trân trọng.
Viết văn là để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người. Nhà văn “viết gì cũng phải nghĩ tới người đọc trước hết, họ thích cái gì, họ không thích cái gì vì họ là người
bỏ tiền ra mua”.Thực tế cho thấy, có những điều nhà văn thích, thấy là cần phải viết lại chưa chắc tạo được sự đồng tình của độc giả. Vì cái thích và không thích nó rất chủ quan, cảm tính, mang sắc thái cá nhân hơn là của cộng đồng. Từ khi viết văn là một nghề kiếm sống chân chính như bao nghề khác, nhà văn cũng phải biết tính toán, thức thời để sống khỏe. Nói như vậy không có nghĩa là người sáng tác chấp nhận bẻ cong ngòi bút, chạy theo những thị hiếu rẻ tiền của một bộ phận quần chúng để tồn tại. Nên hiểu câu văn trên ở khía cạnh tích cực nhất, tức là nhà văn phải biết tìm tòi, thay đổi, làm mới tác phẩm của mình cho phù hợp với trình độ của độc giả. Khi sáng tác, không chú ý đến họ là một sai lầm của người cầm bút. Điều này được minh chứng rất rõ qua câu chuyện người anh họ kể cho “Tôi” nghe ý kiến của Thụ về tác phẩm của nhân vật (cũng chính là người thuật truyện): “Thụ có ý chê cuốn mới rồi của chú”. Điều này khiến cho “Tôi” “thành thật ngạc nhiên”. Nhà văn “Tôi” không thể ngờ rằng, một người chỉ suốt ngày chạy rông ngoài đường như Thụ lại có thể ngồi một chỗ đọc sách (lại còn đưa ra được những lời chê mới ghê gớm chứ). Đây là suy nghĩ rất chủ quan của “Tôi” , cũng là của nhiều người cầm bút. Điều này khiến cho người anh rất bực. “Chú xem Thụ là người rừng hay sao mà không đọc sách (...) Chú đã biết gì về Thụ mà dám nói thế, chú nhìn lầm người rồi”. Người dẫn chuyện trong vai nhà văn đành phải thú nhận: “Quả thật tôi đã biết gì về anh Thụ đâu”. Phải chăng đây là suy nghĩ của tác giả. Trong một lúc nào đó, ông chưa nhìn nhận đúng mức về quần chúng văn học, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của họ. Bị độc giả chê tác phẩm, cũng có nghĩa là nhà văn chưa thể tìm được chỗ đứng cho chính mình.
3.2.2.2. Mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả, nhiệm vụ của văn chương với cuộc sống, nếu chỉ trình bày bằng những lời văn trực tiếp của chủ thể kể, sẽ gây cho người đọc cảm giác đơn điệu, nhàm chán, dù lời lẽ ấy có ý nghĩa như thế nào. Ý thức được điều này, nhà văn đã để cho “Tôi” tạm rời vị trí người dẫn chuyện, đóng vai một nhân vật tham gia tranh luận với các nhân vật khác trong tác phẩm. Minh chứng cho điều nhà văn thích viết chưa hẳn đã là cái người đọc muốn tìm hiểu, tác giả đã khéo léo tổ chức những cuộc đối thoại hoặc độc thoại để các nhân vật bộc lộ tư tưởng của mình.
Đây là đoạn đối thoại giữa hai chú cháu Bình trong “Gặp gỡ cuối năm” được chủ thể kể ghi lại bằng lời văn gián tiếp.
“Bình cười nói với tôi: “Khi nãy cháu nói hơi sỗ, chú đừng giận cháu nhá” Tôi cũng cười: “Ai lại giận nhân vật chính của mình bao giờ”. Nó giương cặp mắt cực kì thông minh, hỏi tôi: “Định đưa cháu lên đài bất tử đấy à? Là người tốt hay kẻ xấu?”. Tôi trả lời: “Cho
đến nay các nhân vật chính của nền văn học ta vẫn đều là người tốt cả” –“Theo cháu, nhân vật chính phải đặt được nhiều câu hỏi cho bạn đọc. Hắn là ai? Như thể là tốt hay xấu?”.
Từ lời trực tiếp của các nhân vật, chúng ta thấy có sự khập khiễng giữa sở thích viết của các nhà văn khi chọn nhân vật chính cho tác phẩm và nhu cầu được thưởng thức, chiêm nghiệm văn chương của độc giả. Lớp người như Bình không cần phải có những tấm gương sáng để noi theo. Cái họ cần là qua nhân vật văn học, họ có thể hiểu hơn về tất cả cái hay, cái dở của con người, được đi sâu vào thế giới tâm hồn phức tạp của nhân vật, tự rút ra điều cần thiết nhất cho mình. Vì thế, vấn đề Nguyễn Khải đặt ra để tranh luận là cần thiết. Lịch sử đã sang trang, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, con người không chỉ cần tu dưỡng để ngày một tốt hơn, thiện hơn, mà còn phải là người hiểu biết từng trải, dù phải trả giá bằng những thất bại ê chề. Có lẽ, vì quan điểm này mà nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Khải chưa bao giờ là người tốt một cách thuần túy.
