Trong mọi hoạt động, con người luôn là một nhân tố quan trọng, trong hoạt động ngân hàng cũng vậy, nhân tố con người quyết định sự thành bại của các chiến lược kinh doanh. Trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng, công tác tín dụng có thể được coi là công việc phức tạp nhất. Các bản báo cáo tín dụng thể hiện sự đánh giá chủ quan của các cán bộ tín dụng về năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh và khả năng thanh toán nợ của khách hàng dựa trên các tiêu chuẩn lựa chọn và việc xem xét và phân tích một cách kỹ lưỡng. Công việc này đòi hỏi phải có những cán bộ có trình độ và năng lực, am hiểu, thông thạo nghiệp vụ. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng tín dụng của Chi nhánh và hạn chế nợ xấu, cần phải đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng.
Để có thể nâng cao trình độ và kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tín dụng, Chi nhánh nên thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Cán bộ tín dụng cần phải theo kịp các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước: về pháp luật, về các hoạt động kinh tế xã hội, về chế độ và thể lệ nghiệp vụ tín dụng... Các lớp đào tạo bồi dưỡng có thể do các cán bộ có trình độ cao, nghiệp vụ sâu và có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy hoặc cũng có thể mời các giảng viên các trường đại học, các chuyên gia ở bên ngoài đến giảng dạy.
Chi nhánh cũng nên khuyến khích các cán bộ tín dụng tự học tập, đào tạo, nâng cao trình độ và năng lực bản thân. Chi nhánh cũng có thể hỗ trợ kinh phí để các cán bộ tín dụng bổ sung thêm kiến thức về tin học, ngoại ngữ, giúp họ nắm được các phương tiện hiện đại, công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, Chi nhánh nên sớm xây dựng một đội ngũ cán bộ chủ chốt, có năng lực, có kinh nghiệm theo học các lớp đào tạo về xử lý nợ để làm trụ cột cho hoạt động quản lý rủi ro tín dụng.
Chi nhánh cần kiểm tra, theo dõi và đánh giá một cách định kỳ, thường xuyên kiểm tra trình đọ của từng cán bộ tín dụng để lập kế hoạch bồi dưỡng cho những cán bộ chưa nắm vững được nghiệp vụ hay chuyển họ sang công tác ở những vị trí thích hợp hơn.
Bố trí sắp xếp có hiệu quả đội ngũ cán bộ nghiệp vụ theo nguyên tắc đúng người đúng việc, bố trí công tác phù hợp với khả năng, trình độ và sở trường của mỗi người sẽ tránh được những rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Có thể nói năm 2016 là năm của “rủi ro đạo đức” trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam khi mà có hàng trăm vụ liên quan đến rủi ro này gây tổn thất cho hệ thống khoảng 50.000 tỷ đồng. “Rủi ro đạo đức” được ví như “bệnh ung thư” của ngân hàng và đang được coi là một trong các vấn đề cần triệt để giải quyết. Để hạn chế rủi ro xuất phát từ đạo đức của cán bộ ngân hàng, ngân hàng cần chú trọng vào công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Ngân hàng cũng cần giáo dục ý thức tập thể cho cán bộ nhân viên, xách định ý thức làm việc vì “lợi ích của ngân hàng” là trên hết thay vì “vì lợi ích cá nhân”.
Trong quá trình sử dụng lao động, ngân hàng cũng cần có chế độ đãi ngộ hợp lý, thỏa đáng để giúp họ có động lực để phát huy hết năng lực bản thân.