Đặc điểm công việc (Job characteristics) bao gồm các yếu tố, tính chất của công việc mà những yếu tố này tác động đến kết quả làm việc của người lao động. Đặc điểm công việc mang đến cho người lao động sự hài lòng chung và tạo được hiệu quả công việc tốt nếu tổ chức thiết kế công việc bảo đảm sử dụng các kỹ năng của họ, nắm được trình tự thực hiện công việc và tầm quan trọng nhất định của công việc đối với hoạt động của tổ chức, các phòng ban chuyên môn; người lao động được thực hiện một số quyền nhất định để hoàn tất công việc và chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình; công việc phải có cơ chế phản hồi đánh giá của cấp trên đối với những gì người lao động đã làm để rút kinh nghiệm cho lần sau (Hackman và Oldman, 1974). Ngoài ra để người lao động thỏa mãn, hài lòng với công việc thì họ cần được làm công việc phù hợp với năng lực của họ (Weiss và cộng sự, 1967; Bellingham, 2004).
2.5.2. Thu nhập
Thu nhập trong nghiên cứu này được hiểu là tất cả các khoản từ tổ chức mà nhân viên nhận được, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Theo Czakan (2003), thu nhập là khía cạnh mà đa số mọi người đều hài lòng trong công việc hơn khi lương ngày càng tăng. Lợi ích bên lề của việc tăng thu nhập dẫn đến sự hài lòng chính là việc so sánh giữa những gì người lao động thực nhận và những gì họ cảm thấy họ xứng đáng được nhận.
Sự không hài lòng sẽ xuất hiện khi người lao động nhận thấy sự bất bình đẳng giữa thu nhập của họ và cũng những người khác có cùng trình độ học vấn và điều kiện khi tuyển dụng vào. Nếu lương họ thực nhận phản ánh đúng sự nỗ lực của họ, sự hài lòng sẽ tăng (Steyn, 2002).
Thu nhập không chỉ giúp các cá nhân đáp ứng những nhu cầu căn bản và còn cả những nhu cầu cấp cao của họ.
2.5.3. Cơ hội đào tạo và thăng tiến
Đào tạo để nhân viên có thêm kiến thức mới, kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp hơn trong công việc sẽ giúp họ đối mặt với công việc trong hiện tại và tương lai một cách tốt hơn. Thăng tiến là nỗ lực của tổ chức nhằm cung cấp cho người lao động các năng lực mà tổ chức sẽ cần trong tương lai. Đào tạo đi chung với thăng tiến do đào tạo thường nhằm mục đích cuối cùng là thăng tiến hoặc cơ hội phát triển sự nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động.
Theo Stanton và Croddley (2000), cơ hội đào tạo và thăng tiến liên quan đến nhận thức của người lao động, thể hiện việc người lao động được trao cơ hội học tập để nâng cao kỹ năng phục vụ công việc và khả năng họ được đề bạt lên những vị trí cao hơn. Vì thế người lao động mong muốn được biết những thông tin về điều kiện, cơ hội, chính sách thăng tiến, cơ hội được đào tạo, phát triển những kỹ năng cần thiết và định hướng nghề nghiệp của họ. Lý thuyết hai nhân tố của Herzberg (1959) cũng cho rằng công việc với những cơ hội, thành tựu, sự công nhận, sự tiến bộ ảnh hưởng đến động lực thúc đẩy và sự hài lòng của người lao động đối với công việc. Việc thiếu những cơ hội cho việc đào tạo và thăng tiến là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến sự hài lòng trong công việc của một cá nhân.
2.5.4. Quan hệ làm việc
Quan hệ làm việc bao gồm quan hệ với đồng nghiệp, quan hệ với cấp trên theo nghiên cứu của Lê Nguyễn Đoan Khôi và cộng sự (2013), Hồ Thanh Tân (2016). Theo đó, nhân viên mong muốn có được mối quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo và đồng nghiệp, để họ có thể nhận được những hướng dẫn phù hợp và kịp thời khi gặp vấn đề khó khăn, khuyến khích và hợp tác trong công việc. Họ cũng mong muốn mối quan hệ hữu nghị với bạn bè và hòa hợp với họ. Từ đó, cách nhóm quản lý, lãnh đạo làm việc với nhân viên hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao sự hài lòng của nhân viên (Manese, 2001). Mức độ hài lòng của công việc có thể được
nâng cao bằng cách cải thiện hiệu suất làm việc, cũng như tạo điều kiện để nhân viên làm việc tốt nhất thông qua việc giao tiếp, chia sẻ và sẵn sàng góp ý để cải thiện.
2.5.5. Đánh giá thành tích
Đánh giá thành tích là việc xem xét, đánh giá về hiệu quả công việc được thực hiện và năng lực của người lao động. Đánh giá thành tích trên các phương diện kết quả công việc, phương pháp làm việc và những phẩm chất và kỹ năng thực hiện công việc. Theo Kovach (1987) thì đánh giá thành tích thể hiện khi cá nhân trong tổ chức hoàn thành tốt công việc, tổ chức ghi nhận sự đóng góp của họ vào thành công của đơn vị và họ được đánh giá cao về năng lực từ sự đánh giá của lãnh đạo, của đồng nghiệp.
Điều này cho thấy nhân viên được đánh giá thành tích sẽ có quan điểm tích cực hơn và sẵn sàng hành động theo chiều hướng hỗ trợ tổ chức.
2.5.6. Các biến nhân khẩu học
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đặc điểm nhân khẩu học không chỉ ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của người lao động mà còn thể hiện sự khác biệt về mức độ hài lòng trong công việc. Trong đề tài này tác giả đưa một số đặc điểm cá nhân mà nhiều tác giả đã nghiên cứu như:giới tính, độ tuổi, chức vụ, trình độ học vấn, vị trí công tác và thâm niên công tác vào mô hình để nghiên cứu đặc điểm cá nhân có sự khác biệt như thế nào đến mức độ hài lòng trong công việc của công chức tại Chi cục Thuế thành phố Nha Trang.