Ở chỗ khác người tường thuật tự sự:
“Thế là tôi với Bình lại khác ý kiến về nhau rồi. (1) Tôi thích mẫu người sáng tạo, phong trần một chút, mẫu nhân vật văn học. (2) Bình thích loại người chấp hành thật nghiêm chỉnh mọi qui cách, hiểu thật hoàn hảo công việc của mình”(3)
Hoặc: “Tôi thích cái hôm nay ngổn ngang bộn bề (1) (...) Bạn đọc thích gì nào?(2) Thích đọc được các tác phẩm văn chương kì diệu hay thích cái hạnh phúc có thể tính trước của một xã hội đã ổn định? (3) Vứt cái văn chương của chú đi đục nước béo nhà văn là không được. Xã hội cần cái bình thường ổn định, cái có thể tính trước” (4)
Ở cả hai dẫn chứng, từ (1) đến (3) là độc thoại của “Tôi”, còn lại là lời của Bình được ghi lại bằng lời văn nửa trực tiếp. Qua hai đoạn trích trên, chúng ta một lần nữa thấy có sự lệch pha giữa quan điểm của chú Việt (đại diện cho nhà văn) và Việt (thay mặt cho độc giả). Một khi sự khác biệt ấy không được giải quyết, thì tác phẩm văn chương sẽ khó lòng đi vào lòng công chúng, chưa nói đến chuyện nó không thể phát huy hết khả năng tác động để làm biến đổi nhận thức con người, thay đổi cuộc sống. Cũng qua lời bộc bạch của “Tôi”, người đọc tinh ý sẽ nhận ra quan điểm của tác giả khi đánh giá giá trị của một tác phẩm văn chương bằng câu hỏi tu từ “Bạn đọc...ổn định?”. Lời của Bình cũng có thể coi là một cách trả lời. Một tác phẩm văn chương có giá trị nếu nó đáp ứng nhu cầu của độc giả, được mọi người đón nhận. Nội dung, tư tưởng góp phần làm cho xã hội ngày càng “ổn định”, giúp con người có khả năng “tính trước”, tức là dự cảm được những gì sẽ xảy ra để có thể tránh được
những thất bại, hoặc làm việc đạt kết quả cao hơn. Xét cho cùng, những độc thoại của “Tôi” và đối thoại của “Tôi” với Bình đều là lời trần thuật theo quan điểm chủ quan của tác giả. Hơn ai hết, Nguyễn Khải hiểu một cách sâu sắc đặc trưng và cũng là vấn đề sống còn của nhà văn là: Khi sáng tác phải luôn xác định xem mình nên viết cái gì, cái đó có giá trị đối với cuộc đời hay không.
Còn đây là đoạn đối thoại giữa người kể chuyện và Giang.
“Những câu chuyện của ông già có thể viết được một cuốn sách không chú ? - Nếu chính là ông Mười viết thì sẽ là một cuốn sách hay, rất hay.
- Chú có thể viết chứ?
- Chắc là không, vì mình là người ở chiến trường khác, có những từng trải khác.
- Có nghĩa là mỗi người đều có thể trở thành nhà văn, nếu họ tự viết về công việc và sự từng trải của chính họ.
Tôi trả lời dè dặt: - Có thể là như thế.
- Vậy thì nhà văn viết về cái gì? Viết về nghề văn? - (…)
- Chú sinh ra là để làm nghề viết vãn. Cái nghề của chú có trọng trách và sứ mạng riêng không phải bất cứ ai cũng có thể tùy tiện nhảy vô được, có đúng thế không?
- (…)
- Cách nghĩ của cậu còn phong kiến quá. Bây giờ người ta quan niệm cái nghề viết của bọn mình dân chủ hơn nhiều. Đứng lẫn vào trong nhân dân tất nhiên là dễ chịu rồi. Cái trách nhiệm của mình sẽ nhỏ lại, có khi còn không thể nhận ra (...)
- Nói như cậu, nếu không là nhà văn thì không có quyền in sách?
- Cứ viết và in nhưng người viết phải lấy tư cách là một nhà văn để chịu trách nhiệm trước bạn đọc và hậu thế. Chứ không thể cười cười mà nói rằng tôi chỉ là quần chúng viết văn thôi.”
