- Thách thức: Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, ngành caosu và doanh
3.2. Một số giải pháp giúp tăng hiệu quả đầu tư của các công ty
Trên cơ sở các kết quả thực nghiệm, một vài gợi ý để giúp các công ty cải thiện được hoạt động đầu tư như sau:
- Thứ nhất, nguồn vốn để tài trợ cho việc đầu tư và phát triển công nghệ có thể đến từ hai kênh là nguồn vốn nội bộ hoặc trợ bên ngoài. Đối với các quỹ nội bộ, công ty phải minh bạch hóa tất cả các thông tin liên quan và trong các báo cáo tài chính để tạo được niềm tin của các cổ đông, từ đó các hoạt động đầu tư có thể được mở rộng. Mặc khác, việc tiêu chuẩn hóa và minh bạch thông tin sẽ giúp cho các công ty được đánh giá cao hơn và dễ dàng tiếp cận với các nguồn tài trợ bên ngoài hơn.
- Thứ hai, để hội nhập kinh tế quốc tế và kiểm soát, quản lý tốt công ty nhất là với các công ty có quy mô lớn thì nhu cầu nâng cao năng lực của cấp quản lý là rất cần thiết. Những nhà quản trị có năng lực có thể giúp hạn chế được vấn đề người đại diện và rủi ro kinh doanh.
- Thứ ba, để tạo môi trường tốt và công bằng cho các công ty hoạt động đồng thời hạn chế bớt những rủi ro hệ thống có thể gặp phải do quá trình hội nhập. Chính phủ cần có những chính sách, quy định chặt chẽ và minh bạch đối với từng lĩnh vực kinh doanh, từ đó tạo được môi trường tốt cho kinh tế phát triển và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng là một trong những kênh tài trợ quan trọng cần được quan tâm, cần tạo cơ chế thông thoáng giúp cho các công ty có nhu cầu vay vốn đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng.
- Thứ tư, nâng cao hơn nữa chuỗi giá trị ngành hàng cao su và sự đóng góp của ngành cao su và sự phát triển của liên vùng trồng nhiều cao su trong cả nước như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ,... bên cạnh những chính sách vĩ mô của Nhà nước quy hoạch cho các ngành nghề trong toàn vùng và liên vùng, cần có những giải pháp của Nhà nước, địa phương và Bộ, ngành để hỗ trợ, tạo cơ chế, chính sách cụ thể cho ngành cao su, khuyến khích phát trển các mối liên kết giữa các doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường giữa các vùng kinh tế.
+ Thành lập sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị ngành hàng cao su liên vùng, phát huy thế mạnh của các bên nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cao su và phát triển liên vùng, thúc đẩy chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp tục củng cố, phát triển sự hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ổn định việc cung cấp và tiêu thụ nguồn nguyên liệu cao su trong sản xuất săm lốp.
+ Có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến thành phẩm cao su và gỗ cao su như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế đất, không phải kê khai tính nộp thuế giá trị gia tăng trong khâu kinh doanh thương mại...
+ Xây dựng hệ thống kiểm tra chất lượng cao su cả nước và hỗ trợ doanh nghiệp vùng Tây Nguyên đảm bảo chất lượng cao su thiên nhiên (đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn công nghệ...).
+ Tạo điều kiện cho Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyên giao giống mới cao sản mủ và gỗ, tiến bộ kỹ thuật và các mô hình xen canh trên vườn cao su để năng suất cây cao su và đa dạng hóa nguồn thu nhập, giảm thiểu rủi ro cho người trồng trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi chưa ổn định, gây nhiều biến động về giá.
+ Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nguồn cao su thiên nhiên đến với các nhà công nghiệp trong nước và quốc tế.
+ Hỗ trợ thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu thị trường để có cơ sở chuyển đổi cơ cấu nguyên liệu cao su thiên nhiên phù hợp với nhu cầu của công nghiệp chế biến sâu trong nước và quốc tế, cân đối công suất các nhà máy và vùng nguyên liệu, đồng thời, định hướng cho các sản phẩm chủ lực của công nghiệp chế biến cao su và gỗ cao su.
- Thứ năm, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, tiến đến xây dựng thương hiệu ngành cao su của Việt Nam. Cụ thể là việc hình thành Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam đã được bảo hộ trong nước và tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm, kiến nghị với các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về chính sách đối với các doanh nghiệp hội viên được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” như rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, ưu tiên hoàn thuế trước, kiểm tra sau…
- Thứ sáu, các doanh nghiệp duy trì các giải pháp ứng phó với tình hình giá không thuận lợi; hỗ trợ hội viên mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo uy tín thương mại. Nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành cao su Việt Nam, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với cao su sơ chế như đã áp dụng với cà phê, hồ tiêu, nhân điều, chè, gạo… để tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và giảm chi phí cho Nhà nước trong khâu kiểm tra hoàn thuế.
