Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
- Về sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề chè truyền thống huyện Phú Lương:
Trải qua một giai đoạn dài, bởi những yếu tố khách quan, biến cố do chiến tranh và quá trình bao cấp, mặc dù huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên có thế mạnh về sản xuất chè xanh chất lượng cao, diện tích chè lớn đứng thứ 2 toàn tỉnh, năng suất, sản lượng chè cao, nhưng chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; sản xuất, sơ chế chủ yếu theo phương pháp truyền thống quy mô hộ, chưa quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo cơ cấu giống, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết hiệu quả giữa sản xuất, chế biến,
tiêu thụ chè với văn hóa, du lịch, di tích lịch sử; tỷ lệ sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP (hoặc GAP khác) còn thấp.
Số liệu chè huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên năm 2018 về diện tích: Toàn huyện Phú Lương hiện có trên 4.500ha chè Thái Nguyên. Năng suất bình quân của diện tích trồng chè huyện Phú Lương đạt 114 tạ chè búp tươi/ha.
Tổng hợp từ các vùng trồng chè đặc sản huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho thấy, sản lượng chè búp tươi đạt 51,3 nghìn tấn/năm. Sản lượng tăng cao nhờ tăng cường trồng các loại chè cành, cũng như chăm bón theo quy trình kỹ thuật. Ngành nông nghiệp huyện khuyến khích người trồng chè trồng mới, trồng thay thế các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Cụ thể là các giống chè như LDP1, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Tri777. Phấn đấu 100% diện tích chè trong quy hoạch sản xuất theo hướng VietGAP và an toàn; 30% diện tích sản xuất chè an toàn được chứng nhận VietGAP hoặc GAP khác. Các sản phẩm các làng nghề chè huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Hơn nữa, giá cả luôn tương xứng với chất lượng sản phẩm Trà.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề chè truyền thống huyện Phú Lương là khá rộng: Tiêu thụ tại các tỉnh trong cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…..
- Về sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề truyền thống bánh chưng Bờ Đậu huyện Phú Lương:
Nghề làm bánh chưng ở Bờ Đậu ra đời vào những năm 1960, bắt đầu từ quán bánh của cụ Nguyễn Thị Đấng. Nấu bánh ngon, quán nhỏ của cụ nằm trong xóm Bờ Đậu lúc nào cũng đông khách. Thấy nghề làm bánh đem lại cuộc sống sung túc hơn, dân làng người nọ bắt chước người kia học theo. Đến nay tính riêng tại xóm Chín xã Cổ Lũng, cả làng với hơn 1.000 nhân khẩu đều theo nghề làm bánh. Cũng từ đó, làng nghề làm bánh chưng có tên chính thức là Bờ Đậu. Khác hẳn với những nơi làm bánh chưng khác, người dân Bờ Đậu không bao giờ sử dụng khuôn để gói bánh, 100% sản phẩm đều được gói thủ công bằng tay nhưng vẫn vuông vắn đẹp mắt. Đó là một trong những kỹ nghệ riêng biệt của làng. Điều đặc biệt quan trọng hơn đối với sản phẩm bánh
chưng Bờ Đậu là tất cả các nguyên liệu làm nên chiếc bánh đều được người dân lấy từ những đại lý bán hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Gạo nếp để gói bánh thường được dùng loại gạo nếp vải của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn hoặc nếp cái hoa vàng của tỉnh Hưng Yên. Năm nay, một số hộ gói bằng giống gạo nếp thầu dầu - một sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đậu làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, dẻo và có vị thơm tự nhiên cùng với thịt heo ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu bắc và được gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được đưa về từ núi rừng Na Rì, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đặc biệt, nước luộc bánh chưng được lấy từ dòng suối trong veo trên núi đá phía sau làng. Người dân nơi đây vẫn gọi là nước “giếng thần” vì nước này giúp bánh sau khi luộc giữ nguyên được màu xanh lá cây cùng mùi thơm hấp dẫn. Ngoài bánh hình vuông truyền thống, làng nghề còn sản xuất loại bánh có hình trụ tròn, có hình dáng tương tự bánh tét của Nam bộ, giúp cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Trong đó, bánh được chia làm 3 cỡ. Bánh chưng nhỏ được bán với giá 10.000 đồng/chiếc. Loại bánh chưng vuông cỡ trung có giá 20.000 đồng/chiếc. Đối với bánh vuông lớn, chủ yếu bán trong ngày tết có giá 50.000 đồng/chiếc. Trung bình hằng ngày một gia đình ở Bờ Đậu xuất ra ngoài thị trường khoảng 100 - 150 chiếc. Với ngày Tết, nhu cầu lên tới 800 - 1.000 chiếc/ngày, nên hầu như số lượng bánh làm ra không đủ để bán.
Cứ tháng 8 hằng năm, Ban quản lý Làng nghề lại mở một lớp tập huấn về an toàn thực phẩm và mời cán bộ của Sở Công thương tỉnh lên trực tiếp giảng dạy. Kinh phí lớp học do chính các học viên tự nguyện đóng góp. Sau 3 ngày học và phải trải qua phần thi nghiêm túc với nội dung về an toàn thực phẩm, các học viên thi đậu mới được cấp chứng chỉ. Ngoài ra, làng đang xúc tiến việc dán mã vạch để quản lý nguồn gốc bánh. Đồng thời, yêu cầu các hộ dân phải ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguồn hàng nhập vào, hàng bán ra và chịu trách nhiệm với những sản phẩm của mình. Sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu đã từng được vinh danh tại triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên và được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Công Thương cấp Bằng chứng thư thẩm định về an toàn thực phẩm.
Không chỉ dừng lại ở bánh chưng truyền thống, một số hộ dân trong làng nghề còn làm thêm một số loại bánh mới như bánh chưng lá giềng để tạo màu xanh sẫm cho bánh,
bánh nếp cẩm được làm từ gạo nếp cẩm có màu tím, bánh chưng gấc có màu cam, bánh chưng ngũ sắc gồm các màu kết hợp… để đa dạng hóa sản phẩm.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề truyền thống bánh chưng Bờ Đậu huyện Phú Lương: Tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh trong cả nước. Cho đến nay, bánh chưng Bờ Đậu chưa có hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài, tuy nhiên nhiều Việt kiều vẫn đến làng mua bánh mang đến nhiều nước Đông Âu và một số nước trong khu vực Châu Á và các nước Đông Nam Á.
- Về sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề truyền thống Mây tre đan Phấn Mễ huyện Phú Lương: Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là các đồ thủ công phục vụ sản xuất như: Rổ, rá, nong, nia…và được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh Thái Nguyên.