3.3.1.1.Hoàn thiện các văn bản pháp lý về việc đo lường và quản trị RRLS tại các NHTM
Cho đến nay, các văn bản pháp luật về hoạt động ngân hàng chưa có văn bản nào quy định về việc quản lý, đo lường RRLS tại các NHTM, kể cả trong Quy chế giám sát của thanh tra ngân hàng Nhà nước cũng chưa có quy định nội dung giám sát này. Một khi cơ quan quản lý chưa có yêu cầu cụ thể thì các NHTM chưa thể nhận thức đầy đủ về sự cần thiết cũng như cách thức thực hiện việc quản trị RRLS và đây cũng chính là một điểm hạn chế cho việc lượng hóa RRLS tại các NHTM.
NHNN cần tăng cường quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ cho công tác quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại thông qua việc phổ biến kinh nghiệm về quản lý rủi ro của các ngân hàng trong và ngoài nước, ban hành các văn bản thống nhất về quản lý rủi ro và có biện pháp chế tài nghiêm túc các ngân hàng không tuân thủ các quy định này. Hỗ trợ các NHTM trong việc đào tạo, tập
huấn cho cán bộ nghiệp vụ, hướng dẫn xây dựng một hệ thống chuẩn để tính toán và đo lường RRLS.
Mặt khác, các văn bản nghiệp vụ về nghiệp vụ phái sinh cũng chưa được hoàn thiện. Hiện tại, ngân hàng Nhà nước mới chỉ ban hành các văn bản quy định
về nghiệp vụ phái sinh lãi suất mới chỉ có giao dịch hoán đổi lãi suất, chưa có văn
bản pháp lý nào được ban hành để hướng dẫn các NHTM thực hiện nghiệp vụ phái sinh về lãi suất khác như quyền chọn, kỳ hạn, tương lai.... Đối với các giao dịch phái sinh về chứng khoán như giao dịch kỳ hạn, quyền chọn trái phiếu, cổ phiếu cũng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện tại Việt Nam. Vì vậy trong thời gian tới, NHNN cần ban hành văn bản quy định và hướng dẫn về sử dụng sản phẩm phái sinh trong phòng ngừa RRLS tại các NHTM.
3.3.1.2.Thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt
Nhìn chung, trong thời gian qua, chính sách tiền tệ được thực thi bởi Ngân hàng Nhà nước đã góp phần vào thành tích tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam, ổn định tỷ giá có lợi cho xuất khẩu, tăng cường dự trữ ngoại hối cho đất nước, giữ mức lạm phát trong vòng kiểm soát theo hướng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, việc kết hợp các công cụ trong chính sách tiền tệ; giữa chính sách tiền tệ thuộc điều tiết của Ngân hàng Nhà nước và chính sách tài khoá trong vòng kiểm soát của Bộ tài chính đôi lúc còn trái chiều, chưa đồng bộ. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đôi khi còn quá tham vọng, theo đuổi nhiều mục tiêu, làm giảm hiệu quả tác động của chính sách này đối với nền kinh tế; tạo ra sự mâu thuẫn không đáng có trong việc phát đi tín hiệu cho thị trường. Rõ ràng với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, việc hoàn thiện các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của chính sách này, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao và bền vững là yêu cầu cấp bách
Chúng ta có thể thấy rất rõ ở thời điểm cuối năm 2007 và đầu năm 2008, các biện pháp kiềm chế lạm phát của chính phủ chỉ tập trung vào lĩnh vực tiền tệ. Và dường như để thể hiện quyết tâm chống lạm phát đến cùng của mình, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hàng loạt giải pháp mạnh, trong đó việc phát hành tín phiếu bắt buộc với tổng giá trị 20.300 tỷ đồng được xem là một biện pháp hành chính khá mạnh. Kết quả, thị trường tiền tệ bị xáo trộn, các ngân hàng chạy đua lãi suất nhằm thu hút tiền gửi đáp ứng nhu cầu thanh khoản, thị trường chứng khoán, bất động sản sụt giảm,... dẫn tới gia tăng RRLS. Trong tình huống kiềm chế lạm phát, việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt là cần thiết, nhưng việc sử dụng liên tiếp nhiều biện pháp mạnh như thế trong một khoảng thời gian chưa đủ để thị trường thích ứng, nên được xem xét cẩn trọng hơn. Hơn nữa, lạm phát không chỉ do nguyên nhân từ tiền tệ, cho nên, muốn kiềm chế thành công sự tăng giá phải thực hiện nhiều gói giải pháp đồng bộ từ các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.
