Thuyết kỳ vọng của Vroom đề cập đến việc một cá nhân có xu hướng hành động và làm việc vì tin rằng việc làm này sẽ dẫn đến một kết quả đúng như mong muốn trước đó của họ và mức hấp dẫn của kết quả đó đối với cá nhân này đã thu hút họ hành động. Thuyết này nhấn mạnh vào 3 mối quan hệ:
(1) Kỳ vọng, hay còn gọi là mối quan hệ giữa nỗ lực và thành tích, cho biết nhân viên nhận thức được rằng việc nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc sẽ đem đến cho họ thành tích nhất định đúng theo công sức mà họ đã bỏ ra.
(2) Phương tiện - mối quan hệ giữa thành tích và phần thưởng, khi đạt được thành tích nhất định sẽ đem đến cho họ một phần thưởng xứng đáng, đúng với công sức họ bỏ ra.
(3) Chất xúc tác - mức độ hấp dẫn của phần thưởng. Chất xúc tác chính là sự hấp dẫn, lôi cuốn của mục tiêu với mức độ thách thức cao phù hợp với nhân viên đó và phần thưởng mà họ nhận được sau khi nỗ lực để đạt được thành tích.
Vroom cho rằng người lao động chỉ được động viên và hài lòng khi họ nhận thấy ba yếu tố trên đều tích cực. Chính vì vậy, trong tổ chức, có thể cùng một vị trí và cùng một tính chất công việc, có người này hài lòng, nhưng người khác thì không, lý do căn bản là nhận thức của họ về ba yếu tố trên là khác nhau. Tổ chức đó cần cho người lao động thấy rằng nỗ lực của họ xứng đáng đạt được phần thưởng mà họ kỳ vọng và mong muốn. Khi người nhân viên thỏa mãn về sự công nhận, thành tích, cơ hội thăng tiến, họ sẽ cố gắng để hoàn thành và nỗ lực hết mình để thực hiện công việc một cách tốt nhất.