d/ Đầu tư vốn tín dụng Ngân hàng để phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.
1.3.2. Bài học cho Việt Nam
Thông qua phân tích những kinh nghiệm về đầu tư tín dụng Ngân hàng đối với phát triển du lịch của Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, chúng ta có thể rút ra cho Việt Nam một số bài học trong đầu tư tín dụng Ngân hàng đối với phát triển du lịch như sau:
Đối với nội dung quy hoạch, kế hoạch du lịch ở tầm quốc gia cần tập trung những vấn đề thực tế hơn cho giai đoạn trung hạn nhằm đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu quy hoạch đặt ra. Xác định mục tiêu cho giai đoạn trung hạn sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các Ngân hàng thương mại có sự đánh giá dễ dàng, chính xác hơn trong việc đầu tư vốn phát triển du lịch.
Tổ chức không gian du lịch trong phạm vi cả nước được xác định trong chiến lược du lịch, theo đó nội dung này là nhằm xác định rõ các địa bàn, không gian trọng điểm du lịch với chức năng du lịch chính. Ví dụ, Kinabalu được xác định là địa bàn trọng điểm về du lịch sinh thái của Malaysia, trong khi Kuala Lumpur được xác định là địa bàn phát triển du lịch MICE, du lịch vui chơi giải trí, du lịch mua sắm. Với thế mạnh nổi trội so với các nước trong khu vực, Việt Nam nên ưu tiên phát triển du lịch biển, phát triển du lịch văn hóa làm nền tảng, phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm, liên kết phát triển sản phẩm khu vực gắn với các hành lang kinh tế. Qua việc xác định không gian trọng điểm du lịch với từng chức năng riêng biệt, chính quyền các cấp địa phương, các nhà đầu tư, các Ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp du lịch sẽ có kế hoạch hợp tác xây dựng những dự án đầu tư phù hợp theo chiến lược phát triển du lịch Quốc gia.
Thu hút nguồn vốn tín dụng Ngân hàng để đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Để có thể thực hiện thành công các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch
(hiện nay Malaysia đầu tư cho hoạt động này khoảng 150 triệu USD/năm và Thái Lan khoảng 180 triệu USD/năm). Lĩnh vực xúc tiến, quảng bá cần tập trung đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm vào thị trường mục tiêu theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm đối tượng xúc tiến trọng tâm. Cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia có vai trò chủ đạo trong việc hoạch định chương trình xúc tiến quảng bá quốc gia và huy động các tổ chức, doanh nghiệp chủ động tham gia theo cơ chế “ cùng mục tiêu, cùng chia sẻ”.
Trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch cần chú trọng việc nghiên cứu đề xuất những trọng tâm phát triển cho từng giai đoạn, chú trọng đề xuất những loại hình du lịch mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Song song theo đó là việc xây dựng kế hoạch đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của du lịch, cũng như theo từng loại hình du lịch mới hình thành. Trong từng giai đoạn, Nhà nước, Tổng cục du lịch, các Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch địa phương phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư, các Ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo các nội dung quy hoạch, kế hoạch có thể thực thi.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1• •
Chương 1 luận văn đã tập trung phân tích những lý luận cơ bản về du lịch và đầu tư tín dụng Ngân hàng đối với sự phát triển du lịch, vai trò của du lịch và sự cần thiết phải đầu tư tín dụng Ngân hàng để phát triển du lịch. Nội dung thể hiện:
Thứ nhất, Chương 1 đã trình bày các khái niệm về du lịch, đặc điểm ngành du lịch, các loại hình du lịch, các nhân tố tác động đến sự phát triển du lịch và tác động của sự phát triển du lịch đối với nền kinh tế.
Thứ hai, Chương 1 đã đi vào phân tích các loại hình tín dụng và các hình thứ đầu tư tín dụng Ngân hàng cũng như sự cần thiết phải đầu tư tín dụng để phát triển du lịch, khai thác các lợi thế du lịch, tăng tích lũy vốn vật chất cho ngành du lịch, mở rộng quy mô việc làm và góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Đưa ra kinh nghiệm của một số nước về đầu tư tín dụng Ngân hàng đối vơi phát triển du lịch tại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, qua đó đã rút ra được một số bài học về đầu tư tín dụng Ngân hàng đối với phát triển du lịch Việt Nam.