1.3.1.1 Kinh nghiệm của các huyện của tỉnh Bắc Ninh
Bắc Ninh là một tỉnh lân cận nằm ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Các làng nghề ở Bắc Ninh hình thành và phát triển từ lâu đời và rất đa dạng về ngành nghề. Giá trị sản xuất của các làng nghề tăng nhanh, luôn chiếm từ 75-80% giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh và khoảng 30% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2011, các huyện trong toàn tỉnh có 62 làng nghề, phân bố ở 37 xã trên tổng số 125 xã, phường trong đó có nhiều làng nghề truyền thống hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực khác nhau đã góp phần to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo ra khối lượng hàng hoá đa dạng và phong phú phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Trong từng giai đoạn, những sản phẩm phù hợp với thị trường được mở rộng quy mô từ làng nghề thành xã nghề, như đúc đồng ở xã Đại Bái, gốm ở xã Phù Lãng hay mộc mỹ nghệ ở xã Phù Khê, Hương Mạc, Đồng Quang. Ngoài ra các xã liền nhau cùng sản xuất một loại sản phẩm và tiếp tục lan sang một số xã xung quanh hình thành các cụm sản xuất sản phẩm khác nhau: Cụm hàng mộc mỹ nghệ, cụm sắt thép, cụm dệt (Từ Sơn); cụm giấy, cụm hàng nhôm (Yên Phong); cụm hàng đồng, hàng nhựa (Gia Bình); cụm gốm (Quế Võ)... Để phát triển làng nghề, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai một số giải pháp:
+ Ban hành các văn bản, chủ trương và nghị quyết về xây dựng, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống.
+ Quy hoạch tạo mặt bằng cho sản xuất, xây dựng mô hình khu công nghiệp làng nghề đạt tiêu chuẩn môi trường. Khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp làng nghề và đa nghề nhằm quy hoạch lại các cơ sở sản xuất, nâng lên quy mô lớn.
+ Ưu tiên sử dụng quỹ khuyến công cho các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, nhất là chương trình nhân rộng ngành nghề mới.
+ Thành lập và tạo điều kiện hoạt động cho các hội, hiệp hội nghề nghiệp theo nhóm sản phẩm, thúc đẩy mối liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người sản xuất, người chế biến và tiêu thụ.
+ Chú trọng đầu tư giải quyết ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, bao gồm cả xử lý riêng lẻ trong các doanh nghiệp và xử lý tập trung ở các khu và cụm công nghiệp.
1.3.1.2 Kinh nghiệm của các huyện của tỉnh Thái Bình
Thái Bình là một tỉnh ven biển, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Toàn tỉnh có 7 huyện và 1 thành phố.
Theo các tài liệu lịch sử, ngay từ thế kỷ thứ nhất đã xuất hiện nghề dệt ở các huyện Thái Bình, các thế kỷ tiếp theo, có sự xuất hiện và phát triển của các nghề rèn, đúc, khảm trai, sơn mài, đan lát mây tre.v.v.. Từ cuối thế kỷ thứ X nghề dệt chiếu đã thịnh hành ở Thái Bình cho đến nay. Nghề chạm bạc Đồng Xâm đã xuất hiện từ thế kỷ 17. Hầu hết ở các xã, phường của Thái Bình đều có hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Toàn tỉnh 127 xã có làng nghề như dệt vải, đan chiếu, làm hàng mây tre, thêu ren,... tồn tại từ lâu đời, xen kẽ với những làng có nghề mới du nhập như đan túi sợi, sản xuất lưỡi câu, đan lưới ni lông, chiếu trúc, đá mỹ nghệ... Số lượng làng nghề các huyện của tỉnh tăng nhanh qua các năm, năm 2003 toàn tỉnh có 93 làng nghề được công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề. Đến năm 2012 toàn tỉnh 221 làng nghề. Hoạt động nghề và làng nghề đã tạo việc làm cho hơn 160.000 người, thu nhập ổn định từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng/người/tháng. Để phát triển làng nghề, tỉnh Thái Bình đã thực hiện một số giải pháp sau:
+ Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
+ Ban hành các văn bản, chủ trương và nghị quyết về xây dựng và phát triển làng nghề. + Quy hoạch tạo mặt bằng cho sản xuất, khuyến khích phát triển các cụm làng nghề, làng nghề truyền thống.
+ Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sản xuất như: Vay vốn ưu đãi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ.
