Hạn chế rủi ro tín dụng ngân hàng một cách hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào những chính sách, biện pháp của các ngân hàng mà còn phụ thuộc vào các yếu tố của môi trường kinh tế vĩ mô, trong đó đặc biệt là vai trò của
Chính phủ. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho an toàn tín dụng của ngân hàng qua các mặt sau:
- Hoàn thiện và ổn định các chính sách phát triển kinh tế xã hội.
Nhà nước cần hoàn thiện và ổn định hệ thống chính sách xã hội làm cơ sở tạo môi trường kinh tế và pháp lý thuận lợi cho các Ngân hàng hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Từ đó tạo nên sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Có được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, các thành phần kinh tế sẽ mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh về chiều sâu, thu hút được nguồn vốn tham gia vào quá trình đầu tư.
Đưa ra các chính sách đầu tư trong nước, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát huy tối đa các tiềm năng của các thành phần kinh tế. Đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, tổ chức kinh tế mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh như cho thuê đất, xây dựng cơ sở, hỗ trợ về mặt đào tạo, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
- Tạo lập và hoàn thiện môi trưởng pháp lý đảm bảo an toàn tín dụng. Trong những năm gần đây, quốc hội, uỷ ban thường vụ quốc hội, chính phủ, NHNN và các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều luật, văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, luật và các văn bản đã có triển khai vào hoạt động ngân hàng còn chậm chạp và gặp nhiều vướng mắc, bất cập như một số văn bản về việc cưỡng chế thu hồi nợ. Những văn bản này đều có quy định: trong những khách hàng không trả được nợ NHTM có quyền xử lý tài sản đảm bảo vay. Trên thực tế, các NHTM không làm được điều này vì ngân hàng là một tổ chức kinh tế, không phải là cơ quan quyền lực nhà nước, không có chức năng cưỡng chế buộc khách hàng bàn giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng để xử lý, hoặc việc chuyển tài sản đảm bảo vay để tòa án xử lý theo con đường tố
tụng... Cùng nhiều quy định khác dẫn đến tình trạng NHTM không thể giải quyết nợ tồn đọng, tài sản tồn đọng. Do vậy, điều kiện về pháp lý thuận lợi từ chính phủ là rất quan trọng đối với hoạt động của các NHTM.
- Chấn chỉnh các hoạt động của hệ thống doanh nghiệp
Trước hết, nhanh chóng chấn chỉnh việc cấp phép hoạt động và kinh doanh đối với các doanh nghiệp mới, đặc biệt là các công ty trách nhiệm hữu hạn. Doanh nghiệp được cấp phép phải đảm bảo được điều kiện về vốn, cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh, cán bộ điều hành có đủ năng lực phẩm chất và có phương án kinh doanh khả thi. Đồng thời không được buông lỏng việc kiểm tra, giám sát sau khi doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thành lập.
- Tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, bình đẳng cho hoạt động ngân hàng.
Hiện nay các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng kinh doanh dựa vào vốn của nhà nước rất lớn điều này làm cho các ngân hàng thương mại cổ phần rất khó cạnh tranh vì vốn tự có của các ngân hàng thương mại cổ phần thường nhỏ hơn rất nhiều so với các ngân hàng thương mại quốc doanh. Do đó, các ngân hàng thương mại cổ phần thường phải huy động vốn từ dân cư với lãi suất cao dẫn tới lãi suất cho vay cũng cao theo, điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Để khắc phục điều này, nhà nước phải nhanh chóng sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.