Lời văn trực tiếp của cả hai nhân vật được tổ chức rất chặt chẽ bằng ngôn ngữ đối thoại mang đậm màu sắc tranh luận. Lúc này, “Tôi” không trực tiếp phát biểu quan điểm của
mình về văn chương, nói chính xác là trách nhiệm của nhà văn đối với những gì mình viết ra, mà để cho nhân vật Giang nói. Cách hoán đổi vị trí người phát ngôn này tỏ ra có hiệu quả. Một mặt, nó cho người đọc biết được trình độ của độc giả hôm nay không phải loại xoàng xĩnh, dễ chấp nhận một tác phẩm mà ở đó, nhà văn cứ đem quần chúng ra che đậy cái dở của bản thân mình. Họ không chỉ đánh giá một cách khách quan các sản phẩm nghệ thuật ngôn từ, mà còn yêu cầu người cầm bút phải xác định rõ vị trí nhà văn của mình, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trước bạn đọc và hậu thế.Và bởi lẽ, văn chương có những đặc điểm riêng, đòi hỏi người sáng tác phải có những phẩm chất cần thiết mới có thể gánh trọng trách và sứ mệnh lớn lao của nó. Nếu ai không có được cái tài, cái duyên may để đến với văn học, thì tốt nhất là đừng “tùy tiện nhảy vô”. Mặt khác, không khí đối thoại cởi mở giữa các nhân vật cũng là làm cho vấn đề tranh luận có tính khách quan hơn.
3.2.2.3. Bên cạnh việc thể hiện các quan điểm của mình về công việc viết văn, người
đọc còn nhận ra, đâu đó trong các cuộc nói chuyện, các đoạn độc thoại nội tâm, những suy tư trăn trở của “Tôi” cũng là của tác giả, về giá trị của văn chương trong thời buổi kinh tế thị trường. Khi đồng tiền là thước đo mọi giá trị, thì văn chương lẽ đương nhiên cũng bị nó chi phối. Nhưng đem cái sòng phảng kiểu “tiền trao cháo múc” vào lĩnh vực tinh thần này quả là điều mà không phải người cầm bút nào cũng có thể chịu đựng nổi. Sau khi mỉa mai về chuyện người ta trả ơn nhau bằng tiền, người kể tiếp tục qua câu chuyện văn chương. Lời văn gián tiếp hai giọng của nhân vật “Tôi” thể hiện nỗi bức xúc của bản thân nhà văn trước tình trạng đồng tiền với sức mạnh vô hình đã biến những thứ vốn có giá trị về mặt tinh thần thành thứ hàng hóa tầm thường. Một số nhà văn đã “thích ứng với những thay đổi của hoàn cảnh” bằng cách, lúc đầu chấp nhận chịu để những ông chủ trả tiền kiểu “mua đứt bán đoạn” những đứa con tinh thần, sau đó chính họ lại để người ta “mua đứt” nhân cách, sĩ diện, chấp nhận “bán đoạn” mình chỉ vì cần tiền. Thực trạng đau lòng này được chủ thể kể qua câu chuyện anh ta đã chứng kiến bằng lời văn gián tiếp.
“Lại nghĩ tới một bữa ăn tại nhà hàng, có một ông phó giám đốc một công ty dịch vụ, vào loại cán bộ trẻ, được đề bạt nhanh, cũng có học chút ít, nhất là lại có tiền, là người có quyền chỉ tiền và cũng có nhiều tiền để chi, là người đại diện cho “giá trị tức thời” ngồi thao thao thuyết giảng về triết học, về xã hội học, về văn học cho một lũ nhà văn, nhà báo, nhà triết học, nhà xã hội học, là những người viết thuê cho một tạp chí không ra định kì do chính ông phó giám đốc làm tổng biên tập và mỗi “nhà” cũng đã được nhận trước một chút tiền trà thuốc để viết bài. Được ăn rất no và ngon, lại có thêm một chút tiền và một chút
quà, thảo nào những người đại diện cho những “giá trị bền vững” gật gù nhịp nhàng thế, lại thêm cái cười nịnh và những câu đế theo sặc mùi tôi tớ. Lý do những “giá trị bền vững” đói quá, thiếu quá, đã đói, đã thiếu thì còn vai vế gì để lên mặt hướng dẫn cho cái “giá trị tức thời”. Cũng buồn nhỉ? Nói cho cùng, để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những “giá trị tức thời”. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những “giá trị bền vững”
Ta thấy: Có giọng trần thuật của chủ thể kể về “những điều trông thấy”, có giọng bình luận vừa mỉa mai, châm biếm “cũng buồn nhỉ”:, có lời khẳng định cái phần mà một số người cầm bút cố phủ nhận là cần thiết: “Sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những “giá trị bền vững”. Điều này cho thấy cách tổ chức lời văn của Nguyễn Khải rất linh hoạt. Dù đứng chủ yếu ở ngôi thứ nhất số ít để trần thuật chuyện, song khi cần để tạo nên tính khách quan, khái quát cho vấn đề, “Tôi” lại khéo léo rút lui, đứng ở vị trí người thứ ba nói lên sự nhận xét, đánh giá bằng cách bỏ đi đại từ nhân xưng “Tôi” như thường sử dụng ở kiểu tường thuật khách quan hóa. Từ sự sa ngã của một số nhà văn, nhà