- Thứ bảy, nâng cao vai trò của Hiệp hội Cao su Việt Nam. Hiệp hội Cao su Việt là một tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong ngành cao su Việt Nam và các ngành liên quan nhằm hỗ trợ Hội viên về sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên và góp phần phát triển ngành cao su bền vững.
Hiệp hội có tư cách pháp nhân và hoạt động không vì lợi nhuận, đại diện cho ngành cao su Việt Nam tham gia, đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác quốc tế chuyên ngành cao su theo sự chấp thuận của Nhà nước, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ và khuyến khích phát triển doanh nghiệp, tổ chức trong ngành cao su Việt Nam và những ngành liên quan.
Hiệp hội bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2004. Đến tháng 02 năm 2017, Hiệp hội có 134 Hội viên gồm doanh nghiệp và tổ chức nhà nước, tư nhân, cổ phần, liên doanh và có vốn nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tài chính, nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ và dịch vụ liên quan đến ngành cao su Việt Nam.
Hiệp hội hiện là Hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Cao su Quốc tế (IRA), Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (ARBC). Ngoài ra, Hiệp hội cũng là Hội viên liên kết của Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG), cộng tác viên của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC). Hiệp hội thường xuyên trao đổi thông tin và tham gia một số hội nghị, hội thảo quốc tế. Qua đó, Hiệp hội có điều kiện cập nhật, nắm bắt kịp thời tình hình thị trường cao su thế giới, thu thập kinh nghiệm của những nước có nhiều thành tựu về phát triển ngành cao su. Nhờ vậy, Hiệp hội có cơ sở cung cấp thông tin và tư vấn cho Hội viên, đồng thời tham gia đóng góp vào chiến lược phát triển ngành cao su.
Tháng 12 năm 2006, Hiệp hội đã thành lập Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su (Quỹ). Quỹ do các Hội viên tự nguyện tham gia và đóng góp kinh phí với mức không quá 1% doanh thu xuất khẩu. Đây là nguồn tài chính hỗ trợ kịp thời cho Hội viên khi gặp rủi ro trong xuất khẩu và sản xuất cao su. Ngoài ra, Quỹ cũng hỗ trợ thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại cho Hội viên và hoạt động phát triển của Hiệp hội.
Từ cuối năm 2014, Hiệp hội đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ trong nước Nhãn hiệu chứng nhận “CAO SU VIỆT NAM / VIET NAM RUBBER” để làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Thương hiệu ngành. Hiệp hội đã và đang tiếp tục đăng ký bảo hộ quốc tế Nhãn hiệu này tại những thị trường trọng điểm. Năm 2016, Hiệp hội triển khai đợt 1 việc cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho một số doanh nghiệp Hội viên tiêu biểu để làm tiền đề cho chương trình xây dựng và phát triển Thương hiệu Cao su Việt Nam.
Một số hoạt động chủ yếu của Hiệp hội Cao su Việt Nam:
- Tập hợp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các tổ chức nhằm mục tiêu đoàn kết,thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trong ngành cao su; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Hội viên; đại diện cho Hội viên trong quan hệ quốc gia và quốc tế.
- Hỗ trợ Hội viên trong các hoạt động sản xuất, xúc tiến thương mại và giao thương, kêu gọi đầu tư, cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội hợp tác kinh doanh, tham dự và tổ chức hội nghị, hội chợ, triển lãm, tham quan học tập, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, đào tạo…
- Cầu nối giữa doanh nghiệp, Hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức liên quan để đề xuất chiến lược phát triển ngành cao su, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phổ biến thông tin, đề cử các danh hiệu khen thưởng về chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại…
- Đề xuất giải pháp quản lý chất lượng cao su dựa trên cơ sở pháp lý hiện hành; phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng những quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra để có khung pháp lý cho việc kiểm soát chất lượng.
- Nghiên cứu, xây dựng Thương hiệu Cao su Việt Nam.
- Tăng cường hợp tác với các tổ chức cao su quốc tế và các quốc gia tiêu thụ cũng như sản xuất cao su để trao đổi thông tin, dự báo cung cầu, tìm giải pháp ứng phó với giá biến động và hướng đến phát triển bền vững.
Trong dài hạn, Hiệp hội tích cực phối hợp với một số tổ chức liên quan trong nước và quốc tế nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực, phù hợp để phát triển ngành cao su bền vững. Hiệp hội thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin về cung cầu để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng của bộ, ngành quản lý nguồn cung hướng đến cân bằng với nhu cầu. Đồng thời, đề xuất tăng cường sử dụng cao su thiên nhiên trong các sản phẩm, lĩnh vực mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống đang dần bão hòa.