NHNN cần thiết can thiệp vào thị trường thông qua các chính sách tài chính, các công cụ của NHNN như tỉ lệ dự trữ bắt buộc, thị trường mở, thay đổi lãi suất tái chiết khấu, không nên can thiệp vào thị trường bằng các công cụ mang tính chất hành chính.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
•
Với các định hướng, giải pháp và kiến nghị đã nêu ở chương 3, tác giả của luận văn hi vọng đã góp phần xây dựng và hoàn thiện quy trình quản trị rủi ro lãi suất tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, đồng thời cải tiến mô hình quản trị rủi ro lãi suất phù hợp hơn với các đặc điểm của đơn vị, nhằm hạn chế ảnh hưởng của rủi ro lãi suất đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống ngân hàng nói chung.
KẾT LUẬN•
Kinh doanh của ngân hàng lại là một lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm và gắn liền với rủi ro. Với chức năng trung gian tài chính, đi vay để cho vay, việc lãi suất thị trường có biến động lớn như thời gian vừa qua đã gây RRLS lớn tác động đến hoạt động kinh doanh của các NHTM nói chung và BIDV nói riêng. Vì vậy, nâng cao hiệu quả quản trị RRLS là một yêu cầu cần thiết đối với mỗi NHTM trong giai đoạn hiện nay.
Mục tiêu cuối cùng của quản trị RRLS là duy trì mức độ của RRLS nằm trong một mức độ cho phép. Để quản trị RRLS tốt, các NHTM cần có một chính sách quản trị RRLS hợp lý, một quy trình quản trị RRLS toàn diện, đảm bảo phát hiện kịp thời, đo lường, giám sát và kiểm soát rủi ro. Qua quá trình phân tích, đề tài đã đánh giá về cơ bản thực trạng hiệu quả quản trị RRLS tại BIDV, qua đó tìm ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của tình trạng đó. Bằng cơ sở lý luận và nghiên cứu thực tiễn mô hình tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, luận văn đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới. Các giải pháp được đưa ra mang tính chất tương đối toàn diện, tác động vào nhiều mặt của hoạt động quản trị RRLS, bao gồm các nhóm giải pháp về tổ chức quản trị rủi ro lãi suất, đo lường rủi ro lãi suất và phòng ngừa rủi ro lãi suất, trong đó đề cập đến cả những biện pháp mang tính kỹ thuật, hành chính, pháp lý và chất lượng nguồn nhân lực...
Luận văn này được hoàn thành với sự giảng dạy tận tình của tập thể giảng viên Học viện Ngân hàng, sự hướng dẫn tận tình của PGS.TS Đinh Xuân Hạng. Mặc dù đã cố gắng nghiên cứu tài liệu và vận dụng lý thuyết vào tình huống cụ thể, nhưng do trình độ và thời gian có hạn nên không tránh khỏi những sai sót. Rất mong nhận được ý kiến nhận xét, đánh giá của quý thầy cô trong Hội đồng.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo tại các cuộc họp ALCO năm 2008, quý I/2009 và quý I/2010 Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV
2. Đỗ Thị Kim Hảo (2005), Giải pháp quản lý rủi ro lãi suất tại ngân hàng
Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, luận án tiến sĩ kinh tế.
Học viện ngân hàng, Hà Nội
3. Frederics.Mishkin, Tiền tệ Ngân hàng và Thị trường tài chính
4. Hiệp ước quốc tế về an toàn vốn của Uỷ ban giám sát ngân hàng của BIS (Basel I) và Hiệp ước mới về an toàn vốn của Uỷ ban giám sát ngân hàng của BIS (Basel II);
5. Kỷ yếu khoa học (2007), Giải pháp phát triển thị trường phái sinh tại
Việt Nam - Ngân hàng Nhà nước
6. Peter S.Rose (2001), Quản trị ngân hàng thương mại, NXB tài chính, Hà Nội
7. PGS.TS Nguyễn Văn Tiến (2005), Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân
hàng - Học viện ngân hàng
8. PGS.TS Phan Thị Thu Hà (2009), Quản trị Ngân hàng thương mại, NXB Giao thông vận tải, 2009
9. Phát triển nghiệp vụ tài chính phái sinh ở Việt Nam - Tạp chí ngân hàng
(số 22 - năm 2007) - trang 37-39 10.Website ❖ www.bidv.com.vn www.saga.vn ❖ www.sbv.gov.vn ❖ www.tapchitaichinh.vn ❖ www.vneconomy.vn