1.3.1.3 Kinh nghiệm của các huyện trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Việc triển khai thực hiện phát triển TTCN và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương trong những năm qua đã có những kết quả tích cực: Giá trị sản xuất TTCN-LN năm 2010 đạt 5.120 tỉ đồng, chiếm 23,1% trong tổng GTSX công nghiệp
toàn tỉnh. Số lượng cơ sở TTCN-LN trong tỉnh tăng đáng kể; một bộ phận các cơ sở công nghiệp cá thể chuyển đổi thành các doanh nghiệp dân doanh theo Luật Doanh nghiệp hoặc tham gia vào các HTX. Số cơ sở công nghiệp hoạt động theo mô hình HTX tăng bình quân 16,2%/năm (từ 49 HTX năm 2005 lên 104 HTX năm 2010) và cơ sở công nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tăng bình quân 21,1%/năm (từ 265 doanh nghiệp năm 2005 lên 691 doanh nghiệp năm 2010). Sản xuất TTCN và làng nghề đã giải quyết việc làm cho 108 ngàn lao động, chiếm 11,4% tổng số lao động xã hội toàn tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,02%/năm. Trong đó, khu vực giải quyết nhiều lao động nhất là khối kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể, riêng khối kinh tế tư nhân đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 17,2%/năm. Các làng nghề TTCN trong tỉnh tiếp tục được quan tâm khôi phục và phát triển. Trong 5 năm qua, đã có thêm 29 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề CN-TTCN; đưa tổng số làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận danh hiệu làng nghề lên 61 làng. Các sản phẩm TTCN và làng nghề trong tỉnh như: Rượu Phú Lộc, mộc Đông Giao, mộc Cúc Bồ, gốm sứ Cậy, vàng bạc Châu Khê, thêu ren Hưng Đạo, giầy da Hoàng Diệu, cơ khí Kẻ Sặt, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh gai Ninh Giang, gốm Chu Đậu… tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều làng nghề, sau khi được công nhận đã phát huy hiệu quả tích cực như: Kim hoàn Châu Khê, Lương Ngọc ( Bình Giang); Mộc, gỗ mỹ nghệ Đông Giao, Lê Xá ( Cẩm Giàng), Mộc Trại Như ( Bình Giang); Giầy da Hoàng Diệu ( Gia Lộc); thêu ren Xuân Nẻo, Ô Mễ, Nhũ Tỉnh, Lạc Dục, Đồng Bình ( Tứ Kỳ); Chế biến thực phẩm, nông sản An Thủy, Tống Buồng ( Kinh Môn).v.v. Công tác bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển bền vững cơ bản đều được các doanh nghiệp công nghiệp, TTCN và làng nghề trong tỉnh quan tâm thực hiện. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đều triển khai lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Việc đầu tư hệ thống xử lý rác thoải, nước thải và triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường đều được triển khai tại hầu hết các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nguồn chất thải nguy hại đều thực hiện ký hợp đồng với các cơ sở có đủ chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định. Nhiều làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: sản xuất bún, bánh đa, nấu rượu bước đầu đã triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: xây dựng bể biogas, mua xe trở rác và dụng cụ thu gom rác, di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực gia đình, khu dân cư.v.v.
Có được những kết quả đó, tỉnh Hải Dương đã làm tốt cac nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
- Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; các ngành, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh, huyện, thành phố, thị xã đến xã, phường, thị trấn để phát triển TTCN và làng nghề.
- Trên cơ sở công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển công nghiệp, tỉnh sẽ dành quỹ đất và thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung để các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh.
- Tập trung xây dựng và quản lý hoạt động các Cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch được duyệt và Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện đề án xây dựng và phát triển giao thông nông thôn; tiếp tục cải tạo, hoàn thiện hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước trong các làng nghề; ưu tiên các dự án, công trình thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới cho các xã có làng nghề được công nhận.
- Tập trung tuyên truyền, triển khai cơ chế hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ cho các cơ sở sản xuất TTCN, hộ gia đình trong các làng nghề.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm TTCN và làng nghề. Gắn kết các cơ sở TTCN và làng nghề với các tổ chức thương mại để tạo lập hệ thống lưu thông hàng hoá rộng khắp, hiệu quả.
- Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác khuyến công theo Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Tranh thủ kinh phí khuyến công trung ương để tập trung vào việc truyền dạy nghề, củng cố và khôi phục nghề truyền thống, du nhập nghề mới.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nâng cao năng lực công nghệ của các cơ sở TTCN và làng nghề thông qua chương trình hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề đang hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý Nhà nước đối với sản xuất công nghiệp, TTCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động trong sản xuất TTCN và làng nghề, nhất là những ngành nghề có khả năng xảy ra mất an toàn lao động.